PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM TỐI ĐA HÓA LỢI NHUẬN TẠI CÔNG TY TNHH AN THƯƠNG TRONG THỜI GIAN TỚ
3.1.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Từ việc phân tích tình hình thực hiện chi phí và lợi nhuận của công ty trong thời gian qua, tác giả nhận thấy những mặt hạn chế của công ty là do những nguyên nhân khách quan từ môi trường vĩ mô cũng như những nguyên nhân chủ quan và khách quan từ phía công ty.
Tình hình kinh tế
Năm 2008, lạm phát nước ta khá cao làm cho các chi phí tăng khá cao đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Sản phẩm quặng sắt phụ thuộc rất nhiều vào quá trình vận chuyển, năm 2008 lạm phát làm giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí vận chuyển quặng sắt tăng cao.
Năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không mở rộng hoạt động kinh doanh vì vậy lợi nhuận thu được của công ty giảm.
Năm 2010, công ty cũng gặp nhiều khó khăn như biến động giá, mặt bằng lãi suất ngân hàng khá cao,… ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Với quy mô nhỏ công ty chư thể thích nghi được với sự biến động liên thiếp của thị trường làm cho lợi nhuận công ty giảm mạnh.
Tình hình chính trị - pháp luật
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tình hình chính trị ổn định, hệ thống chính sách và pháp luật ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước cũng như luật pháp chung của quốc tế. Điều này đã tạo ra môi trường an toàn và ổn định cho hoạt động kinh doanh của công ty TNHH An Thương.
Mặc dù vậy, các chính sách pháp luật của nhà nước còn rườm rà, chưa được áp dụng một cách triệt để nên đã làm tăng chi phí trong các giao dịch của công ty.
• Nguyên nhân chủ quan là do môi trường vi mô trong nội bộ doanh nghiệp
Hạn chế sản lượng và giá bán sản phẩm
Sản lượng: Mặc dù, công ty có chức năng lập kế hoạch kinh doanh nhưng phòng tổ chức tổng hợp hiện nay vẫn chưa có phương pháp tối ưu để xác định mức sản lượng kinh doanh phù hợp.
Phương pháp định giá: Giá sản phẩm là một chỉ tiêu quan trọng không chỉ phản ánh chất lượng sản phẩm quặng sắt, đo lường hiệu quả kinh tế của hoạt động kinh doanh quặng sắt mà còn là chỉ tiêu phản ánh thương hiệu của công ty. Hiện nay, công ty đang áp dụng phương pháp định giá phổ biến là cộng lợi nhuận với chi phí. Tuy nhiên, định giá sản phẩm theo phương pháp định giá cộng chi phí và lợi nhuận này đòi hỏi phải xác định mức sản lượng kinh doanh do chi phí phụ thuộc vào sản lượng. Trong năm 2009 – 2010, công ty đã định giá cao hơn nhiều so với mức giá tối ưu nên thu được lợi nhuận giảm.
Hạn chế về chi phí
Chi phí nguyên vật liệu: Trong quá trình sản xuất kinh doanh của công ty thì chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí, đặc biệt là sản phẩm quặng sắt. Tuy nhiên, chi phí này vẫn thường tăng cao do nguồn cung có sự biến động về giá và cung ứng không ổn định; chi phí vận chuyển cũng tăng nhanh. Điều này tất yếu làm giảm lợi nhuận của công ty.
Chi phí bán hàng: Do hoạt động trong lĩnh vực thương mại nên chi phí cho bán hàng chiếm tỷ trọng khá cao, đây là khoản chi phí tốn kém thứ hai mà công ty phải bỏ ra. Hiện nay, trong lĩnh vực bán hàng của công ty đội ngũ nhân viên chưa có chuyên môn nghiệp vụ cao nên đòi hỏi tốn kém nhiều chi phí trong quá trình bán hàng. Mặt khác, việc kinh doanh của công ty còn chưa internet hóa nên tốn kém trong việc tìm bạn hàng, giao tiếp kinh doanh.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí dịch vụ mua ngoài: Hai khoản chi phí này chiếm tỷ trọng cũng khá cao trong tổng chi phí. Tuy nhiên, việc tiêu dùng hai khoản chi phí này cũng khá tốn kém và chưa hợp lý trong doanh nghiệp.
Hạn chế về vốn và trình độ nhân viên
Thiếu vốn: Đây cũng là nguyên nhân chủ quan gây cản trở tiếp cận công nghệ của công ty. Mặc dù, nguồn vốn tự do tương đối lớn nhưng chưa thể huy động trong một thời gian ngắn để tiến hành kinh doanh lớn hơn.
Trình độ nhân viên: Phần lớn đội ngũ nhân viên của công ty chưa có chuyên môn nghiệp vụ cao. Do vậy, giới hạn về khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, kĩ năng tìm kiếm phân tích thông tin trên mạng còn chưa cao. Do đó, hiệu quả làm việc của nhân viên công ty chưa cao.
Hạn chế về hoạt động marketing
Nghiên cứu và mở rộng thị trường là một hoạt động có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, tăng sản phẩm cung cấp trên thị trường, khai thác được thị trường tiềm năng mang lại doanh thu ngày càng cao cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế công ty chưa có phòng ban riêng chịu trách nhiệm cho hoạt động này, chi phí cho hoạt động này không cao. Do đó, chưa khai thác được hết tiềm năng thị trường, chưa nắm vững nhu cầu thị trường để có chính sách sản lượng hợp lý nên doanh thu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của công ty.