2. Tổ chức nghiên cứu 1 Nghiên cứu lý luận
2.2. Nghiên cứu thực tiễn
2.2.1. Mục đích và khách thể nghiên cứu
Mục đích:
- Tạo cơ sở cho việc đưa ra các kết luận nghiên cứu sẽ được phân tích ở chương 3: các đặc điểm nhân cách của phạm nhân thông qua test 16 yếu tố của Cattell, thông qua phỏng vấn sâu kết hợp với quan sát đối tượng.
- Nghiên cứu trên thực tế là căn cứ để làm rõ các nghiên cứu về NC, ĐĐNC và những đặc điểm tâm lý đặc trưng của phạm nhân.
- Tìm hiểu đời sống thực tế của phạm nhân tại trại: chế độ sinh hoạt vật chất, lao động, nghỉ ngơi, đồng thời, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ.
Khách thể nghiên cứu:
Do phạm nhân là những đối tượng phải chịu sự giám sát chặt chẽ, điều kiện tiếp xúc với họ rất khó khăn nên việc tổ chức nghiên cứu thực tế trên nhóm đối tượng này gặp nhiều hạn chế.
Chúng tôi tổ chức nghiên cứu trên nhóm phạm nhân hiện đang thi hành án phạt tù tại trại tạm giam công an tỉnh Tiền Giang. Tại đây, ngoài số lượng bị can, bị cáo đang chờ để đưa ra xét xử và những người đã bị kết án nhưng đang trong thời gian chờ đưa đi thi hành án, còn có 200 phạm nhân đang thi hành án
phạt tù. Chúng tôi đã tiến hành rải phiếu điều tra 30 phạm nhân trong số 200 phạm nhân tại đây.
- Về độ tưổi:
Trong 30 khách thể thuộc mẫu điều tra, số liệu cho thấy độ tuổi trung bình của mẫu là: 31, độ tuổi từ 17 đến 71 tuổi, trong đó 1 phạm nhân có độ tuổi cao nhất là: 71 tuổi chiếm 3.3 %, 1 phạm nhân 17 tuổi chiếm 3.3%.
- Giới tính:
Trong 30 phạm nhân được phát phiếu điều tra có 20 phạm nhân nam chiếm 66.7 %, 10 phạm nhân nữ chiếm 33.3%.
- Trình độ học vấn:
Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá về phạm nhân và là một trong những nguyên nhân tác động làm hình thành nên ĐĐNC, những đặc điểm tâm lý ở họ. Qua khảo sát cho thấy, trình độ học vấn của phạm nhân đều có ở cả ba cấp học, thậm chí cả ở bậc đại học, nhưng chủ yếu tập trung ở cấp THCS. Trong đó: có 14 phạm nhân có trình độ THCS chiếm 46.6%, 12 phạm nhân có trình độ THPT chiếm 40%, 2 phạm nhân trình độ đại học, chiếm 6.7% và 2 phạm nhân trình độ tiểu học chiếm 6.7%.
Tóm lại trình độ học vấn của phạm nhân còn ở mức thấp. Đây là lí do khiến họ có tầm nhìn hạn chế, nhận thức kém, thiếu cơ hội để phát triển và tìm kiếm việc làm, dẫn đến quá trình tái hoà nhập xã hội của họ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có một số phạm nhân có trình độ học vấn cao: trình độ đại học.
- Tình trạng việc làm trước khi vào trại:
Trong mẫu điều tra, có 16 phạm nhân trước khi vào trại là có nghề nghiệp ổn định, chiếm 53.3%, 14 phạm nhân không có nghề nghiệp ổn định, chiếm 46.7%.
- Tình trạng hôn nhân của phạm nhân:
Gia đình là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phạm nhân. Trong số 30 phạm nhân được điều tra, có đến 60% phạm nhân là chưa có gia đình hoặc có
gia đình nhưng đã ly hôn (13 phạm nhân chưa lập gia đình, 5 phạm nhân lập gia đình nhưng đã ly hôn), chỉ có 12 phạm nhân là đang có gia đình.
- Mức án phải chấp hành:
Có 20 phạm nhân hiện đang chấp hành các mức án dưới 5 năm, 10 phạm nhân đang phải chấp hành các mức án từ 5 năm trở lên.
2.2.2. Các giai đoạn tổ chức nghiên cứu thực tiễn
Giai đoạn chuẩn bị
Giai đoạn chuẩn bị được tiến hành từ khi nhận đề tài nghiên cứu và thực hiện song song với quá trình tổ chức nghiên cứu lý luận. Giai đoạn này kết thúc trước khi bước vào giai đoạn điều tra chính thức.
Mục đích của giai đoạn này là nhằm chuẩn bị các tài liệu và các phương tiện cần thiết khác để tiến hành điều tra chính thức ở giai đoạn sau… Trong giai đoạn chuẩn bị, chúng tôi tiến hành việc thu thập tìm hiểu các tài liệu và văn bản có liên quan, bao gồm các nghiên cứu về NC, ĐĐNC, phạm nhân; đồng thời hoàn thiện một số mẫu câu hỏi sẽ hỏi thêm về phạm nhân trong giai đoạn điều tra chính thức sau này. Vì vậy, phương pháp mà chúng tôi sử dụng chủ yếu trong giai đoạn này là thu thập và nghiên cứu văn bản tài liệu.
Ngoài ra, trong giai đoạn chuẩn bị, chúng tôi đã gặp gỡ và xin ý kiến của một số người thực hiện các công việc liên quan đến phạm nhân, một vài tác giả từng có bài viết về nhân cách, đặc điểm nhân cách, về phạm nhân.
Cũng trong giai đoạn này, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với một số cán bộ hiện đang công tác tại phân trại 3, trại giam Hoàng Tiến, xã Văn Đức, huyện Chí Linh, Hải Dương, và nói chuyện với một số phạm nhân đang thi hành án tại đây. Thông qua đó, chúng tôi có những hiểu biết ban đầu về phạm nhân, đặc biệt là đặc điểm tâm lý, các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của họ.
Giai đoạn điều tra chính thức và xử lý số liệu:
Giai đoạn điều tra chính thức được tiến hành ngay sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị. Đây là giai đoạn chúng tôi tiến hành rải phiếu điều tra đối với khách thể nghiên cứu nhằm mục đích lấy số liệu, làm tiền đề cho việc xử lý và đưa ra các kết luận nghiên cứu ở chương 3.
Phương pháp được sử dụng trong giai đoạn này là phương pháp điều tra bằng trắc nghiệm của Cattell.
Phiếu điều tra là bảng trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách của Cattell.
Chúng tôi tiến hành rải phiếu điều tra đối với 30 phạm nhân hiện đang thi hành án phạt tù tại trại tạm giam công an tỉnh Tiền Giang.
Việc xử lý số liệu thu được từ cuộc điều tra được thực hiện trên máy tính. Trên cơ sở điểm của từng phạm nhân, chúng tôi tính điểm trung bình cho cả nhóm phạm nhân, từ đó rút ra những kết luận chung về đặc điểm nhân cách của nhóm phạm nhân được nghiên cứu.
Tóm lại, đề tài đã được thực hiện theo một quy trình hợp lý. Chúng tôi đã áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để tăng độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, một số phương pháp thống kê toán học cũng được sử dụng để xử lý số liệu thu được.
CHƯƠNG III