0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (105 trang)

Tính chọn lọc của lưới chụp mực.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP THOÁT MỰC ỐNG CON CHO LƯỚI CHỤP MỰC Ở VỊNH BẮC BỘ (Trang 56 -56 )

kết quả nghiên cứu

3.5.1. Tính chọn lọc của lưới chụp mực.

Lưới chụp mực là công cụ đánh bắt theo nguyên lý lọc cá, mực khỏi nước bằng cách thả lưới từ trên xuống, nhờ tường lưới có dạng hình nón bao vây lấy đối tượng đánh bắt, sau đó tiến hành cuộn rút giềng chì, thu lưới và cá, mực được giữ lại trong túi lưới. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, lưới có khả năng để cho đối tượng khai thác cá, mực có chu vi mặt cắt ngang lớn nhất của thân nhỏ hơn chu vi mắt lưới có thể thoát ra ngoài. Khả năng cá, mực thoát ra khỏi lưới trong quá trình đánh bắt được gọi là khả năng chọn lọc của lưới. Như vậy, cá, mực thoát ra ngoài lưới càng nhiều thì khả năng chọn lọc của lưới càng cao. Khả năng chọn lọc của lưới chụp mực phụ thuộc vào các yếu tố sau:

3.5.1.1. Kích thước mắt lưới và cá, mực.

Khi cá, mực chui qua mắt lưới, nếu chu vi mắt lưới lớn hơn chu vi mặt cắt ngang lớn nhất của thân cá, mực thì cá, mực sẽ thoát ra khỏi lưới còn nhỏ hơn thì cá mực bị giữ lại trong lưới. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Fones (1957) cho thấy rằng khả năng đó còn phụ thuộc vào xác suất bắt gặp của đối tượng với mắt lưới và sự va chạm giữa các đối tượng với nhau khi chạy thoát. Hiện nay, Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản chưa có qui định kích thước mắt lưới tối thiểu cho lưới chụp mực. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm và thực tiễn đánh bắt của ngư dân cho thấy nếu tăng kích thước mắt lưới của lưới chụp mực thì tỷ lệ mực ống con bị đánh bắt giảm không đánh kể, trong khi đó số cá, mực bị đóng vào mắt lưới rất nhiều làm cho quá trình đánh bắt gặp khó khăn và lưới chóng bị hỏng. Do đó, tăng kích thước mắt lưới để tăng tính chọn lọc cho lưới chụp mực là không khả thi.

3.5.1.2. Tính tích cực của đối tượng khai thác

Đối với lưới chụp mực do không gian lưới khi đánh bắt chật hẹp và thời gian đánh bắt của một mẻ lưới ngắn (từ khi thả lưới đến thu xong lưới) khoảng

từ 12 – 17 phút nên trong thời gian bị giữ lại ở trong lưới các đối tượng cá, mực có phản ứng sợ hãi và tìm cách thoát ra ngoài. Khả năng này tuỳ thuộc vào từng loại đối tượng khác nhau. Khi ở trong không gian của lưới, đối tượng khai thác có thể chui qua mắt lưới để thoát ra ngoài. Quan sát tập tính của mực cho thấy, khi mực có phản ứng chạy trốn hoặc tự vệ thì nó sẽ bơi lùi, còn khi mực chủ động tìm bắt mồi thì bơi tiến.

3.5.1.3. Mức độ phong toả của mắt lưới.

Apriori cho rằng, cá đóng vào mắt lưới sẽ làm ngăn cản việc thoát ra của cá khỏi lưới. Tuy nhiên, trong vấn đề này còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Theo Beverton (1959), cho rằng khả năng chọn lọc của lưới phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt. Năm 1963, Clark rút ra rằng mối quan hệ giữa sản lượng khai thác và tính chọn lọc ngư cụ không thể quan sát được một cách tổng quát.

3.5.1.4. Thời gian lưa giữ cá, mực trong ngư cụ.

Đây là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình chọn lọc của ngư cụ. Bởi lẽ cá, mực bị lưu giữ trong lưới càng lâu thì ý định chạy trốn của chúng càng cao và cơ hội thoát ra ngoài của cá, mực càng nhiều.

3.5.1.5. Thành phần theo kích thước của đàn cá, mực đánh bắt.

Vấn đề này chưa được nghiên cứu nhiều, song có thể nhận định rằng các đàn cá, mực bị lưới đánh bắt ở những thời điểm, vị trí khác nhau do vậy kích thước của đối tượng khai thác cũng khác nhau, điều này sẽ dẫn đến khả năng chọn lọc của ngư cụ cũng khác nhau đối với từng đàn cá, mực đó.

3.5.1.6. Vật liệu để chế tạo ngư cụ.

Các vật liệu làm chỉ lưới khác nhau sẽ có tính dãn dài của chỉ lưới khác nhau. Các yếu tố về độ thô, độ xoắn, độ bền của vật liệu khác nhau do các quá trình gia công khác nhau cũng ảnh hưởng đến tính chọn lọc của ngư cụ. Năm 1949, Jensen cho rằng tính chọn lọc của ngư cụ phụ thuộc vào độ cứng của chỉ lưới.

Từ tài liệu [1] cho thấy rằng tính dãn dài của vật liệu chế tạo ngư cụ có ảnh hưởng đến tính chọn lọc của ngư cụ.

Nhiều quan sát và nghiên cứu cho thấy rằng tính dãn dài của chỉ lưới đánh cá có đường kính như nhau sẽ bị thay đổi phụ thuộc vào đặc tính ban đầu của nguyên liệu. Việc gia công (bện hay xoắn) và kiểu xơ (dài hay ngắn), khi các điều kiện khác như nhau sẽ ảnh hưởng không lớn đến tính dãn dài của chỉ, cũng như thế đối với tính chọn lọc của ngư cụ.

3.5.1.7. Cấu trúc ngư cụ.

Ngư cụ được chế tạo bằng các phương pháp khác nhau sẽ có hình dạng khác nhau và gây ảnh hưởng đến khả năng chọn lọc của chúng.

Các nghiên cứu quốc tế 1959 đã cho kết luận rằng ngư cụ làm bằng lưới không gút có tính chọn lọc thấp hơn lưới có gút. Kết quả nghiên cứu của Denisov (1963,1965) cho thấy lưới có mắt hình 6 cạnh có khả năng chọn lọc cao hơn lưới có mắt hình thoi.

3.5.2. lựa chọn phương pháp thoát mực ống con cho lưới chụp mực.

Từ cấu tạo, nguyên lý làm việc và qui trình thao tác của lưới chụp mực như đã trình bày, khi lựa chọn thiết bị thoát mực cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố đó là:

- không gian phong toả của lưới hẹp.

- Thời gian lưới làm việc trong nước hay nói cách khác thời gian lưu giữ mực trong lưới ngắn.

- Tập tính của mực trong khu vực tác dụng của lưới.

Nghiên cứu các thiết bị thoát cá con và động vật biển, ta có một số nhận xét sau:

Đối với thiết bị cửa sổ mắt lưới vuông:

Loại thiết bị này đơn giản, nhẹ nhàng, hình dạng mắt lưới phù hợp với hình dạng mặt cắt ngang của mực, không làm ảnh hưởng đến tính ổn định của

lưới khi làm việc trong nước. Nên tôi lựa chọn loại thiết bị cửa sổ mắt lưới vuông để thử nghiệm thoát mực ống con cho lưới chụp mực.

Đối với thiét bị BRD bằng dây giềng:

Đối với lưới kéo thời gian làm việc trong nước dài và hình dạng của đụt lưới luôn ổn định nên thiết bị này khi lắp vào đụt lưới kéo cũng sẽ ổn định về hình dạng. Còn đối với lưới chụp mực hình dạng của lưới không ổn định mà luôn thay đổi trong quá trình làm việc dưới nước do đó nếu thiết bị này được áp dụng sẽ tạo ra lỗ trống để các đối tượng đánh bắt thoát ra ngoài một cách tự do mà không có sự chọn lọc.

Đối với thiết bị JTEDs:

Các thiết bị JTEDs hình chữ nhật, JTEDs nửa hình cong, JTEDs thanh cứng đều được chế tạo từ kim loại, hình dạng cố định, trọng lượng lớn nên xuất phát từ cấu trúc và nguyên lý làm việc của lưới chụp mực ta thấy lựa chọn các thiết bị này để giải thoát mực ống con cho lưới chụp mực là không thích hợp vì chúng sẽ làm thay đổi hình dạng của lưới, làm rối lưới và gây trở ngại cho quá trình thao tác lưới.

Tóm lại, qua nghiên cứu các loại thiết bị giảm sản phẩm phụ, cá con và động vật biển nêu trên, nghiên cứu thực tiễn cấu trúc và nguyên lý làm việc của lưới chụp mực, tập tính của đối tượng đánh bắt và điều kiện tự nhiên của vùng biển, tôi lựa chọn loại thiết bị mắt lưới vuông để nghiên cứu thực nghiệm giải thoát mực ống con cho lưới chụp mực ở Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, thiết bị này phải được thiết kế, chế tạo cho phù hợp với lưới chụp mực để khi làm việc không ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt.

3.6. Cấu tạo và lắp đặt thiết bị thoát mực ống con cho lưới chụp mực.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP THOÁT MỰC ỐNG CON CHO LƯỚI CHỤP MỰC Ở VỊNH BẮC BỘ (Trang 56 -56 )

×