3. Đối với bản thân sinh viên:
3.4.1. Nguyên nhân khách quan
Kết quả cho thấy có 6 nguyên nhân thuộc về yếu tố khách quan, đó là: - Sự khác biệt/chênh lệch khá lớn giữa SV và người bệnh về: tuổi tác (sinh viên còn rất trẻ, chủ yếu ở độ tuổi 20, 21, người bệnh thì ở nhiều độ tuổi khác nhau: trẻ nhỏ, trung niên, người già…); giới tính (SV là nam nhưng thăm khám cho người bệnh là nữ hoặc ngược lại); vị trí xã hội (có người chỉ là nông dân, thợ xây dựng, có người là giám đốc, cán bộ quân đội…); kiến thức về bệnh tật (nhiều người bệnh có hiểu biết khá sâu về lĩnh vực y học hoặc có người hiểu biết rất hạn chế ngay cả những kiến thức thông thường nhất). Chính vì vậy, trong quá trình thực tập lâm sàng, nhiều SV đã cảm thấy rất khó khăn trong việc giao tiếp.
Một SV nam chia sẻ: “Một số người có hiểu biết về bệnh tật như bác sỹ, giáo viên, nhà nghiên cứu chẳng hạn, họ trả lời một cách rất thành thạo, đúng với chuyên môn. Chưa hỏi, họ đã nói rất rành rọt, đầy đủ cả về triệu chứng, cách điều trị. Khi giao tiếp với những người bệnh này, em cảm thấy mặc cảm, tự ti và mất bình tĩnh lắm. Nhưng cũng có người quanh năm làm ruộng, chỉ biết mặt chữ, con số để dùng trong sinh hoạt hàng ngày thôi, nhiều khi nói mãi mà vẫn không hiểu, em đành bó tay”.(Nam, SV Y3ĐK). Một SV cũng tâm sự:
“Em ngại nhất phải vào hỏi những bệnh nhân nam, nhất lại là người nhiều tuổi. Họ khó tính lắm, hỏi không khéo là cáu gắt luôn”. (Nữ, SVY3ĐK)
- Thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ, sự hướng dẫn tỷ mỷ về cách giao tiếp … của giáo viên, cán bộ y tế. “Chúng em đi thực hành thì cũng có thầy cô giảng. Song quá trình chúng em đi hỏi bệnh ở các phòng thì không có ai giám sát nên nhiều bạn đứng chơi, nói chuyện cho hết thời gian, thậm chí cả buổi chẳng hỏi được 1 bệnh nhân đâm ra các bạn ấy chán”. (Nam, SVY3ĐK). Sinh viên cũng có ý kiến rằng: “Nếu như các thầy cô giám sát thật sát sao, nhắc nhở và chỉ cho chúng em thật cụ thể cách phải giao tiếp với bệnh nhân, nhất là
người khó tính thì phải như thế nào, nếu họ từ chối thì làm sao, thì hiện tượng ra ngoài đứng chơi, nói chuyện phiếm cũng ít hơn, phải tích cực hơn và chúng em cũng dễ dàng hơn khi tiếp xúc với bệnh nhân”. (Nữ, SVY3ĐK)
- Môi trường mới lạ nhất là lần đầu các em đi lâm sàng thấy khác xa với khung cảnh thân quen của trường học, tình huống giao tiếp có nhiều yếu tố bất ngờ, phức tạp. Một SV kể lại: “Hôm đó em vào tiếp cận với một bệnh nhân bị bệnh tim, sau màn chào hỏi rất suôn sẻ, khi đặt vấn đề thăm khám và hỏi bệnh, họ thì đồng ý trả lời song người nhà dứt khoát không cho khám. Em đành phải đi ra”. (Nam, SVY3ĐK).
- Mặc dù nhiều người bệnh hiểu và rất nhiệt tình hợp tác với SV, giúp đỡ các em hoàn thành nhiệm vụ, song cũng có nhiều người chưa hiểu rõ mục đích thực tập lâm sàng của SV và chưa hỗ trợ tích cực. “Nhiều người họ không hiểu, họ cho rằng SV đi thực tập sẽ chẳng giúp ích được gì cho họ nên họ không hợp tác, khó chịu, thậm chí xua đuổi khi chúng em vừa đặt vấn đề thăm khám”.
(Nữ, SV Y3ĐK)
- Sinh viên quá đông, bệnh viện, các khoa phòng chật chội, nhiều người bị bệnh nặng nên SV cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với họ. ‘Bệnh viện nào cũng vậy ạ, nhiều khoa phòng chật kín bệnh nhân, lại thêm người nhà đi chăm sóc nữa. Mà mỗi lần đi thăm khám chúng em phải đi thành từng nhóm để tránh một người cứ bị hỏi đi hỏi lại nhiều lần, người ta cáu. Thành thử muốn tự mình hỏi, tiếp cận với bệnh nhân nhiều khi cũng khó, nhất là những bệnh nhân hay”. (Nữ, SVY3ĐK)
- Thời gian học về giao tiếp còn ít, nặng về lý thuyết, thực hành mang tính chất khuôn mẫu, chưa có nhiều ví dụ sát thực tế. Một sinh viên được hỏi về vấn đề này đã chia sẻ:“Chúng em cũng được học về giao tiếp trong một số môn như kỹ năng tiền lâm sàng, điều dưỡng và … song thời gian dành cho nội dung này cũng không nhiều. Hơn nữa, khi thực hành thì nó mang tính chất
chung chung quá, đó chỉ là những bước cơ bản thôi. Còn khi đi bệnh viện, chúng em thấy khác xa rất nhiều mà rất phức tạp. Nếu như các thầy cô hướng dẫn cho chúng em những cách giao tiếp trong các tình huống có thực hay gặp phải khi SV đi thực tập thì sẽ tốt hơn”. (Nữ, SVY3ĐK)
Trên đây là những kết quả định tính về nguyên nhân khách quan dẫn đến những trở ngại tâm lý trong quá trình giao tiếp của SV Y3 ĐK khi thực tập lâm sàng. Chúng tôi cũng tổng hợp các nguyên nhân và đưa vào bảng hỏi với mục đích khảo sát ý kiến của SV về vấn đề này. Kết quả thu được như sau:
Bảng 3.6. Nguyên nhân khách quan Nguyên nhân khách quan
1. Sự khác biệt/sự chênh lệch khá lớn về: tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội, trình độ hiểu biết giữa sinh viên và người bệnh.
2. Thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ cũng như sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ về cách giao tiếp … của giáo viên, cán bộ y tế tại cơ sở thực tập
3. Môi trường giao tiếp mới lạ, tình huống giao tiếp có những yếu tố bất ngờ, phức tạp
4. Người bệnh chưa hiểu rõ về mục đích, nhiệm vụ thực tập lâm sàng của sinh viên và chưa hỗ trợ tích cực
5. Sinh viên quá đông, cơ sở thực hành (bệnh viện) đặc biệt các khoa phòng chật chội, đông bệnh nhân
6. Thời gian học về giao tiếp còn ít; nặng về lý thuyết, có được học thực hành song còn mang tính chất khuôn mẫu, chưa thực tế.
Nhận xét:
Nhìn chung, tất cả các nguyên nhân đưa ra đều có tỷ lệ SV lựa chọn rất cao. Hấu hết SV đều cho rằng: Số lượng SV đi thực hành lâm sàng quá đông, khoa phòng chật chội, bệnh nhân đông (92,84% ý kiến), người bệnh chưa hiểu rõ nhiệm vụ học tập lâm sàng của SV (80,82% ý kiến), thiếu sự quản lý chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể trong giao tiếp của thầy cô (74,94% ý kiến), thời
lượng học về giao tiếp còn hạn chế, nặng về lý thuyết (74,36% ý kiến) … là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giao tiếp với người bệnh.