Những biện pháp của Nhà nước trong thời gian qua đã đem lại những kết quả nhất định nhưng trên thực tế tình hình biến động của giá vàng vẫn bất ổn, không có tính lâu dài. Sau đây là đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý giá vàng.
3.1. Giải pháp trước mắt
Kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ, làm giá. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế để các tổ chức tín dụng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp, bảo đảm bình ổn thị trường vàng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thị trường đang rất bất ổn. Dự kiến, trong tháng 9-2011, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức lại thị trường vàng, thay thế Nghị định 174 nhằm đáp ứng các mục tiêu do Nghị quyết số 11 đề ra.
Tạo cơ chế cho các tổ chức tín dụng có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp, bảo đảm bình ổn thị trường vàng. Theo tính toán, lượng vàng Ngân hàng Nhà nước có thể huy động trong nhân dân là phong phú, tối thiểu cũng huy động được tương đương số vàng mà người dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, khoảng 130 tấn, tương đương 10 tỉ USD. Điều này sẽ giúp bảo đảm tối đa quyền lợi người dân, bình ổn thị trường, đồng thời, tạo nguồn lực quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đây là các yếu tố bảo đảm cho NHNN can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống đầu cơ lũng đoạn giá vàng.
3.2. Giải pháp lâu dài
Giải pháp lâu dài được đưa ra là nghiên cứu thành lập và cho hoạt động 1-2 sở giao dịch vàng, trên cơ sở xây dựng, ban hành đầy đủ cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động của tổ chức này, đồng thời phân tích rõ những tác động về kinh tế - xã hội của nó ở cả tầm vi mô và vĩ mô.
Dần tự do hóa thị trường vàng để giá tự điều chỉnh theo quy luật cung - cầu ở phạm vi quốc tế nhằm giảm thiểu các áp lực về giá, đồng thời hạn chế những can thiệp tốn kém chi phí từ Chính phủ. Tuy nhiên, giải pháp này phải được tiến hành có lộ trình và song song phải tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý.
Nghiên cứu thiết lập thị trường giao dịch vàng tập trung hoặc phi tập trung (OTC). Giao dịch tập trung có nhiều lợi thế hơn trong điều kiện nền tảng thị trường sơ khai ở Việt Nam, dễ quản lý và bảo đảm tính minh bạch của thị trường.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nên lựa chọn chính sách thiết lập thị trường giao dịch vàng tập trung, đồng thời chuẩn bị cho việc tự do hóa thị trường vàng nội địa.
KẾT LUẬN
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu và ngày càng rộng ở Việt Nam hiện nay, giá vàng trong nước ngày càng gắn với giá vàng thế giới là điều tất yếu khách quan. Do đó đặt ra nhiều vấn đề cho quản lý vàng và từ đó tới việc quản lý đồng tiền quốc gia. Giá vàng quốc tế và trong nước sẽ còn tăng, mặc dù mức tăng có thể sẽ khác nhau tùy thời điểm . Hiện tượng vàng hóa đã xuất hiện ở Việt Nam cùng với ngoại tệ hóa (tiêu biểu là đô la hóa), làm xói mòn giá trị VND, gia tăng vòng quay vốn không qua ngân hàng. Việc quản lý thị trường vàng, vấn đề vàng hóa và USD hóa cần phải được nghiên cứu toàn diện hơn để có chiến lược và chính sách hợp lý. Ngoài việc coi vàng như hàng hóa thông thường, chúng ta cần xem xét vàng trong mối quan hệ với ổn định tiền tệ, tới vấn đề dự trữ ngoại hối. Tình hình biến động của giá vàng ngày càng phức tạp, không thể dự đoán được xu hướng biến động. Nhà nước đã và đang tìm kiếm những giải pháp cho thị trường vàng trong nước.
Trong bản đề án này là những phân tích và tổng hợp từ nhiều nguồn theo quan điểm của cá nhân em. Em cũng xin đưa ra những đề xuất góp phần giúp mọi người có cái nhìn cụ thể hơn về vàng và thị trường vàng của Việt Nam.
Do có nhiều hạn chế về thời gian và năng lực nên bài viết của em không tránh khỏi sự sai sót, em rất mong được sự nhận xét, góp ý, chỉ bảo của các thầy cô giáo.
Cuối cùng em xin chân thành cảm ơn cô giáo – PGS.TS Đoàn Thị Thu Hà đã giúp đỡ và hướng dẫn em đề em có thể hoàn thiện đề tài này!