cao tại Việt Nam
2.2.1. Hệ thống hành chính và luật pháp
Giấy phép đầu tư
Tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định các chính sách, chiến lược mang tầm vĩ mô liên quan đến hoạt động đầu tư, còn các phòng ban cấp tỉnh, thành phố và các địa phương lập quy hoạch đầu tư, thực hiện xúc tiến đầu tư, ra quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư. Một số khu vực công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao có các Ban quản lý sẽ giúp nhà đầu tư trong việc cấp chứng chỉ và giấy phép cần thiết để thiết lập hoạt động sản xuất sản phẩm. Việc đầu tư mới, tăng vốn đầu tư, cơ cấu lại công ty, thêm các hoạt động kinh doanh bổ sung…đều phải xin cấp phép lại với cơ quan có thẩm quyền. Chính quyền đánh giá đơn xin cấp phép đầu tư qua một số tiêu chí, bao gồm cả tình trạng pháp lý và khả năng tài chính của nhà đầu tư nước ngoài; khả năng đóng góp của dự án vào định hướng phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam; đặc biệt là các khả năng sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, khả năng mở rộng thị trường và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương; khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường; kế hoạch sử dụng đất và bồi thường giải phóng mặt bằng; ưu đãi cho dự án bao gồm cả ưu đãi thuế, đất đai…
Việc phân cấp thẩm quyền chứng nhận đầu tư cho các cơ quan cấp tỉnh, thành phố đã đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án và giảm đáng kể thời gian xử lý, phê duyệt cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng đã làm tăng sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, tỉnh thành khác nhau về chính sách thu hút cũng như phê duyệt
đầu tư. Bên cạnh đó là vấn đề phổ biến luật và các quy định liên quan từ cấp trung ương xuống cấp địa phương và phản hồi lại còn chậm trễ, gây e ngại cho nhà đầu tư.
Riêng đối với dự án công nghệ cao, Bộ Khoa học và công nghệ có đưa ra tiêu chuẩn riêng để được công nhận là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sau đó sẽ được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp công nghệ cao và được hưởng các ưu đãi đầu tư đặc biệt từ phía Việt Nam. Theo Thông tư số 32/2011/TT- BKHCN (2011) của bộ Khoa học và Công nghệ - Quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
-Sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Danh mục này sau được bổ sung cập nhật mới nhất theo quyết định số 66/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2014. -Sản phẩm được tạo ra từ dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm có chất lượng vượt trội, tính năng ưu việt, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu trước đó;
-Dây chuyền công nghệ của dự án phải đạt trình độ tiên tiến và được điều khiển theo chương trình. Các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ được cập nhật các công nghệ mới trong lĩnh vực hoạt động của dự án cách thời điểm đầu tư không quá 05 năm;
-Hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008, CMM hoặc GMP;
-Dự án phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Khuyến khích dự án đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh
nghiệp công nghệ cao cho doanh nghiệp. Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao này có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp.
Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao là căn cứ để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Công nghệ cao 2008 và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật tùy theo từng thời kì.
Thuế suất
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tất các cả doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Mức thuế phải nộp tính trên doanh thu tạo ra trong quá trình sản xuất sau khi trừ các chi phí hợp lý trong năm tài chính. Đầu năm 2014, Việt Nam đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% trước đó xuống còn 22%. Hơn nữa, mức thuế suất được dự kiến sẽ còn được giảm đến 20% (có hiệu lực ngày 01 Tháng 1 2016). Đối với các đơn vị có doanh thu dưới 20 tỷ đồng, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% (tháng Bảy 2013) và sẽ được giảm đến 17% (có hiệu lực 01 tháng 1 năm 2016). Việt Nam không đánh thuế các khoản chuyển lợi nhuận về nước của các công ty đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty được yêu cầu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế địa phương và các nghĩa vụ tài chính khác trước khi chuyển lợi nhuận về nước. Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được coi là điểm lợi ở Việt Nam so với các nước trong khu vực, và đang có đà tiếp tục giảm để thu hút thêm các nhà đầu tư, có thể theo dõi ở bảng dưới đây để so sánh với các nước trong khu vực:
Bảng 2.3: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực
Quốc gia Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam 22% Malaysia 25% Thái Lan 23% Philippines 32% Singapore 17% Trung Quốc 25% Nguồn: baodautu.vn
Để thu hút đầu tư tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chính phủ cũng quy định nhiều mức ưu đãi về thuế suất khác nhau cho các doanh nghiệp tùy thuộc vào lĩnh vực sản xuất khi xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh trong phạm vi các khu công nghiệp. Mức thuế suất ưu đãi có thể chỉ ở mức 10%, đi kèm với khoảng thời gian 2-4 năm từ khi phát sinh doanh thu không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc 3-9 năm chỉ phải chịu 50% mức thuế phải nộp về ngân sách nhà nước.
Ngoài việc ưu đã về thuế suất, luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 cũng đã điều chỉnh chi phí quảng cáo và khuyến mãi tối đa từ 10% lên mức 15% tổng chi phí. Điều chỉnh này rất được các doanh nghiệp hoan nghênh và được đánh giá là một bước tiến trong việc dần gỡ bỏ các rào cản phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng đã thêm một số sản phẩm và dịch vụ không bị đánh thuế. Việc sửa đổi này làm giảm chi phí cho doanh nghiệp nộp thuế, giảm bớt thủ tục, kê khai và đơn giản hóa hoạt động quản lý thuế. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc minh bạch hóa hệ thống hành chính, giảm bớt thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường pháp lí thuận lợi và minh bạch hơn.
Với mục tiêu hiện đại hóa nền sản xuất và bắt kịp trình độ phát triển về khoa học kĩ thuật so với các nước trong khu vực, lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao rất được Nhà nước chú trọng và xây dựng nhiều chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất loại sản phẩm này. Các doanh nghiệp Công nghệ cao đã được cấp chứng nhận từ bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được hưởng ưu đãi theo luật Công nghệ cao (2008):
-Hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
-Được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển công nghệ cao, trích từ ngân sách nhà nước.
Theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (2013) của Chính phủ - Hướng dẫn thi hành luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm trong đó miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới. Hình 2.2 dưới đây thể hiện mức thuế suất ưu đãi đối với loại hình doanh nghiệp này khi hoạt động vào Việt Nam.
Hình 2.2: Thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao
Ngoài ra các doanh nghiệp công nghệ cao còn được hưởng nhiều ưu đãi về các loại thuế khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng VAT, thuế thuê và sử dụng đất…:
-Miễn thuế nhập khẩu cho các mặt hàng nhập khẩu tạo tài sản cố định.
-Miễn thuế nhập khẩu trong thời gian 5 năm đối với nguyên vật liệu, thiết bị bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được để phục vụ hoạt động sản xuất.
-Miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị, hàng hóa, vật tư sử dụng trực tiếp vào mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm.
-Miễn thuế VAT cho thiết bị, máy móc và các phương tiện giao thông chuyên dụng không sản xuất trong nội địa và là một phần của tài sản cố định.
…
Đối với các dự án có vốn đầu tư cực lớn, mang ý nghĩa quan trọng về đầu tư và chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm và thay đổi bộ mặt sản xuất công nghiệp, chính quyền các tỉnh thường đề xuất xin chính phủ các ưu đãi đặc biệt cho các dự án này để thu hút đầu tư. Ví dụ theo báo Đầu tư (baodautu.vn, 2014), khi Samsung đầu tư mở rộng giai đoạn 2 dự án nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử di động tại tỉnh Thái Nguyên với mức đầu tư 3 tỷ USD, Ủy ban nhân dân tỉnh này đã đề xuất mức ưu đãi vượt khung cho Samsung, áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong khoảng thời gian tới 30 năm. Trong đó miễn thuế 4 năm đầu tiên từ khi phát sinh doanh thu chịu thuế, tiếp tục giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, gia hạn giảm tiếp 50% trong 3 năm sau giai đoạn 9 năm trên. Ngoài ra tỉnh Thái Nguyên còn dự định miễn tiền thuê đất suốt đời dự án, hỗ trợ Samsung 50% tiền thuê hạ tầng khu công nghiệp. Như vậy có thể kết luận rằng, ưu đãi về thuế dành cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam dù đầu tư vào bất kì tỉnh, thành phố nào đều rất hấp dẫn.
Quyền sở hữu trí tuệ
Trong lĩnh vực công nghệ cao, vấn đề bản quyền sáng chế đặc biệt được quan tâm bởi hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất công nghệ cao gắn liền với các thành tựu khoa học kĩ thuật tiên tiến và hiện đại nhất không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Không có công ty nào muốn phát triển hoạt động sản xuất trong một đất nước mà trong đó các quyền về sở hữu trí tuệ bị vi phạm mà không có các hình phạt hay sự can ngăn pháp lí từ phía chính quyền. Lĩnh vực công nghệ cao chỉ có thể phát triển trong một môi trường mà ở đó quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng ở mức độ cao nhất. Vấn đề này cũng là một trong các mối quan tâm lớn của chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế, hội nhập với thế giới. Gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, đó là nhờ vào việc gia nhập WTO đòi hỏi chính quyền phải bảo vệ đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân cũng như các tổ chức, các công ty từ các quốc gia khác đầu vào Việt Nam.
Các văn bản pháp luật hiện hành có đề cập về quyền sở hữu bao gồm Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các quy định ,nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Việt Nam đã tham gia Công ước Paris về sở hữu công nghiệp và Công ước Berne về quyền tác giả, một trong các nhánh thuộc về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong năm 2009, Việt Nam đã sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan đến Sở hữu trí tuệ trong Bộ luật hình sự, quy định cụ thể hơn về chế tài phạt hình sự đối với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một Nghị định về xử phạt về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó tăng tiền phạt tối đa đến 500 triệu đồng (khoảng 30.000 USD) đồng thời tịch thu toàn bộ lợi ích phát sinh từ hành vi xâm phạm đó.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, các hành vi xâm phạm và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục xảy ra rộng rãi. Việc áp dụng các chế tài phạt hay khiếu kiện về vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn chưa được phổ biến. Hầu hết các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn thực thi quyền này trong thực tế. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan kiểm tra giám sát với các bộ phận
áp dụng chế tài phạt còn lỏng lẻo, chồng chéo, hơn thế nữa chính sự thiếu hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ của một số bộ phận người dân, cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến tình trạng vi phạm công khai quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua. Theo số liệu trong 2 năm 2013-2014, lực lượng thanh kiểm tra ở các bộ ngành và địa phương đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp với tổng số tiền phạt vi phạm là 139 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan công an đã khởi tố 158 vụ liên quan tới 254 bị can (Ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động về phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 2015). Nhiều đơn vị cho rằng mức phạt hiện tại vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe bởi việc làm giả, làm nhái sản phẩm trí tuệ đem lại lợi nhuận rất lớn.
Tính minh bạch của hệ thống pháp luật
Việt Nam đã minh bạch hóa quá trình soạn thảo và công bố luật, đặc biệt là với các luật và quy định quan trọng, có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề của nền kinh tế - xã hội quốc gia. Tất cả các dự thảo Luật được ý kiến trước Quốc hội trong vòng 60 ngày, và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khi thực hiện. Văn phòng Chính phủ cũng mới đưa ra một chương trình quốc gia về cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian hoàn thành nghĩa vụ thuế, bảo hiểm cho người lao động ngang và thấp hơn mức chuẩn ở các nước Đông Nam Á, nhằm cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục mà các chủ doanh nghiệp phải tiến hành trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là những bước đi đầu trong công cuộc minh bạch hóa hệ thống hành chính và pháp lí ở Việt Nam, thoái khỏi lề lối quan liêu trước kia, mang lại sự an tâm hơn cho các nhà đầu tư.