Đánh giá mọc mảnh ghép bằng chỉ số tế bào máu ngoại vi là một phương pháp đơn giản nhưng độ chính xác không cao vì chúng ta không có bằng chứng phân biệt đó là sự “mọc” của TBG người hiến hay sự tự phục hồi của bệnh nhân, hoặc hơn nữa là tỷ lệ DNA giữa NH/BN là bao nhiêu. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành thêm một số xét nghiệm để đánh giá chính xác hơn và chi tiết hơn mọc mảnh ghép.
Chimerism (thể khảm)
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tất cả bệnh nhân được làm xét nghiệm chimerism vào ngày D+30 với kết quả thu được là 6 bệnh nhân có chimerism 100% (khảm hoàn toàn), đến ngày D+40, tỷ lệ này đạt 100%. Kết quả này cho thấy tế bào gốc của người hiến đã “mọc” tốt trong cơ thể bệnh nhân. Kết quả của chúng tôi khác biệt với tác giả Furukawa và cs (2011): tỷ lệ khảm hoàn toàn vào ngày D+30 là 60%, tác giả Ogret và cs (2006) là 82%. Sự khác biệt này có thể do số lượng bệnh nhân của chúng tôi còn thấp. Theo các tác giả này, bệnh nhân có thể khảm hoàn toàn có nguy cơ tái phát bệnh thấp hơn nhưng nguy cơ GVHD cao hơn so với thể khảm hỗn hợp,.
Xét nghiệm tủy xương (tủy đồ, sinh thiết tủy xương)
Số lượng tế bào tủy xương D+30 trung bình là 44,5 G/L. Kết quả sinh thiết tủy xương cho thấy có 6 bệnh nhân có khoang sinh máu và mật độ tế bào tủy bình thường. Không phát hiện thấy tế bào blast ở tất cả các mẫu tủy xương. Như vậy nhìn chung sau ghép bệnh nhân đã đạt được lui bệnh và tủy xương đã hồi phục gần như hoàn toàn.
Sự chuyển đổi nhiễm sắc thể giới tính và nhóm máu
Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu, có 2 trường hợp ghép bất đồng nhóm máu hệ ABO. Theo tác giả Yanlian (2004), những bệnh nhân ghép bất đồng nhóm máu có thể chuyển đổi thành nhóm máu của người hiến nếu ghép thành công. Vì vậy, chúng tôi tiến hành xét nghiệm nhóm máu hệ ABO để có thêm thông tin đánh giá mọc mảnh ghép. Tuy nhiên, ngày thứ 30 sau ghép, các bệnh nhân đều chưa thấy có sự chuyển đổi về nhóm máu. Theo Bùi Thị Mai An (2013), chuyển đổi nhóm máu hệ ABO xảy ra sớm nhất vào ngày 21 sau ghép, thể hiện bằng sự xuất hiện hai quần thể hồng cầu trong máu bệnh nhân và đến 3 tháng sau ghép, nhóm máu đã chuyển đổi hoàn toàn.
Theo tác giả Hiquchi (2008) và Boris Fehse (2004), có sự chuyển đổi nhiễm sắc thể giới tính khi ghép bất đồng về giới. Sự chuyển đổi này có thể dùng để theo theo dõi và so sánh với kết quả chimerism,. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng kỹ thuật phân tích công thức nhiễm sắc thể (karyotyping) để tìm hiểu sự chuyển đổi nhiễm sắc thể giới tính. Tuy nhiên, có thể do thời gian theo dõi của chúng tôi ngắn và sử dụng kỹ thuật có độ nhạy thấp nên chưa phát hiện thấy sự chuyển đổi ở cả 2 trường hợp ghép bất đồng về giới. Một số kỹ thuật phát hiện nhiễm sắc thể giới tính có độ nhạy cao hơn như là lai tại chỗ miễn dịch huỳnh quang (FISH), định lượng nhiễm sắc thể X, Y – PCR đặc hiệu,...
Như vậy, để phát hiện sự chuyển đổi nhiễm sắc thể giới tính và nhóm máu trong các trường hợp ghép bất đồng giới và nhóm máu cần theo dõi trong thời gian dài sau ghép bằng các kỹ thuật có độ nhạy cao.