2. một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, giáo dục phạm nhân
2.1. Xác định các yếu tố tác động tới tâm lý, nhân cách và hiệu quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân
trình giáo dục, cải tạo phạm nhân
Phạm nhân là những đối tượng đặc biệt, có đời sống tâm lý cũng như các đặc điểm nhân cách rất phức tạp. Trong điều kiện chấp hành án ở họ có những
đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh tương đối phổ biến, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của quá trình quản lý giáo dục tại trại.
Như chúng tôi đã phân tích, các phạm nhân trong quá trình giáo dục cải tạo tại trại giam thường có các đặc điểm cần chú ý: mặc cảm tội lỗi, mặc cảm vị thế, tâm lý “an phận”, các mong muốn được quan tâm ưu ái hơn người khác, được tiếp tế thăm nuôi nhiều hơn, được thông cảm và đặc biệt là mong muốn được giảm án. Ngoài ra, nhiều phạm nhân khi vào trại thường mang theo những thói quen xấu của lối sống cũ trước đây: lối sống bừa bãi, thích hưởng thụ, sự nghịên ngập, ngôn ngữ thô thiển. Những thói quen xấu này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình giáo dục cải tạo cả đối với bản thân họ và với cộng đồng trại viên. Thêm vào đó, một hiện tượng khá phổ biến trong cộng đồng trại viên đó là nhu cầu tự khẳng định của các phạm nhân, ganh đua nhau dành vị trí thủ lĩnh, sự lây lan những nét tâm lý xấu dẫn tới phản tác dụng giáo dục.
Những đặc điểm tâm lý trên có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới quá trình quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, các đặc điểm tâm lý riêng của mỗi phạm nhân cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Mỗi phạm nhân có đời sống tâm lý riêng, do sự tác động của các yếu tố thuộc hoàn cảnh riêng của mỗi người. Đối với mỗi phạm nhân, tính chất của tội phạm do họ gây ra và mức độ hình phạt áp dụng có ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý cũng như nhân cách của họ. Với những phạm nhân nhận thức được lỗi lầm của mình, tỏ thái độ ăn năn hối cải, thường thích ứng nhanh với điều kiện giam giữ cải tạo, tích cực học tập, lao động. Đối với những phạm nhân cho rằng, mình bị oan, hoặc mức án quá nghiêm khắc, không tương xứng với lỗi lầm mà họ đã phạm thì tâm lí của họ thường bị ức chế, họ dễ có phản ứng chống đối quản giáo, cán bộ giáo dục cũng như những hành vi vi phạm các quy định khác của nội quy, quy chế trại giam, nhất là ở thời gian đầu của quá trình chấp hành hình phạt.
Đặc điểm môi trường nơi phạm nhân thụ án (vị trí, điều kiện địa lý, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt) và điều kiện sống cụ thể so với trước khi phạm tội ( chế độ quản lý, lao động, sự chênh lệch về điều kiện sống) có tác động khá lớn
đến tâm lý cũng như hiệu quả của công tác cải tạo giáo dục đối với họ. Những yếu tố này có thể làm xúât hiện trạng thái tâm lý bị ức chế do nhiều nhu cầu vật chất và tinh thần không được thoả mãn hoặc thoả mãn không đầy đủ. Trạng thái này thường làm tăng tính phản ứng, tính dễ bị kích động của phạm nhân.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ hiện làm công tác quản lý giáo dục tại trại giam thì yếu tố gia đình mà cụ thể là thái độ của những người thân trong gia đình có tác động rất lớn đến tâm lý, thái độ và hiệu quả cải tạo của phạm nhân. Đó có thể là nguồn động viên rất lớn giúp họ vượt qua giai đoạn thử thách. Nhưng ngược lại cũng có thể dẫn đến trạng thái bất cần chán nản ở họ. Vì vậy, trong quá trình phạm nhân thi hành án tại trại giam phải đặc biệt chú ý và tăng cường vai trò của yếu tố gia đình đối với bản thân mỗi phạm nhân.