3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
3.3 Mô tả các biến nghiên cứu
3.3.2 Biến độc lập
Bài nghiên cứu này sử dụng 2 biến độc lập chính đại diện cấu trúc quyền sở hữu là tỷ lệ sở hữu tổ chức và tỷ lệ sở hữu của nhà quản lý. Trong phần này chúng tôi sẽ thực hiện định nghĩa các biến độc lập đồng thời chỉ ra cách tính của chúng.
Tỷ lệ sở hữu tổ chức
Là tỷ lệ phần trăm sở hữu của nhà đầu tư tổ chức. Theo Short và cộng sự (2002), Karathanassis và Chrysanthopoulou (2005), tỷ lệ sỡ hữu của nhà đầu tư tổ chức được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm cổ phiếu được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, cổ phiếu quỹ, tổ chức ủy thác sở hữu 5% cổ phần trở lên trong giai đoạn 2008 – 2012. Phân tích thực nghiệm sử dụng biến giả (INST),
biến giả bằng 1 nếu tỷ lệ phần trăm sở hữu tổ chức cao hơn giá trị phần trăm trung bình mẫu và bằng 0 nếu ngược lại.
Tỷ lệ sở hữu quản lý
Theo Short và cộng sự (2002), Karathanassis và Chrysanthopoulou (2005) Harada và Nguyễn (2009), tỷ lệ sở hữu quản lý là tỷ lệ phần trăm cổ phiếu được nắm giữ bởi những cổ đông tham gia quản lý doanh nghiệp hoặc Thành viên Hội Đồng Quản Trị hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Đồng Quản Trị và Ban Giám đốc, cơ chế ra quyết định của Hội Đồng Quản Trị và Ban Giám đốc là khác nhau (Hội Đồng Quản Trị ra quyết định theo biểu quyết còn Ban Giám đốc ra quyết định theo cơ chế thủ trưởng), hơn nữa Thành viên Hội Đồng Quản Trị thường kiêm Ban Giám đốc, tỷ lệ sở hữu của Ban Giám đốc không nằm trong Hội Đồng Quản Trị chiếm tỷ lệ nhỏ, mức độ tác động không cao. Do vậy, trong bài nghiên cứu này, tôi chọn tỷ lệ sở hữu quản lý là tỷ lệ sở hữu của Thành viên Hội Đồng Quản Trị để đánh giá tác động của cấu trúc sở hữu quản lý lên chính sách cổ tức. Phân tích thực nghiệm sử dụng biến giả (MAN), biến giả bằng 1 nếu tỷ lệ phần trăm sở hữu quản lý cao hơn giá trị phần trăm trung bình mẫu và bằng 0 nếu ngược lại.