Chương I TỔNG QUAN
1.2. TĂNG CƯỜNG VI CHẤT DINH DƯỠNG VÀO THỰC PHẨM
1.2.3.1. Đối với tình trạng vitamin A
Vitamin A được tăng cường vào nhiều loại thực phẩm khác nhau sử dụng cho trẻ em tuổi học đường gồm bột mỳ, mỳ chính, bơ thực vật và đường. Keats phân tích tổng quan cho thấy với nhóm trẻ từ 5-9 tuổi, thực phẩm tăng cường
vitamin A làm tăng đáng kể hàm lượng retinol huyết thanh. Chương trình tăng cường vitamin A vào thực phẩm trên diện rộng có thể giúp giảm 2,7 triệu trẻ em bị thiếu vitamin A mỗi năm [9].
Nghiên cứu của Solon sử dụng mỳ chính tăng cường vitamin A cho bữa ăn gia đình có trẻ nhỏ cho thấy có cải thiện đáng kể chỉ số retinol huyết thanh của trẻ,
đặc biệt những trẻ em đã bị thiếu vitamin A [102]. Muhilal cũng nghiên cứu hiệu quả của mỳ chính tăng cường vitamin A trên trẻ em tuổi học đường cho thấy kết quả tương tự. Tỷ lệ trẻ em bị vệt Bitot giảm từ 1,2% xuống còn 0,2% sau can thiệp, tuy nhiên tỷ lệ khô mắt không thay đổi. Ở nhóm can thiệp, đường tăng trưởng chiều cao của trẻ tốt hơn, chỉ số Hb cũng tăng đáng kể. Tỷ suất tử vong ở nhóm chứng cao gấp 1,8 lần nhóm can thiệp. Nồng độ vitamin A trong sữa của bà mẹ sử dụng mỳ chính tăng cường vitamin A trong bữa ăn cũng tăng lên [103].
Guillermo nghiên cứu hiệu quả của đường tăng cường vitamin A với trẻ em tuổi học đường cho thấy chỉ số retinol huyết thanh tăng 76% trẻ em ở nhóm can thiệp. Trong đó đặc biệt nhóm trẻ có chỉ số retinol huyết thanh trung bình ở mức dưới 20µg/dl thì chỉ số này tăng gần gấp đôi [104].
Mejia sử dụng đường tăng cường vitamin A cho trẻ nhỏ cho thấy ngoài các chỉ số retinol huyết thanh, retinol-biding protein tăng lên thì các chỉ số như ferritine huyết thanh, độ bão hòa transferritin và total iron binding capacity cũng tăng lên đáng kể (p<0,05)[105]. Kết quả này cũng cho kết quả tương tự với nghiên cứu của Muhilal là thực phẩm tăng cường vitamin A có thể giúp cải thiện chuyển hóa sắt và tình trạng sắt của cơ thể [103, 105]. Sử dụng đường tăng cường vitamin A trong các chương trình quốc gia cho trẻ em tuổi học đường cũng cho kết quả cải thiện tình trạng vitamin A ở trẻ [106].
Nghiên cứu sử dụng bột mỳ tăng cường vitamin A làm bánh cho bữa ăn tại trường của trẻ em 6-13 tuổi cũng cho thấy hiệu quả cải thiện tình trạng vitamin A. Sau 30 tuần, nồng độ retinol huyết thanh tăng (p=0,02). Đánh giá đáp ứng thay đổi
liều tương ứng (MRDR) cho thấy bánh tăng cường vitamin A làm giảm 50% số trẻ có dự trữ vitamin A trong gan thấp [107].
Nghiên cứu của Xuan Zhang về hiệu quả của bánh quy tăng cường vitamin A với các liều lượng khác nhau và uống viên nang vitamin liều cao trên trẻ em từ 3-6 tuổi cho thấy hiệu quả giảm tình trạng thiếu vitamin A (p<0,05) ở cả 2 nhóm. Các chỉ số tăng trưởng gồm cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao cũng tăng đáng kể. Sau 9 tháng, chỉ số Hb cải thiện và tỷ lệ thiếu máu giảm đáng kể [108]. Chen nghiên cứu bột gia vị tăng cường vitamin A sử dụng cho trẻ từ 2-7 tuổi cũng cho kết quả giảm tỷ lệ thiếu máu[109].
Sandjaja sử dụng dầu ăn tăng cường vitamin A cho trẻ từ 6 tháng tới 9 tuổi tại Indonesia cho thấy hàm lượng retinol huyết thanh tăng từ 2-19%, hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ cũng tăng lên đáng kể [110].
Như vậy, các nghiên cứu về tăng cường vitamin A vào thực phẩm như mỳ chính, đường bột mỳ và bột gia vị đều cho thấy hiệu quả đối với tình trạng vitamin A và thêm hiệu quả với chuyển hóa sắt và cải thiện tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin A trong thực phẩm của các nghiên cứu rất khác nhau,
chưa thống nhất và các tác giả cũng không đề cập các cơ sở để tính liều vitamin A tăng cường vào thực phẩm lựa chọn.