Tuổi và giới tính

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đột biến gen BRAF v600e và kết quả điều trị ngoại khoa ung thư tuyến giáp (Trang 113 - 115)

CHƯƠNG 4 : BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ung thư biểu mô tuyến giáp

4.1.1. Tuổi và giới tính

Theo báo cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (2014) [24] và Hiệp hội tuyến giáp Anh (2014) [16] cho biết ung thư biển mô tuyến giáp gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Tuổi và giới tính có liên quan đến yếu tố tiên lượng và chỉ định điều trị. Thông thường, tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến giáp gặp ở nữ nhiều hơn nam,.

Trong nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu bệnh nhân trong độ tuổi 40 - 49 chiếm 25,4%; 30 - 39 và 50 - 59 cùng chiếm 21,6%. Tuổi thấp nhất trong nghiên cứu 17; tuổi cao nhất là 80. Tuổi trung bình 45,14 ± 13,42. Chủ yếu là bệnh nhân nữ (82,4%); tỷ lệ nữ/ nam = 4,67/1.

Giống như bệnh lý ung thư của các cơ quan khác, ung thư tuyến giáp cũng được xếp loại TNM trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên đối với ung thư tuyến giáp ngoài 3 yếu tố T, N, M và cách xếp giai đoạn, trong thực hành lâm sàng người ta nhận thấy rằng tuổi tác là một yếu tố tiên lượng quan trọng và yếu tố này đã được đưa vào trong các hệ thống xếp loại khác như: hệ thống AGES, AMES, MACIS… Người ta nhận thấy rằng những bệnh nhân ung thư tuyến giáp trên 45 tuổi có tiên lượng xấu hơn. Trong nghiên cứu của chúng tôi, số bệnh nhân ≥ 45 tuổi là 51 trường hợp chiếm 50%, đây là lứa tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao.

Tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tơi cũng tương tự như một số nghiên cứu khác.

Nghiên cứu của Trần Minh Đức (2002) [84] trên 131 trường hợp tại Bệnh viện 103 cho thấy tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp là 45,76 ± 15,59 tuổi. Tuổi trung bình ở nam là 47,3 ± 18,17 của nữ là 45,3 ± 14,8 tuổi. Tỷ lệ nữ/ nam là 101/30 (3,37/1).

Trong nghiên cứu của tác giả Phạm Văn Trung (2010) [85] tìm ra ở 198 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp cho thấy tuổi trung bình là 46,9 ± 14,9 tuổi tương đương với nghiên cứu của chúng tôi, nhưng tỷ lệ nữ/ nam là 136/62 (2,19/1) lại thấp hơn nghiên cứu của chúng tơi.

Ngược lại, có một số nghiên cứu khác độ tuổi trung bình và tỷ lệ nam/nữ có sự khác biệt khá nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi. Phan Hoàng Hiệp và CS (2014) [86], nghiên cứu 60 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp cho thấy tuổi nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất 48 tuổi, trung bình 28 ± 9,2 tuổi thấp hơn rất nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ nam/ nữ = 56/4 (14/1) lại cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi. Nghiên cứu của Nguyễn Mai Anh và CS (2008) [87] tiến hành ở 41 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp, độ tuổi trung bình của bệnh nhân nghiên cứu là 43,41 ± 12,39, tỷ lệ nam/ nữ là 4/1. Nghiên cứu của Đỗ Hữu Liệt (2011) [88] tuổi trung bình của bệnh nhânung thư biểu mô tuyến giáp 35,5 ± 9,46 (21 - 53) tuổi.

Wanebo H. và CS (1998) [54] nghiên cứu 347 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hố đã thấy tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư biểu mơ tuyến giáp biệt hóa là 52 (21 - 84 tuổi), lứa tuổi mắc cao nhất từ 21 - 50 tuổi (62,2%).

Silva G.S. và CS (2014) [79] nghiên cứu 101 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp, được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2013 tại Bệnh viện lâm sàng - Đại học Quốc gia Minas Gerais Brasile. Kết quả nghiên cứu cho thấy: 81,2% bệnh nhân là nữ; 18,8% là nam, tuổi trung bình 42, thấp nhất 10 tuổi, cao nhất 75 tuổi.

Các nghiên cứu khác từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như Chaukar D.A. và CS (2012) [89] cho các kết quả khác nhau về tuổi trung bình, tỷ lệ độ tuổi thường gặp và tỷ lệ khác biệt giữa nam/ nữ... Những khác biệt trên nhiều khả năng do sự khác nhau về đối tượng, phạm vi nghiên cứu,

đặc điểm thu dung của từng bệnh viện, khác biệt giữa các vùng địa lý... Tuy nhiên, các nghiên cứu đều nhận thấy ung thư biểu mơ tuyến giáp thể biệt hóa hay gặp ở nữ hơn nam, tỷ lệ bệnh nhân ở lứa tuổi đang lao động chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, các bệnh nhân thuộc lứa tuổi trẻ em và người lớn tuổi cũng chiếm tỷ lệ đáng kể trong báo cáo của Samuel A.M. (2011) [90].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, đột biến gen BRAF v600e và kết quả điều trị ngoại khoa ung thư tuyến giáp (Trang 113 - 115)