6. Cấu trúc đề tài
2.1.2. Trong các tiết hướng dẫn các thao tác làm văn nghị luận văn học
Nghị luận văn học bao gồm các thao tác chính như sau: Thao tác lập luận phân tích; thao tác lập luận so sánh; thao tác lập luận bác bỏ; thao tác lập luận bình luận... Trong các tiết dạy lí thuyết về các thao tác nghị luận văn học, giáo viên không chỉ cung cấp những lí thuyết thuần túy về các thao tác mà còn hướng dẫn học sinh sử dụng các biện pháp tu từ, đặc biệt là biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ vào các thao tác làm văn nghị luận văn học.
Chẳng hạn, khi dạy bài: “Thao tác lập luận phân tích” và bài: “Luyện tập thao tác lập luận phân tích”, giáo viên không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức về thao tác lập luận phân tích mà trong quá trình phân tích còn hướng dẫn học sinh chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong bài phân tích, sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ trong quá trình phân tích văn học
Ví dụ: Đề bài: “Phân tích đoạn thơ sau, sử dụng biện pháp ẩn dụ, hoán dụ trong quá trình phân tích?”
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. (Viếng Lăng Bác – Viễn Phương) Với đề bài yêu cầu như trên, học sinh có thể phân tích đoạn thơ như sau: Nhà thơ đã dùng hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” để mở đầu cho cảm xúc của mình. Mặt trời dường như đã quá quen thuộc đối với chúng ta, nhưng hình ảnh này được nhắc trong thơ Viễn Phương lại sinh động hơn qua động tác “đi, thấy”. Tác giả đã thành công trong việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa độc đáo:
“Thấy một mặt trời trời lăng rất đỏ”.
“Mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ đẹp chỉ Bác. Ở câu thơ này nhà thơ đã ca ngợi công lao của Bác và bày tỏ niềm tự hào, sự tôn kính đối với Bác.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ”.
Điệp ngữ “ngày ngày” chỉ sự liên hoàn, từ ngày này sang ngày khác, thời gian nối tiếp trôi. Ta như thấy hiện ra trước mắt người đọc hàng nghìn người nối tiếp nhau “đi trong thương nhớ”.
“Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.
Là hình ảnh tả thực, dòng người đến viếng Bác đông, trông như “tràng hoa”. Không những vậy nhà thơ còn kết hợp với hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng đã thể hiện lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân thế giới nói chung. “Bảy mươi chín mùa xuân là hình ảnh hoán dụ về tuổi thọ của Bác. Hai cặp câu cuối đã thể hiện thật rõ ràng sự tôn kính của nhân dân Việt Nam đối với Bác qua điệp ngữ liên hoàn, hình ảnh ẩn dụ và tả thực xen với hình ảnh hoán dụ thật độc đáo của Viễn Phương. Nắm tư tưởng đó, ta mới thực sự hiểu được niềm tự hào, sự tôn kính của Viễn Phương đối với Bác.
Với cách phân tích trên đã sử dụng thao tác lập luận phân tích kết hợp sử dụng ẩn dụ, hoán dụ trong quá trình phân tích:
+ Ẩn dụ cách thức: “Nắm tư tưởng”.
+ Hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận - toàn thể (lấy tên gọi của một số cụ thể để chỉ một số lượng không xác định): “Hàng nghìn người”.
Ví dụ: Với đề bài: “So sánh hai hình ảnh mặt trời được sử dụng trong hai câu thơ sau, trong đó có sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ?”
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”.
(Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm) “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.
(Viếng Lăng Bác – Viễn Phương) Với đề bài đó, học sinh cần dựa vào các bước tiến hành đánh giá giá trị thẩm mĩ để giải quyết yêu cầu của đề bài. Có thể cảm nhận hai câu thơ như sau:
Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ ẩn chứa một ẩn dụ thật độc đáo:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”.
“Mặt trời” trong câu thơ thứ nhất là mặt trời của cõi tự nhiên vĩnh hằng đem ánh sáng nuôi sống muôn loài trên trái đất.
Còn “mặt trời” trong câu thơ thứ hai chính là em bé trên lưng mẹ. Em bé là mặt trời của mẹ cũng giống như mặt trời của cõi tự nhiên vĩnh hằng vô cùng cần thiết với muôn loài vậy. Đó là một ẩn dụ độc đáo.
Ở đây, em Cu Tai, đứa con tuy nhỏ còn đang nằm trên lưng mẹ nhưng chính là linh hồn của người mẹ Tà Ôi. Đứa con là nguồn sống, là nguồn động viên lớn lao đối với người mẹ, là ánh sáng cuộc đời mẹ, đem lại cho người mẹ tất cả bao hi vọng ước mơ và sức mạnh vượt gian nan, cực nhọc nguy hiểm, làm cho người mẹ có nghị lực phi thường tìm đến cách mạng. Những người mẹ Tà Ôi đang hằng ngày phát rẫy, tỉa bắp, nuôi con, nuôi bộ đội, cung cấp lúa ngô phục vụ kháng chiến. Dường như hai câu thơ như lời ru rất êm mà người mẹ muốn nhắn nhủ đứa con của mình.
Nguyễn Khoa Điềm đã dùng hình ảnh mặt trời để so sánh ngầm, coi đứa con là mặt trời trong tâm hồn của người mẹ. Đây cũng là một ẩn dụ độc đáo mới lạ đã thể hiện được tình cảm, sự gắn bó không rời giữa hai mẹ con, là tấm lòng của người mẹ. Là tình mẹ với con, là niềm hạnh phúc của người mẹ được sống vì con. Đó là ẩn dụ tạo nên sự thành công của bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ”.
Nhà thơ Viễn Phương cũng đã dùng hình ảnh mặt trời để ngầm so sánh với Bác Hồ với ý nghĩa là để ca ngợi Bác Hồ, là con người vô cùng vĩ đại, có công lao to lớn. Bác là “mặt trời” đem lại ánh sáng độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam, vừa nhằm thể hiện niềm tôn kính thiêng liêng, sự biết ơn vô hạn của nhân dân Việt Nam đối với Bác:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”.
Cũng dùng hình ảnh mặt trời để diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ của mình, nhưng hai nhà thơ đã khai thác ở hai nghĩa ẩn dụ khác nhau rất tinh tế. Như vậy, nhờ cách ẩn dụ khác nhau của hai tác giả mà đã tạo nên vốn từ vựng có thêm nhiều nét nghĩa khác nhau vô cùng phong phú.
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Lời ru rất êm” (thính giác + xúc giác). + Hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận – toàn thể: “Lúa ngô” không chỉ được dùng để chỉ mỗi “lúa” và “ngô”, mà còn để chỉ tất cả các loại lương thực khác như: khoai, sắn, đỗ tương…
Tóm lại, Kết hợp rèn luyện cách sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ với dạy học lí thuyết làm văn góp phần hình thành cho học sinh kĩ năng làm văn nghị luận văn học nói chung và cách sử dụng biện pháp tu từ ẩn, dụ hoán dụ trong nghị luận văn học nói riêng.