Phân bố theo mùa gió

Một phần của tài liệu Điều tra thành phần loài, phân bố và đề xuất giải pháp bảo vệ ấu trùng tôm, tôm con ở vùng biển ven bờ đông tây nam bộ (Trang 40 - 104)

b. Ở miền Nam Việt Nam

3.1.2.2 Phân bố theo mùa gió

a. Phân bố mật độ tầng mặt

Phân bố mật độ tầng mặt của ATT-TC không đồng đều trong hai mùa gió. Mùa gió Đông Bắc, mật độ phân bố phổ biến nhỏ hơn 1000 cá thể/1000 m3 trên toàn vùng biển nghiên cứu. Chúng chỉ tập trung rải rác ở một vài khu vực nhất định như phía tây bắc Côn Đảo, phía tây Cà Mau và quanh đảo Ba Lụa với mật độ từ 4000 - 7823 cá thể/1000 m3 nước biển (Hình 9).

Mùa gió Tây Nam, đây là thời gian mà hầu hết các loài tôm tham gia sinh sản. Vì vậy, vùng phân bố của chúng dường như có sự dịch chuyển so với mùa gió Đông Bắc vào phía gần bờ, các vùng cửa sông từ Vũng Tàu tới Bạc Liêu và quanh các đảo hòn Trứng Lớn, đảo hòn Rái với mật độ cao từ 4000 - 8401 cá thể/1000 m3 nước biển (Hình 10).

Hình 9. Mật độ ATT-TC tầng mặt trong mùa gió Đông Bắc

b. Phân bố tầng thẳng đứng

Cũng giống như sự phân bố của ATT-TC ở tầng mặt, ở tầng thẳng đứng chúng phân bố không đồng đều ở cả hai mùa gió trong năm.

Trong mùa gió Đông Bắc, ATT-TC có xu hướng phân bố tập trung ở các dải nước ven bờ. Đặc biệt từ Vũng Tàu tới cửa sông Hàm Luông (Bến Tre), từ cửa sông Hậu tới mũi Cà Mau và gần như toàn bộ vùng biển Tây Nam Bộ với mật độ từ 5000- 19594 cá thể/1000 m3 nước biển. Ở các khu vực còn lại trong vùng nghiên cứu, mật độ phân bố cũng rất cao từ 2000-5000 cá thể/1000 m3 nước biển (Hình 11).

Trong mùa gió Tây Nam, mật độ ATT-TC giảm xuống đáng kể so với mùa gió Đông Bắc và không có quy luật phân bố rõ rệt. Chúng không chỉ tập trung ở khu vực ven bờ Vũng Tàu, cửa sông Hàm Luông, xung quanh các đảo hòn Rái và quần đảo Nam Du mà còn tập trung ở phía ngoài xa cửa sông Hậu và phía nam đảo Phú Quốc với mật độ từ 4000-9023 cá thể/1000 m3 nước biển (Hình 12).

Hình 12. Mật độ ATT-TC tầng thẳng đứng trong mùa gió Tây Nam 3.1.2.3 Phân bố một số họ tôm chính

a. Phân bố họ tôm He – Penaeidae

Các đối tượng trong họ tôm He có giá trị kinh tế cao, chúng chủ yếu sống ở vùng ven bờ và rất nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố môi trường [Đào Văn Tự, 1993]. Qua các đợt khảo sát cho thấy rằng tôm He phân bố ở tầng mặt rất ít, với mật độ không cao (cá biệt ở vùng nước ven biển Vũng Tàu và quanh đảo hòn Trứng Lớn, hòn Trứng Nhỏ đạt 736 cá thể/ 1000 m3 nước biển, còn lại đều dưới 200 cá thể/ 1000 m3 nước biển) [Hình 13].

Mật độ tôm He đạt giá trị cao và phân bố rộng bắt gặp ở tầng thẳng đứng. Mật độ từ 500 cá thể/ 1000 m3 nước biển trở lên phân bố khắp vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, ở một số khu vực như ven biển Vũng Tàu, phía đông Cà Mau và phía đông đảo Phú Quốc mật độ họ tôm này đạt từ 2000-2493 cá thể/ 1000 m3 nước biển [Hình 14].

Hình 13. Phân bố mật độ tầng mặt họ Penaeidae

b. Phân bố họ tôm Moi – Sergestidae

Moi biển là đối tượng có kích thước cơ thể nhỏ, giá trị kinh tế không cao, thường xuất hiện theo mùa với số lượng lớn. Nhóm này thường xuất hiện trước thời điểm nguồn giống tôm Thẻ và tôm Sú xuất hiện trong năm ở thuỷ vực tự nhiên [Sở Thuỷ sản Kiên Giang, 1994].

Khác với các đối tượng khác, khu vực tập trung phân bố của Moi biển là vùng ven bờ <10m nước, xung quanh các cửa sông. Do có sự xáo trộn nước ở vùng ven biển, nên ở cả hai tầng nước Moi biển bắt gặp với mật độ và tần xuất khác nhau khá rõ rệt. Ở tầng nước mặt: Mật độ < 200 cá thể trên 1000 m3 nước biển chiếm ưu thế trên toàn vùng biển. Chúng chỉ tập trung chủ yếu ở các cửa sông ven biển ở Đông Nam Bộ với mật độ cao nhất bắt gặp từ 2000-3800 cá thể/1000 m3 nước biển [Hình 15].

Ở tầng thẳng đứng: Mật độ phân bố của chúng cao hơn mật độ tầng mặt phổ biển ở mật độ nhỏ hơn 1000 cá thể/1000 m3. Tuy nhiên vùng phân bố tập trung lại dịch chuyển về vùng ven bờ Tây Nam Bộ, bắt gặp ở cửa Rạch Giá, phía đông và tây Cà Mau với mật độ từ 5000-16140 cá thể/1000 m3 nước biển [Hình 16].

Hình 16. Phân bố mật độ tầng thẳng đứng họ Sergestidae

c. Phân bố họ Pasiphaeidae

Họ tôm Pasiphaeidae có mật độ khá cao và phân bố rộng ở cả hai tầng nước. Tuy nhiên, khác với họ Penaeidae chỉ tập trung ở các vùng nước cửa sông thì họ Pasiphaeidae chỉ có xu hướng tập trung cao ở các khu vực nước nông ven bờ và quanh các đảo. Mật độ phân bố tầng thẳng đứng cao hơn và tập trung hơn so với tầng mặt.

Đối với tầng mặt, họ Pasiphaeidae phân bố tập trung ở ven bờ Vũng Tàu, quanh đảo hòn Trứng Lớn, quần đảo Nam Du, hòn Rái và phía đông đảo Phú Quốc. Mật độ cao nhất đạt 4736 cá thể/1000 m3 nước biển [Hình 17].

Đối với tầng thẳng đứng, với mật độ lớn hơn 1000 cá thể/1000 m3 nước biển gần như toàn vùng biển Tây Nam Bộ. Đặc biệt tạo thành một dải phân bố ven bờ từ Hà Tiên tới phía nam quần đảo Nam Du với mật độ từ 4001- 6927 cá thể/1000 m3 nước biển. Tuy nhiên ở vùng Đông Nam Bộ, mật độ phổ biến nhỏ hơn 1000 cá thể/1000 m3 nước biển. Chúng chỉ tập trung cao ở ven biển Vũng Tàu [Hình 18].

Hình 17. Phân bố mật độ tầng mặt họ Pasiphaeidae

d. Phân bố họ tôm Gõ Mõ – Alpheidae

Tôm Gõ Mõ là loài có kích thước khá lớn, tuy nhiên lớp vỏ của chúng rất cứng và không có nhiều thịt nên giá trị thương mại của chúng không cao. Với số lượng khá phong phú 10 giống, 27 loài đã biết ở vùng biển Việt Nam (Phạm Ngọc Đẳng, 1994 và Nguyễn Văn Chung, 1995) thì họ tôm này có mặt ở hầu hết các vùng nước. Nhưng mật độ của chúng phân bố không đồng đều và khác nhau ở hai tầng nước. Ở tầng mặt, chúng phân bố rải rác khắp vùng biển nhưng chủ yếu tập trung ở vùng nước xa bờ Vũng Tàu, phía tây Cà Mau và quanh các đảo Côn Đảo và Phú Quốc với mật độ cao nhất đạt 1056 cá thể/1000 m3 nước biển [Hình 19].

Đối với tầng thẳng đứng, chúng tập trung với mật độ rất cao trong toàn vùng biển Tây Nam Bộ với mật độ từ 600-3137 cá thể/1000 m3 nước biển. Có lẽ họ tôm này thường sinh sản ở những vùng nước có độ trong cao đáy sạch và ít bị xáo trộn về dòng chảy. Ở vùng biển Đông Nam Bộ có quy luật phân bố rõ rệt. Mật độ của chúng giảm dần theo độ sâu từ bờ ra ngoài, mật độ phân bố cao nhất tìm thấy ở vùng biển này là 600 cá thể/1000 m3 nước biển [Hình 20].

Hình 20. Phân bố mật độ tầng thẳng đứng họ Alpheidae 3.1.3 Mùa vụ sinh sản, bãi đẻ và bãi ương nuôi tự nhiên

3.1.3.1 Mùa vụ sinh sản

Mùa đẻ chính của tôm từ tháng 2 đến tháng 8 và tháng 11 [Bộ Thủy Sản, 1996]. Điều này cho thấy, tôm sinh sản chủ yếu trong mùa gió Tây Nam khi mà nhiệt độ nước biển ấm và ổn định, chúng sẽ ngừng sinh sản khi nhiệt độ nước biển giảm xuống.

So sánh với các nghiên cứu trước đây của các tác giả như Vũ Như Phức (1985), Đoàn Văn Đẩu (1984), Nguyễn Văn Thương (1994), Phạm Văn Miên, Vũ Ngọc Long (1995)... không có sự khác nhau nhiều về thời gian sinh sản, nhưng khác về khu vực phân bố và mật độ. Ở vùng biển Miền Nam đã đề cập đến các bãi tôm giao vỹ của tôm He, đẻ trứng ở ven bờ biển miền Tây Nam Bộ như bãi tôm khu vực Tây Bắc Phú Quốc, khu vực Hòn Chuối. Do sống thành đàn nên có thể đánh bắt tôm He mẹ với số lượng lớn trong mùa tôm giao vỹ. Hàng năm các bãi tôm đã bị khai thác phí phạm khoảng 8 tỉ con tôm giống các loại trong đó có khoảng 54% là tôm Penaeus merguienssis và P.indicus. Tôm Thẻ (Penaeus merguiensis) và tôm Sú (P. monodon) vùng ven biển Kiên Giang xuất hiện vào tháng 2, cao điểm vào tháng 4 và tháng 10 đến tháng 12. Số lượng tôm giống tối thiểu là 4 con/m3 (tháng 4/1993) và tối đa là 189

con/m nước (tháng 10/1993). Ước tính lượng tôm giống tự nhiên đi vào những thủy vực nước lợ thuộc tỉnh Minh Hải ngày càng cạn kiệt, mật độ khoảng 0,002 - 0,165 con/m3 nước (ở Đầm Dơi).

3.1.3.2 Bãi đẻ và bãi ương nuôi tự nhiên

Vùng biển Đông Tây Nam Bộ là vùng biển ấm (nhiệt độ trung bình lớn hơn 280C/năm) và đây cũng là điều kiện thích hợp cho sự sinh sản của nhiều loài hải sản ở hầu hết các khoảng thời gian trong năm, trong đó có tôm. Trong mùa gió Đông Bắc, khu vực sinh sản của chúng chủ yếu ở vùng ven biển Bình Thuận, Vũng Tàu, cửa sông Hậu, phía tây hòn Trứng Lớn, mũi Cà Mau, hòn Chuối và quanh quần đảo Nam Du và hòn Ba Lụa. Đối tượng tham gia sinh sản ở đây chủ yếu là tôm He, tôm Gõ Mõ, tôm tít, Moi biển... Đặc biệt các khu vực như ven biển Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau và Phú Quốc ATT-TC rất cao, có nơi đạt tới 19.594 ATT-TC/ 1000 m3 nước biển (Hình 21). Trong mùa gió Tây Nam, khu vực sinh sản tập trung của chúng không có sự thay đổi nhiều so với mùa gió Đông Bắc nhưng có phần thu hẹp lại tập trung ở ven bờ Vũng Tàu, Bến Tre, cửa sông Hậu, quanh đảo hòn Trúng Lớn, hòn Rái và phía đông quần đảo Thổ Chu. Mật độ cao nhất đạt tới 21.596 ATT-TC/ 1000 m3 nước biển (Hình 22).

Nhìn chung, bãi ương nuôi tự nhiên có khu vực tương đối trùng với bãi đẻ, song dịch chuyển ra xa bờ hơn. Đây cũng là quy luật tự nhiên, khi cá con phát triển chúng có xu hướng di chuyển ra các ngư trường xa bờ hơn, nơi có các yếu tố môi trường thuận lợi hơn cho sự sinh trưởng và phát triển sau này [Nguyễn Thị Thu, 2005].

Hình 21. Bãi đẻ của tôm trong mùa gió Đông Bắc

Hình 23. Bãi ương nuôi tự nhiên của tôm trong mùa gió Đông Bắc

3.1.4 Đề xuất giải pháp bảo vệ ATT-TC ở vùng biển Đông Tây Nam Bộ

Nguồn lợi thuỷ sản không phải là tài nguyên vô tận, do vậy khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Bảo vệ là một trong những phương pháp duy trì nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững. Bên cạnh đó, quản lý nguồn lợi thuỷ sản cũng đảm bảo cho việc tái sản xuất của các đối tượng khai thác, bảo vệ môi trường sống và làm phong phú nguồn lợi thuỷ sản.

ATT-TC là các đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường sống. Mỗi thay đổi đều làm cho quần thể phản ứng lại bằng sự tăng hay giảm số lượng. Nơi sống bị thay đổi hay quần thể bị khai thác quá mức đều đe doạ đối với sự phát triển của loài. Hiện nay tôm con và cá con chiếm tỉ lệ khá cao trong sản lượng khai thác (chiếm khoảng 18% đối với tôm và 49% đối với cá), đặc biệt là các ngư trường truyền thống đang có dấu hiệu khai thác quá mức.

Vùng biển ven bờ Đông Tây Nam Bộ đang chịu sức ép lớn của các hoạt động nghề cá. Do đó nhất thiết phải khoanh vùng các khu vực cần được bảo vệ trong quá trình sinh sản và nơi sinh cư tự nhiên của các đối tượng con non khỏi bị đánh bắt. Song, với hiện trạng cơ cấu nghề nghiệp, tình hình khai thác, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực này cần phải triển khai những vấn đề thiết yếu sau:

a. Đề xuất vùng cấm khai thác theo loại nghề và thời gian

Thực tế hiện nay, việc sử dụng nguồn lợi hải sản chưa trưởng thành vào các mục đích như: chế biến; làm thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn gia xúc... chưa được điều chỉnh một cách hợp lý. Quy luật cung - cầu trong khai thác thuỷ sản chưa được quan tâm đúng mức. Để bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa trưởng thành thì việc xác định khu vực hạn chế (cấm) khai thác có thời hạn, theo loại ngư cụ, cấm khai thác tại các bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên là hết sức cần thiết; tiếp tục duy trì và thiết lập các khu bảo tồn để bảo vệ các nguồn gen quý hiếm.

Khoanh vùng các khu vực cần được bảo vệ ở các vùng san hô, cỏ biển, cửa sông, những nơi sinh cư tự nhiên của các loài hải sản. Quản lý chặt chẽ các loại phương tiện khai thác ở khu vực này. Quy định kích thước mắt lưới cho phép sử dụng ở từng vùng biển. Nghiêm cấm các loại nghề kết hợp chất nổ, ánh sáng mạnh để khai thác hải sản ở vùng ven bờ. Nghiêm cấm khai thác san hô và hạn chế khai thác cỏ biển... Tăng cường các biện pháp chống ô nhiễm do chất thải từ hoạt động khai thác

dầu khí, chất bảo vệ thực vật... làm ô nhiễm môi trường nước biển. Cần có quy hoạch tổng thể các công trình trên các dòng sông, vùng ven biển, không làm ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái của thuỷ sinh vật.

b. Điều chỉnh, cơ cấu lại các đội tàu

Cần điều chỉnh, cơ cấu lại các đội tàu. Giảm số lượng tàu tàu đóng mới hàng năm, đặc biệt đối với các loại nghề lưới kéo đáy. Khuyến khích ngư dân khai thác hải sản ở những ngư trường mới bằng cách hiện đại hoá trang thiết bị, máy móc. Nghiên cấm các ngư cụ khai thác mang tính huỷ diệt như đánh mìn, chất độc...

c. Tăng cường năng lực quản lý

1/ Tăng cường cơ sở pháp lý

Tiến hành rà soát lại các văn bản pháp quy về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đã ban hành. Luật thuỷ sản và các văn bản pháp quy khác cần được tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt là cộng đồng dân cư ven biển, thực hiện nghiêm túc và cưỡng chế thi hành. Một số thể chế cũng cần được đổi mới trên cơ sở thực tiễn. Xây dựng các văn bản pháp quy về bảo vệ nguồn lợi ngày một hoàn thiện hơn.

Các văn bản cần đề cập hơn nữa đến việc bảo vệ và phát triển, khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản, đặc biệt các loài hải sản chưa trưởng thành. Việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản cần có một chế tài cụ thể. Kiểm soát việc buôn bán các loài thuỷ sản quý hiếm, đặc hữu của biển Việt Nam.

Việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nói chung và hải sản nói riêng, không thể chỉ ở quy mô quốc gia, mà cần phải xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các đối tượng hải sản, đặc biệt là những loài di cư.

2/ Tăng cường năng lực

- Tăng cường khả năng về mặt kỹ thuật và quản lý của các cơ quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các cơ quan có liên quan.

- Đầu tư trang thiết bị cho các đội tàu kiểm ngư, chi cục bảo vệ nguồn lợi của các địa phương, để có thể tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở các vùng biển ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và góp phần bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền trên biển. Đồng thời bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các lực lượng cán bộ kỹ thuật và quản lý khai thác đang công tác tại các địa phương và Trung ương.

Một phần của tài liệu Điều tra thành phần loài, phân bố và đề xuất giải pháp bảo vệ ấu trùng tôm, tôm con ở vùng biển ven bờ đông tây nam bộ (Trang 40 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)