2. Tổ chức nghiên cứu 1 Nghiên cứu lý luận
1.1. Đặc điểm nhân cách của phạm nhân từ kết quả test 16 yếu tố của Cattell
Cattell
Mỗi con người sống trong xã hội luôn có những ĐĐNC nhất định. Những đặc điểm này được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người qua hành vi trong các hoạt động cụ thể của họ. Để tìm hiểu đặc điểm nhân cách của phạm nhân trên thực tiễn, như đã nói ở các phần trước, chúng tôi sử dụng trắc nghiệm 16 yếu tố nhân cách của Cattell. Theo Cattell, mỗi một yếu tố phản ánh một nhóm đặc điểm nhân cách nào đó. Ngoài ra, có thể tổ hợp 16 yếu tố này thành 4 nhóm yếu tố lớn. Đó là:
- Các đặc điểm trí tuệ bao gồm các yếu tố: B, M, Q1; - Các đặc điểm ý chí - tình cảm bao gồm: C, I, O, Q4;
- Các đặc điểm quan hệ liên nhân cách bao gồm các yếu tố: Q, E, F, H, L, N, Q2; - Các đặc điểm thể hiện sự tự kiểm soát, tự đánh giá bao gồm các yếu tố: G, Q3, MD.
Số liệu thu được từ trắc nghiệm Cattell được chúng tôi xử lý bằng phương pháp tính giá trị trung bình cho từng yếu tố. Kết quả này được thể hiện ở bảng 1.
Các nét nhân cách cá nhân rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, để tìm hiểu sâu về từng ĐĐNC của phạm nhân, chúng ta sẽ phân tích cụ thể hơn. Từ số liệu của bảng 1, có thể lí giải các ĐĐNC của phạm nhân như sau theo từng nhóm các yếu tố như sau:
1.1.1. Các đặc điểm trí tuệ
Qua các yếu tố: B (trí tuệ), M (thực tế - viễn vông), Q1 (bảo thủ - cấp tiến), chúng tôi thấy, mức độ thể hiện các đặc điểm trí tuệ của phạm nhân nằm trong khoảng trung bình, trong đó yếu tố B: 3.36, yếu tố M: 6.13, yếu tố Q1: 5.60. Điều đó chứng tỏ rằng tư duy của phạm nhân thường bị hạn chế.
Bảng 1: Điểm trung bình của các yếu tố theo trắc nghiệm Cattell
TT Yếu tố Nội dung các yếu tố Điểm trung bình
( n= 30) 1. A Kín đáo - cởi mở 6.40 2. B Trí tuệ 3.36 3. C Tình cảm không ổn định- tình cảm ổn định 6.4 4. E Lệ thuộc - Chủ động 5.90 5. F Tính trầm - Biểu cảm 5.66 6. G Hành vi theo chuẩn mực- Hành vi cảm tính 7.86 7. H Nhút nhát - dũng cảm 6.06 8. I Cứng rắn - Nhạy cảm 4.93
9. L Tin tưởng - Nghi ngờ 6.06
10. M Thực tế - Viễn vông 6.13
11. N Trực tính - Xã giao 6.60
12. O Tự tin - Lo hãi 6.66
13. Q1 Bảo thủ - Cấp tiến 5.60
14. Q2 Tuân thủ - Không tuân thủ 5.36
15. Q3 Tự kiểm soát thấp - Tự kiểm soát cao 6.73
16. Q4 Yếu đuối - Căng thẳng 6.03
17. MD Tự đánh giá 7.50
Đa số họ không biết nhìn xa trông rộng, thường đơn giản hoá đến mức thô thiển khi đánh giá hành vi, đặc biệt là hành vi của bản thân và quá quan tâm đến những điều nhỏ nhặt. Khả năng và thiên hướng phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội thường thiên về các mặt trái, thiếu sự xem xét, cân nhắc khách quan toàn diện, họ hầu như không quan tâm đến những lý lẽ phân tích trí tuệ, nghi ngờ những tư tưởng mới, xu hướng giáo điều. Yếu tố Q1 với mức điểm trung bình 5.60 đã chỉ ra rằng, phạm nhân là những người hơi bảo thủ và ngang bướng.
Thực tế cho thấy hiện nay trình độ học vấn của phạm nhân còn thấp
(46.6% có trình độ THCS). ở các trại cải tạo đều có tổ chức việc học văn hoá và
dạy nghề cho phạm nhân. Nhưng phần lớn những phạm nhân chưa ham học, hơn nữa không ít người trong số họ có thái độ tiêu cực đối với giáo dục. Nhiều người trong số họ là những người lười học ở trường phổ thông và có kết quả học tập kém, không nhận thức được ý nghĩa của giáo dục nói chung và không nhìn thấy lợi ích thiết thực cho bản thân trong việc nâng cao trình độ học vấn.
1.1.2. Các đặc điểm ý chí, tình cảm
Các yếu tố: C (tình cảm không ổn định - tình cảm ổn định), I (cứng rắn - nhạy cảm), O (tự tin- lo hãi), Q4 (yếu đuối - căng thẳng) được dùng để đo các đặc điểm ý chí, tình cảm của phạm nhân.
Kết quả cho thấy, mức độ thể hiện các đặc điểm chủ yếu nằm trong khoảng trung bình, chỉ có yếu tố I là nằm trong mức thấp (4.93). Điểm số thấp ở yếu tố I đã chứng tỏ phần lớn phạm nhân là những người khó rung động, ít bộc lộ cảm xúc, lạnh lùng, thực dụng trong quan hệ. Nói cách khác, ở nhóm khách thể nghiên cứu có sự chai sạn nhất định về cảm xúc. Điều này là có thể hiểu được nếu chúng ta để ý rằng khách thể nghiên cứu ở đây là phạm nhân- những người đang phải chấp hành án phạt tù tại trại giam.
Về mặt tình cảm, đại đa số các phạm nhân đều có những biểu hiện lệch lạc, mất cân bằng giữa các loại tình cảm và giữa tình cảm với lý trí. ở một số người, những tình cảm tiêu cực (vị kỷ, ghen tức) chiếm ưu thế, ở một số người khác, tình cảm lấn át lý trí. Một điều dễ nhận thấy, một số phạm nhân sau khi vào trại cải tạo có tâm lý an phận, chấp nhận, họ cho rằng việc họ phải chấp hành án phạt tù là do “số phận”, từ đó họ có tỏ thái độ bất cần, thiếu tích cực trong học tập, lao động, tu dưỡng. Một số khác lại không chấp nhận hình phạt đối với mình nên có phản ứng chống đối giám thị, quản giáo. Điểm trung bình ở yếu tố O và Q4 đã chỉ ra rằng, phạm nhân sau khi vào trại đã không còn tâm trạng hoang mang, lo lắng và sợ hãi, thường ở họ có sự kiên trì, lạnh lùng trong hành động. Do hoàn cảnh bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, các phạm nhân thường có mặc cảm về vị thế xã hội của mình- vị thế thấp kém hơn những người khác. Từ đó họ thường nảy sinh trạng thái bi quan tuyêt vọng, biểu hiện ở sự chán chường, thụ động, thờ ơ, bất cần, nghi ngờ mất niềm tin và đôi lúc thể hiện rõ sự yếu đuối của bản thân ra bên ngoài. Đó chính là nguyên nhân dễ dẫn tới hành vi vi phạm nội quy, quy chế trại giam.
Tuy nhiên, ở đại đa số các phạm nhân, ý chí của họ thiếu sự cân bằng giữa các mặt. Cụ thể là giữa mặt nội dung và mặt cường độ của ý chí. Thường là ở họ có sự kiên trì quyết đoán tạo nên sức mạnh ý chí nhưng không hướng vào các
hoạt động tích cực mang ý nghĩa xã hội mà hướng vào các hoạt động phục vụ lợi ích, ý muốn không đúng đắn của cá nhân, nên thường được gọi là sự ngang bướng, liều lĩnh, lì lợm, ngoan cố.
1.1.3. Các đặc điểm quan hệ liên nhân cách
Việc xem xét các đặc điểm quan hệ liên nhân cách nhằm mục đích tìm hiểu mối quan hệ của cá nhân đối với mọi người xung quanh, đối với nhóm, cách thức cá nhân thể hiện hành vi trong nhóm.
Các đặc điểm quan hệ liên nhân cách được thể hiện qua các yếu tố: A (kín đáo- cởi mở), E (lệ thuộc- chủ động), F (tính trầm- biểu cảm), H (nhút nhát- dũng cảm), L (tin tưởng- nghi ngờ), N (trực tính- xã giao), Q2 (tuân thủ- không tuân thủ). Kết quả khảo sát cho thấy, các yếu tố đều có mức độ thể hiện nằm trong khoảng trung bình.
Yếu tố A với mức độ thể hiện 6.40 đã nói lên rằng, phạm nhân là những người khá cởi mở, họ rất dễ kể cho nhau nghe về gia đình, bạn bè, hoàn cảnh của nhau. Tuy nhiên có một số phạm nhân thường đắm mình trong nỗi buồn nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè, nhớ cuộc sống tự do dẫn đến thái độ thụ động, thờ ơ, ít quan tâm tới cuộc sống trong trại. Những người này rất kín đáo, khó tiếp xúc và hoà nhập với xung quanh. Ngoài ra, những phạm nhân đã phạm tội nhiều lần lại hay hồi tưởng về lối sống tội lỗi của mình và kể cho các phạm nhân khác về những lần phạm tội trong đó họ coi mình như những người hùng.
Sự mất quyền tự do đã phá vỡ hệ thống các mối quan hệ đã được hình thành trước đây giữa phạm nhân với những người xung quanh. Trong giao tiếp của họ có sự bị cách biệt. Vì vậy, một xu hướng dễ nhận thấy trong cộng đồng phạm nhân, đó là những ngày đầu vào trại, phạm nhân thường có xu hướng tìm cho mình bạn bè, những người cùng chí hướng, sở thích, lợi ích... Họ cũng có thể chọn bạn theo đặc điểm dân tộc, quê quán...
Điểm trung bình ở yếu tố E (5.90) và yếu tố Q2 (5.36) chứng tỏ phạm nhân là những người thiếu tự tin, dễ bị phụ thuộc vào người khác.
Những đặc điểm còn lại cũng đều ở mức trung bình. Các yếu tố này đã thể hiện phạm nhân là những người đơn giản trong cách tiếp cận cũng như quan hệ
với những người xung quanh. Do mặc cảm vị thế, mặc cảm tội lỗi cũng như một số các yếu tố tâm lý khác, trong quan hệ với những người xung quanh, một điều rất dễ nhận thấy là phạm nhân thường rụt rè, thận trọng, đề phòng, do vậy, tính tích cực, tính chủ động không cao, nhất là trong môi trường chưa quen biết. Điều này gây ra không ít khó khăn cho phạm nhân trong quá trình tái hoà nhập xã hội sau này.
1.1.4. Đặc điểm tự kiểm soát và tự đánh giá
Đặc điểm này được đánh giá theo mức đo của các yếu tố: G (hành vi theo chuẩn mực, lý tính- hành vi cảm tính), Q3 (tự kiểm soát thấp- tự kiểm soát cao) và MD (tự đánh giá).
Điểm cao ở yếu tố G (7.86), cho thấy phạm nhân thể hiện sự kiểm soát từ bên ngoài khá rõ nét, sự tuân thủ các chuẩn mực và các nguyên tắc hành vi một cách có ý thức. Tuy nhiên, đây chỉ là sự điều tiết hành vi theo lý tính, theo nguyên tắc một cách có ý thức, còn thực chất lại không phải như vậy. Sự kiểm soát hành vi từ bên trong, kiểm soát bằng nội lực của bản thân chỉ biểu hiện ở mức độ bình thường. Điểm trung bình ở yếu tố Q3 cho thấy rõ điều đó. Điểm cao ở yếu tố G cũng đã chỉ ra rằng, phạm nhân là những người có tính kiên trì trong việc đạt được mục đích, tính chính xác, tính trách nhiệm và mang khuynh hướng thiết thực.
Yếu tố Q3 (6.73) cho thấy sự tự kiểm soát thấp- tự kiểm soát cao chỉ ở mức trung bình. Điều này cho thấy việc kiểm soát hành vi từ bên trong của chính bản thân phạm nhân chỉ là bình thường trong thời gian họ đang chịu sự kiểm soát, giáo dục của trại giam.Vì thế khi sống ngoài xã hội, không có sự kiểm soát chặt chẽ của một cá nhân hoặc một nhóm nào thì hành vi của phạm nhân sẽ bộc lộ rõ nét theo xu hướng lệch chuẩn. Điều này có thể được lý giải xuất phát từ nhận thức của phạm nhân. Nhìn chung, đại đa số các phạm nhân có sự nhận thức lệch lạc về các chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật) ở dạng không thừa nhận hoặc không hiểu biết đầy đủ về hệ chuẩn mực chính thống. Hành vi phạm tội của họ thường bắt nguồn từ đó hoặc hành động theo chuẩn mực lệch lạc mà họ đã lựa chọn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng phạm nhân tự đánh giá mình tương đối cao. Yếu tố MD (7.50) đã biểu hiện sự tự đánh giá của phạm nhân về chính họ, về khả năng cao hơn mức vốn có của họ. Điều đó càng làm cho họ cảm thấy bực bội do thua kém mọi người xung quanh. Đây cũng là nguyên nhân của các hoạt động nhằm tự khẳng định mình, ganh đua nhau để dành vị trí thủ lĩnh trong tập thể phạm nhân. Việc phạm nhân không đánh giá đúng mình sẽ gây cản trở cho họ trong cuộc sống cũng như trong công việc. Vì thế họ không tự điều chỉnh được hành vi của bản thân và càng gặp nhiều thất bại trong cuộc sống hơn.
Có thể nói rằng các ĐĐNC luôn tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời nhau. Tuy nhiên mức độ liên kết giữa các nét NC có chặt chẽ hay không còn phụ thuộc vào NC và điều kiện của từng người cụ thể. Kết quả khảo sát cho thấy các ĐĐNC có quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không phải tất cả đều có sự thống nhất với nhau.
Trên đây là các ĐĐNC của phạm nhân qua kết quả test 16 yếu tố của Cattell. Tuy nhiên đây mới chỉ là những đặc điểm của nhóm phạm nhân được khảo sát, trên cơ sở đó mà chúng tôi khái quát, tổng hợp thành các đặc điểm nhân cách của nhóm phạm nhân. Ngoài ra, để hỗ trợ cho phương pháp test 16 yếu tố của Cattell, chúng tôi còn kết hợp với sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu một số phạm nhân, đồng thời tham khảo ý kiến của một số cán bộ hiện đang làm công tác quản lý giáo dục phạm nhân. Những phương pháp này đã giúp chúng tôi thu được một số kết quả trong quá trình nghiên cứu.