- Ước tính giá thành
Căn cứ vào khối lượng đào đắp và đơn giá xây dựng của địa phương, tiến hành tính toán giá thành công tác san nền. Vì khối lượng công tác đất có độ chính xác không cao cho nên giá thành tính toán ở đây chỉ là số liệu ước tính.
d. Bản vẽ đánh giá đất đai và thiết kế quy hoạch chung chiều cao khu đất xây dựng dựng
Hồ sơ thiết kế quy hoạch chung chiều cao khu đất xây dựng bao gồm các bản vẽ và bản thuyết minh
* Các bản vẽ trong hồ sơ đánh giá đất đai và thiết kế quy hoạch chung chiều cao
- Sơ đồ vị trí khu đất xây dựng (sơ đồ liên hệ vùng).
Sơ đồ này chỉ ra vị trí của khu đất quy hoạch và mối liên hệ của khu đất đó về mặt địa hình, về mặt thủy văn… với vùng lân cận. Sơ đồ này được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ nhỏ. Trên thực tế, sơ đồ này không dừng riêng cho quy hoạch chung chiều cao mà nó được sử dụng chung cho đồ án quy hoạch tổng thể đô thị, nhưng cần chú ý nêu rõ mối liên hệ vùng về mặt chuẩn bị kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề thủy văn, thủy lợi.
- Bản đồ địa hình, hiện trạng tỷ lệ 1/2000; 1/5000; 1/10000 hay 1/25000.
- Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai xây dựng tỷ lệ 1/2000; 1/5000; 1/10000; 1/25000.
- Bản vẽ quy hoạch chung không gian kiến trúc đô thị tỷ lệ 1/2000; 1/5000; 1/10000 hay 1/25000.
Trên bản vẽ này, thể hiện các khu chức năng sử dụng đất đô thị, mạng lưới giao thông đô thị (có các mặt cắt ngang điển hình cho các loại đường phố).
- Bản vẽ quy hoạch chung chiều cao khu đất xây dựng 1/2000; 1/5000; 1/10000 hay 1/25000.
- Bản vẽ tính toán khối lượng đất tỷ lệ 1/2000; 1/5000; 1/10000; 1/25000. Trên bản vẽ thể hiện khối lượng đào đắp tại các ô phố, cao độ thi công trung bình, cao độ khống chế, diện tích ô phố. Hình 7-10 bản vẽ khối lượng đất.
- Bản vẽ điều phối đất theo tỷ thiết kế quy hoạch chung - Các bản vẽ, sơ đồ minh họa khác.
1.2.2. Nguyên tắc thiết kế quy hoạch chiều cao nền khu đất xây dựng
* Thiết kế quy hoạch chiều cao phải triệt để lợi dụng điều kiện địa hình tự nhiên
Địa hình tự nhiên là một hệ thống cân bằng tự nhiên. Khi xây dựng đô thị cần cố gắng sử dụng tối đa những yếu tố sẵn có, giữ lại cây xanh (mặt phủ thực vật) và đất màu để tạo cảnh quan môi trường. Khi thay đổi địa hình nhiều sẽ gây lãng phí tiền của, tăng kinh phí đào đắp, tăng chiều sâu đặt móng nhà… và phá vỡ sự cân bằng vốn có, tạo ra nhiều nguy cơ như sạt lở đất (hay xảy ra ở taluy), xói mòn đất do thiếu mặt phủ…
Trong khi nghiên cứu thiết kế cần thận trọng, cân nhắc và so sánh các phương án sao cho diện tích san gạt là ít nhất để tránh phá vỡ địa hình tự nhiên, chỉ áp dụng đào đắp trong những trường hợp thật sự cần thiết.
* Thiết kế quy hoạch chiều cao phải đảm bảo cân bằng đào đắp khối lượng công tác đất (đào, đắp) là ít nhất và cự ly vận chuyển đất ngắn nhất
Kinh phí đầu tư cho công tác đất được giảm thiểu khi mà phương án thiết kế quy hoạch chiều cao bám sát địa hình tự nhiên (đào đắp ít) và cố gắng khối lượng đào gần bằng khối lượng đắp để giảm kinh phí công tác đất. Tránh vận chuyển đất từ nơi khác đến để đắp hoặc đào và vận chuyển đất từ vùng này đến vùng khác. Tùy theo địa hình cụ thể mà chọn giải pháp quy hoạch chiều cao hợp lý. Cũng có nơi chỉ có đắp (vùng trũng) thì buộc phải chuyển đất từ nơi khác đến. Trường hợp này càng giảm khối lượng đắp càng tiết kiệm kinh phí. Cũng có trường hợp chỉ có khối lượng đào (đào hố chứa, đào kênh mương…), trường hợp này phải tìm nơi khác để đổ đất.
Nguyên tắc chung là cố gắng cân bằng đào, đắp tại chỗ để giảm kinh phí xây dựng. Ví dụ như vùng đất trũng thì nên thiết kế đào hồ để lấy đất đắp nền, vùng đất đào thừa thì nên thiết kế công viên cây xanh và đắp núi trong công viên.
* Thiết kế quy hoạch chiều cao phải được nghiên cứu giải quyết trên toàn bộ đất đai đô thị
Nguyên tắc này đảm bảo liên hệ chặt chẽ, liên hoàn, đầy đủ và hợp lý về cao độ nền giữa các bộ phận đất đai của đô thị đồng thời có thể làm nổi bật ý đồ quy hoạch kiến trúc và cảnh quan môi trường. Việc nghiên cứu toàn bộ khu vực mà chỉ ưu tiên đào đắp toàn bộ khu vực cần thiết. Giữa khu vực đào đắp và vùng lân cận (địa hình tự nhiên) phải có sự liên hệ với nhau một cách hài hòa.
Thông thường người ta thiết kế chiều cao cho quảng trường, công trình công cộng quan trọng ở cốt cao hơn khu vực xung quanh, vườn hoa công viên thì có thể để thấp hơn vùng lân cận, cốt lòng đường nên thấp hơn cốt nền công trình kề bên để thuận lợi cho việc thoát nước mưa…
* Thiết kế quy hoạch chiều cao phải tiến hành từng bước (theo các giai đoạn) trước khi thi công
Việc thiết kế quy hoạch theo trình tự thiết kế sơ bộ cho đến thiết kế chi tiết nhằm tránh các sai lầm khi thiết kế. Thiết kế theo trình tự vừa đảm bảo yêu cầu chung vừa đáp ứng yêu cầu riêng. Các giải pháp ở giai đoạn sau phải tuân theo sự chỉ đạo của các giải pháp ở giai đoạn trước.
* Thiết kế quy hoạch chiều cao phải thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ kiến trúc và cảnh quan đô thị
Sự cao thấp của nền các khu đất xây dựng cũng góp phần tạo nên không gian kiến trúc đô thị, nhất là những đô thị nằm ở vùng đồi núi. Hướng dốc và dốc địa hình của các bộ phận đất đai đô thị có vai trò kết nối không gian sử dụng đất đai. Nếu giải quyết chiều cao nền đất đai xây dựng không tốt thì có thể không tạo được sự hài hòa giữa các bộ phận công trình, giữa các công trình và giữa các bộ phận
chức năng của đô thị.
Trên đây là các nguyên tắc cơ bản về thiết kế quy hoạch chiều cao khu đất xây dựng. Chúng cần được vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình thiết kế, nhằm thỏa mãn những yêu cầu cụ thể khi chuẩn bị đất đai xây dựng đô thị.
1.3. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH CHUYỂN ĐỔI ĐẤT NÔNG NGHIỆP SANG ĐẤT CHUYÊN DÙNG CHO ĐÔ THỊ SANG ĐẤT CHUYÊN DÙNG CHO ĐÔ THỊ
Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau đây:
1.3.1. Quan điểm
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam phục vụ mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm:
- Phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;
- Phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn, bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của đất nước;
- Phát triển ổn định, bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái;
- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với cấp độ thích hợp hoặc hiện đại, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị;
- Kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội; đối với các đô thị ven biển, hải đảo và dọc hàng lang biên giới phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia.
1.3.2. Mục tiêu
Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.
1.3.3. Các chỉ tiêu phát triển đô thị