Định hướng phát triển ngành công nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiềm năng phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh (Trang 42 - 45)

7. Cấu trúc của đề tài

2.2.1. Định hướng phát triển ngành công nghiệp

Phát huy những lợi thế về vị trí địa lí và nguồn tài nguyên thiên nhiên trong tỉnh, phấn đấu đưa ngành công nghiệp Quảng Ninh trở thành ngành giữ vai trò động lực và nòng cốt trong quá trình CNH – HĐH không chỉ của tỉnh mà cho cả vùng KTTĐ phía Bắc và vùng Bắc Bộ. Vì vậy, ngành công nghiệp Quảng Ninh cần phải phát triển với tốc độ cao (18 – 19%/năm), có hiệu quả, tạo sự vượt trội trong cơ cấu kinh tế, đồng thời kết hợp đồng bộ giữa phát triển công nghiệp với phát triển kết cấu hạ tầng trên từng địa bàn. Đặc biệt, sự phát triển của ngành công nghiệp Quảng Ninh phải gắn với sự phát triển chung của công nghiệp cả nước và vùng KTTĐ Bắc Bộ. Phấn đấu đến 2015, đưa Quảng Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp có nền công nghiệp lớn và hiện đại trong khu vực.

Ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp cơ bản then chốt, các ngành có giá trị kinh tế cao là thế mạnh của tỉnh như công nghiệp khai thác than, nhiệt điện, đóng tàu, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản, công nghiệp phục vụ du lịch… Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, nhất là công nghiệp gia công, chế biến xuất khẩu.

Khai thác tổng hợp các nguồn lực của tỉnh và thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, tiếp nhận nguồn vốn và chuyển giao công nghệ tiên tiến cùng với vùng KTTĐ để hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Phát triển và phân bố hợp lý các ngành sử dụng tài nguyên biển, rừng, cây công nghiệp và cây ăn quả, khoáng sản… để thúc đẩy công nghiệp nhỏ ở vùng nông thôn và miền núi phát triển, từng bước hình thành các đô thị vệ tinh gắn với các KCN trong tỉnh. Phát triển cân đối giữa các ngành công nghiệp, giữa lao động nam và lao động nữ. Giải quyết tốt các mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Gắn công nghiệp và kết cấu hạ tầng của Quảng Ninh với yêu cầu quốc phòng, an ninh trên toàn tỉnh và vùng biển Đông Bắc của Tổ Quốc.

2.2.1.1. Công nghiệp khai thác than

Phát triển ngành công nghiệp khai thác than theo hướng bền vững, hiệu quả, đồng bộ, cân đối đi đôi với phát triển các ngành kinh tế khác. Đẩy mạnh việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong thăm dò, khai thác, sàng tuyển và chế biến than. Tiến hành thăm dò đánh giá tài nguyên than nằm dưới mức -300 m đến đáy tầng than. Giảm dần việc khai thác than lộ thiên và chuyền dần sang mở rộng quy mô khai thác than hầm lò.

Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn than trong tỉnh để sử dụng lâu dài, phấn đấu duy trì sản lượng than sạch khoảng từ 35 – 40 triệu tấn. Sau 2015, mở rộng quy mô khai thác phù hợp với nhu cầu sử dụng trong nước. Hạn chế việc xuất khẩu than nhằm bảo vệ tài nguyên, đồng thời bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia. Ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép. Cùng với đó là việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành than thông qua các chính sách đối với các trường dạy nghề mỏ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển ngành công nghiệp khai thác than cần đi đôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch, an ninh quốc phòng của tỉnh.

2.2.1.2. Công nghiệp điện

Đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện Mông Dương I, II; nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh II. Triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện Thăng Long, nhà máy nhiệt điện diezen Cái Lân… Xúc tiến xây dựng trung tâm nhiệt điện lớn tại KCN Hải Hà. Phát triển mạnh việc xây dựng năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời tại các vùng nông thôn ven biển và trên các đảo. Đến 2015, tổng công suất điện của các nhà máy nhiệt điện trong tỉnh đạt khoảng 3.000 MW và năm 2020 đạt 5.000 MW.

2.2.1.3. Công nghiệp đóng tàu

Tập trung các nguồn lực phấn đấu đến năm 2020, xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm đóng tàu biển lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, là một trong những trung tâm công nghiệp đóng tàu biển lớn, hiện đại của khu vực và thế giới, có thể đóng các tàu vận tải đến 50.000 tấn và các loại tàu chuyên dùng khác như tàu chở dầu, tàu container, tàu công trình, tàu thăm dò và khai thác dầu khí, tàu du lịch, tàu cá công suất lớn và tàu quân sự đạt chuẩn quốc tế.

Tiếp tục nâng cấp mở rộng và hoàn thiện KCN đóng tàu Cái Lân, nhà máy đóng tàu Hạ Long, Hà An, nhà máy chế tạo động cơ Vinashin – Man – Phà Rừng… đáp ứng 60% nhu cầu sửa chữa tàu sông của vùng Bắc Bộ và 35% nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu biển của cả nước. Tiếp tục triển khai xây dựng một số nhà máy đóng tàu quy mô lớn cùng các khu công nghiệp phụ trợ tại KCN Hải Hà, Đầm Nhà Mạc… Phát triển đồng bộ các cơ sở công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu.

Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp đóng tàu cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngành nên thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật, chuyên môn; không ngừng bồi dưỡng tay nghề cho công nhân kỹ thuật. Đặc biệt, nên tổ chức tuyển chọn đưa cán bộ và công nhân kỹ thuật đi đào tạo và thực hiện chuyển giao công nghệ ở các nước có ngành công nghiệp tàu thủy phát triển như: Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc…

2.2.1.4. Công nghiệp luyện kim

Dưới yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước và sự phát triển kinh tế của tỉnh, trong những năm gần đây nhu cầu về các sản phẩm ngành luyện kim trong tỉnh và trong khu vực là khá lớn. Do đó, việc phát triển ngành công nghiệp luyện kim là hết sức quan trọng, nó thúc đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH và tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác trong tỉnh phát triển. Do đó, tỉnh Quảng Ninh cần đầu tư xây dựng nhà máy tạo phôi, cán thép, thép tấm quy mô vừa nhằm đáp ứng cho nhu cầu thép ngày càng lớn trong khu vực, nhất là cho

cho các cơ sở công nghiệp luyện kim. Ưu tiên xây dựng nhà máy thép ở khu vực Việt Hưng – Cái Lân, đặc biệt tại KCN Hải Hà nhằm phục vụ cho công nghiệp đóng tàu trong tương lai. Đến năm 2020, quy mô sản xuất thép của tỉnh đạt khoảng 10 triệu tấn.

2.2.1.5. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

Phát triển công nghiệp sản xuất xi măng, xây dựng nâng cấp các cơ sở sản xuất hiện có đạt trình độ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Xây dựng mới các nhà máy sản xuất xi măng lò quay có công nghệ tiên tiến và hiện đại ở khu vực Hoành Bồ. Liên doanh cung cấp Clinker cho các trạm nghiền Clinker ở vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Xây dựng nhà máy chế tạo bao bì xi măng. Mở rộng và xây dựng mới các trạm trộn bê tông. Đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, xây dựng nhà máy gạch lát Ceramic, gạch tuynel, các cơ sở sản xuất đá ốp lát, ván ép. Đến năm 2020, tổng năng lực sản xuất xi măng trong tỉnh đạt 15 triệu tấn. Sắp xếp hợp lý các cơ sở sản xuất đá, đất sét, cát xây dựng… để khai thác hiệu quả nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn, đồng thời bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch.

2.2.1.6. Công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm và đồ uống

Ưu tiên đổi mới thiết bị, công nghệ, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chế biến các sản phẩm có chất lượng cao nhằm cung cấp cho các đô thị, khu du lịch và xuất khẩu. Đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến nuôi trồng thủy sản, hoa quả, thực phẩm, đồ uống.

2.2.1.7. Các ngành công nghiệp khác

Phát triển công nghiệp dệt may, da giày phục vụ nhu cầu xuất khẩu, ưu tiên thu hút các dự án dệt may, da giày vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện để sử dụng nguồn lao động dồi dào của vùng nông thôn. Ngoài ra, phát triển một số ngành công nghiệp khác như gốm sứ, thủy tinh, sản xuất phân đạm, than sinh hoạt…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tiềm năng phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)