III. Thách thức trong phát triển đường chức nghiệp của CBCC nữ
6. Phối hợp hoạt động giữa các phòng, ban có liên quan.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC nữ tham gia hoạt động quản lý nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng một cơ quan, đơn vị , cá nhân nào. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của mọi cơ quan, đơn vị, từng gia đình và của toàn xã hội. Vì thế cần có một cơ chế phối hợp giữa các
chủ thể này để công tác cán bộ nữ được thực hiện rộng khắp và đạt hiệu quả. Đây là yếu tố không thể thiếu để tạo cơ hội cho phụ nữ vươn lên trên con ĐCN của mình.
- Ban Tổ chức Quận ủy tổ chức đánh giá, theo dõi hoạt động của đội ngũ CBCC nữ và kịp thời phát hiện những cán bộ nữ có khả năng, kiềm cặp, đào tạo, bồi dưỡng để giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo. Theo dõi, chỉ đạo sâu sát Hội liên hiệp Phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình triển khai các kế hoạch, chương trình hành động về công tác cán bộ nữ. Tạo điều kiện cho hai đơn vị này góp tiếng nói trong việc đề cử CBCC nữ có trình độ, năng lực vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
- Phòng Nội vụ: tham mưu giúp UBND quận trong việc tuyển dụng, sử dụng CBCC nữ; thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức quản lý, tạo nguồn cán bộ kế cận và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với CBCC nữ.
- Hội liên hiệp phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ: thực hiện tốt vai trò đại diện trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển và giám sát việc thi hành pháp luật, chính sách liên quan đến CBCC nữ. Phát hiện, bồi dưỡng giới thiệu cho Đảng cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn để tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp; giới thiệu cán bộ Hội, hội viên ưu tú để Đảng bồi dưỡng kết nạp. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề giới trong phụ nữ và xã hội.
- Nữ công chức cần sự chia sẻ trách nhiệm gia đình từ phía chồng con, gia đình. Sự chia sẻ này không chỉ là sự chia sẻ về tinh thần, ủng hộ đối với mục tiêu nghề nghiệp, động viên chia sẻ trong quá trình phát triển chức nghiệp trong những giai đoạn khó khăn của con ĐCN mà còn là sự hỗ trợ chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái.
KẾT LUẬN
Trong tiến trình phát triển của đất nước ta, phụ nữ luôn là nguồn nhân lực quan trọng có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị và cộng đồng, trong những năm qua chúng ta đã triển khai và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm tạo đều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước, nhờ vậy mà các tầng lớp phụ nữ đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trải qua hơn 20 năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Được hưởng thụ thành quả của công cuộc đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ không ngừng được cải thiện, vị thế của phụ nữ được nâng lên. Phụ nữ có những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển tài năng trí tuệ, thực hiện tốt vai trò là công dân trong xã hội và thiên chức làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Phụ nữ đã trở thành một lực lượng quan trọng, có mặt ở tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề trong xã hội, nhiều phụ nữ thật sự là những người lãnh đạo, quản lý tài năng, được quần chúng tin yêu, mến phục.
Đội ngũ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở các cấp các ngành đã chứng tỏ năng lực của mình sánh vai cùng nam giới, khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu: “Cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò và vị trí của phụ nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ chiếm quá nửa dân số. Muốn phát huy sức mạnh của phụ nữ phải đặt đúng vị trí, đề cao vai trò ngày càng quan trọng của đội ngũ cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ. Sức mạnh của phụ nữ phải được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội,... Vai trò của phụ nữ phải được đề cao trong quản lý nhà nước cũng như quản lý kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ nữ phải có mặt đông hơn, giữ vị trí tương xứng trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cũng như cơ quan tổ chức kinh tế xã hội. Trong những năm tới, việc
xây dựng cán bộ nữ, phát huy tiềm năng, sử dụng đóng góp của phụ nữ phải xuất phát từ đường lối chính trị, đường lối tổ chức và công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới, phải gắn liền thúc đẩy phong trào phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới đất nước” .
Ngày nay với sự phát triển của xã hội, trình độ dân trí ngày càng cao, nhận thức về vai trò của phụ nữ được nâng lên nên phụ nữ đã và đang được tạo mọi điều kiện tốt nhất để tham gia đóng góp cho xã hội trên mọi lĩnh vực phù hợp với khả năng, nhất là tham gia vào lĩnh vực quản lý nhà nước, để đảm bảo cân bằng giới trong lĩnh vực này. Nếu như quan niệm trước đây cho rằng đây là công việc của nam giới, thì nay quan điểm đó đã trở thành lạc hậu, thậm chí còn mang tính chất phiếm diện. Phụ nữ đã và đang tham gia một cách có hiệu quả vào công tác quản lý. Phụ nữ với các phẩm chất cao đẹp “giỏi việc nước, đảm việc nhà” sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. /.