công nghệ cao thời gian tới
Bước sang những năm đầu thế kỉ XXI, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày càng sôi động, trong đó sớm nhất và có nhiều dự án triển khai nhất đến thời điểm hiện tại phải nhắc đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Canon, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và giờ đây tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng đầu tư, với quy mô lớn hơn. Tiếp đến là dòng vốn FDI đến từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Các tập đoàn công nghệ như: Intel, IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp) đã có nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn cũng như tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới nhất đặt tại Việt Nam. Đặc biệt, hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc là Samsung và LG rót một lượng vốn lớn hàng tỉ USD và biến Việt Nam thành địa điểm sản xuất các sản phẩm công nghệ điện tử chủ lực cho hai hãng này trên thị trường toàn cầu. Tất cả những dẫn chứng trên chứng tỏ sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ điện tử - viễn thông. Có thể, những bất ổn chính trị ở Thái Lan trong thời gian dài, hoặc vấn đề giá nhân công tăng cao và tình hình xung đột tại Trung Quốc với các quốc gia láng giềng (Nhật Bản là điển hình) là nguyên nhân khiến các tập đoàn công nghệ quyết định chuyển dây chuyền sản xuất đến một quốc gia thuận lợi hơn là Việt Nam. Với môi trường đầu tư có nhiều điểm thuận lợi như đã phân tích ở chương II, Việt Nam đã có đủ những điều kiện cơ bản nhất để đón lấy cơ hội này. Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao này được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong những năm sắp tới.
Còn về phía Chính phủ Việt nam, lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch…từ các tập đoàn đa quốc gia đều được đặt ưu tiên lên cao nhất trong định hướng thu hút vốn đầu tư nhắm phát triển kinh tế. Theo kế hoạch phát triển của khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm sẽ kì vọng thu hút thêm được lượng vốn từ 400-500 triệu USD từ các nhà đầu tư đổ vào khu công nghệ cao này và phấn đấu đến năm 2020, khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Mính sẽ đóng góp 35% GDP của toàn thành phố Hồ Chí Minh (Ban quản lí khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, 2015). Với định hướng xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và nền sản xuất công nghệ hiện tại, các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ liên quan đến công nghệ cao sẽ trở thành trọng tâm phát triển và trụ cột của cả nền kinh tế. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian tới.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, quá trình phát triển công nghệ cao và việc ứng dụng, khai thác công nghệ cao để trở thành động lực phát triển đất nước là một bài toán khó, một thách thức khó vượt qua đối với nhiều nước, đặc biệt với các nước kém và đang phát triển. Tuy nhiên, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế để không bị tụt hậu. Lựa chọn hướng phát triển tập trung vào công nghiệp công nghệ cao là một lựa chọn tất yếu tại thời điểm hiện tại. Dưới đây là những kiến nghị nhằm mục tiêu phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung, và phát triển công nghiệp công nghệ cao nói riêng ở nước ta.