Lược khảo các nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG của BIẾN đổi KHÍ hậu và PHÂN TÍCH KINH tế một số CHIẾN lược THÍCH ỨNG tại TỈNH bến TRE (Trang 28 - 34)

Tại Việt Nam, Bộ TN&MT đang hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam cập nhật theo lộ trình. Theo PGS.TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, người chủ trì nhóm nghiên cứu xây dựng kịch bản cả 2 phiên bản, năm 2009 và hiện nay, cho biết, một số chỉ số khí hậu có xu hướng gia tăng so với kịch bản 2009 khi được chi tiết hóa cho các vùng.

Theo PGS.TS. Trần Thục, các chỉ số biến đổi khí hậu có xu hướng gia tăng. Mức tăng nhiệt độ dao động trong phạm vi lớn hơn so với kịch bản năm 2009. Chẳng hạn, theo kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt độ trung bình năm có thể tới 3,5oC ở các khu vực nhỏ thuộc Bắc Trung Bộ. Theo kịch bản năm 2009, mức tăng chung cho vùng khí hậu này là 2,8oC vào năm 2100. Tương tự đối với mưa, lượng mưa mùa khô có thể giảm đến 30% vào năm 2100 ở một vài nơi thuộc Nam Bộ, trong khi đó theo phiên bản năm 2009 thì trung bình cho toàn vùng chỉ giảm 18%.

Theo các kịch bản, đến năm 2100, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, thấp nhất ở vùng Móng Cái đến Hòn Dáu. Cụ thể, theo kịch bản phát thải trung bình (B2), nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62 cm đến 82 cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 49 cm đến 65 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 60,3 cm đến 74,2 cm. Còn theo kịch bản phát thải cao (A1FI), ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang mực nước biển dâng từ 85 cm đến 105 cm; khu vực

18

Móng Cái có mức dâng từ 66 cm đến 85 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78,5 cm đến 95,3 cm.

Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m và nếu không có các giải pháp ứng phó, sẽ có khoảng 39% diện tích vùng đồng bằng này có nguy cơ bị ngập và khoảng 35% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ có khoảng 11% diện tích có nguy cơ bị ngập và 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Đối với các tỉnh ven biển miền Trung, khoảng 2,5% tổng diện tích của khu vực có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10% số dân. Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, sẽ có khoảng 20% diện tích bị ngập và 9% số dân bị ảnh hưởng.

Trong báo cáo nghiên cứu: “Tổng quan về nghiên cứu với BĐKH và các hoạt động thích ứng của miền nam Việt Nam” (2009) Lê Anh Tuấn đã lược khảo các kết quả nghiên cứu về BĐKH ảnh hưởng đến Việt Nam và tổng hợp các hoạt động nghiên cứu thích ứng ở miền nam Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 1994) đã xếp Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ tổn thương cao do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiệp định khung về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC, 2003) đã dẫn chứng Thông báo Đầu tiên của Việt Nam về Biến đổi Khí hậu (SRV, MONRE 2003) cho biết trong suốt 30 năm vừa qua, mực nước quan trắc dọc theo bờ biển Việt Nam có dấu hiệu gia tăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính đến năm 2050 mực nước biển sẽ gia tăng thêm 33 cm và đến năm 2100 sẽ tăng thêm 1 mét. Với nguy cơ này, Việt Nam sẽ chịu tổn thất mỗi năm chừng 17 tỉ USD (chiếm 80% tổng sản phẩm nội địa GDP). Nhiều nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng - Thuỷ văn và Môi trường. Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đều có những nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Reiner và các cộng sự (2004) đã công bố một nghiên cứu trên mô hình toán thuỷ lực để phỏng đoán các diễn biến ngập lũ ở Đồng bằng sông Mekong trong thời đoạn tháng 8 đến tháng 11 với kịch bản mực nước biển dâng 20 cm và 50 cm. Kết

19

quả cho thấy đường đồng mức ngập lũ sẽ mở rộng tương ứng với mức nước dâng 20 cm và 50 cm sẽ là 25 km và 50 km về phía hạ lưu. Ở giai đoạn đầu của lũ (tháng 8), mực nước trung bình vùng Đồng bằng sẽ gia tăng thêm 14,1 cm (khi nước biển dâng 20 cm) và 32,2 cm (khi nước biển dâng 50 cm). Đến kỳ đỉnh lũ (tháng 10), mức gia tăng mức ngập tương ứng này sẽ là 11,9 cm và 27,4 cm.

Nicholls và Lowe (2006) tính rằng khi mực nước biển dâng cao 40 cm, số nạn nhân của lũ trên thế giới hiện nay là 13 triệu người sẽ tăng lên 94 triệu người. Khoảng 20% trong số họ sống ở vùng Đông Nam Á, trong đó vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc - UNDP (2007) đánh giá: “khi nước biển tăng lên 1 mét, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người dân mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp (tương đương 5 triệu tấn lúa và 10% thu nhập quốc nội). ĐBSCL sẽ có khoảng 2 triệu ha nằm dưới mực nước biển”.

Dasgupta và các cộng sự (2007) đã công bố một nghiên cứu chính sách do Ngân hàng Thế giới (WB) xuất bản đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng cao nhất do biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, hai đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nhất. Khi nước biển dâng cao 1 mét, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng. Rủi ro ở ĐBSCL, bao gồm cả hạn hán và lũ lụt, sẽ gia tăng với các trận mưa có cường độ cao và các ngày hạn kéo dài (Peter và Greet, 2008). Hanh và Furukawa (2007) dựa vào những ghi nhận ở trạm đo thuỷ triều ở Việt Nam để kết luận về những bằng chứng của sự dâng lên của mực nước biển: trung bình mỗi năm mực nước biển ở Việt Nam đã tăng trong khoảng 1,75 – 2,56 mm/năm.

Trong báo cáo nghiên cứu “tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai và giải pháp ứng phó cho khu vực TPHCM”của PGS.TS. Lê Mạnh Hùng (2009) chỉ ra rằng biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ trung bình những năm qua tại TPHCM tăng lên 0,80C, lượng mưa tăng và diễn biến bất thường theo không gian và thời gian,

20

hạn hán xảy ra cực đoan, triều cường và mực nước biển dâng cao dẫn đến nhiều vùng bị ngập lụt, nước mặn xâm nhập tiến sâu vào nội đồng v.v…Hậu quả của biến đổi khí hậu là những thảm họa khó lường mà loài người phải đối mặt.

Qua một số điều tra, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên sinh kế của các hộ nông dân (qua hơn 250 cuộc phỏng vấn điều tra, thảo luận) của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho thấy trong khoảng 5-10 năm qua, thời tiết ở khu vực biến đổi khá bất thường và gây nhiều thiệt hại đến cuộc sống và thành quả sản xuất của người dân. Nhóm đối tượng bị nhiều tổn thương nhất là người nghèo, trẻ con, người già, người khuyết tật và phụ nữ. Các bệnh tật liên quan đến thời tiết chiếm vị trí hàng đầu trong thống kê bệnh tật. Các hộ nghèo, buôn bán nhỏ, ruộng đất ít, thiếu vốn chịu nhiều tổn thất do yếu tố khí hậu.

Trong báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long” tại hội thảo Biến đổi khí hậu: Tác động, Thích ứng và Chính sách trong nông nghiệp tổ chức tại Quảng Trị tháng 4 năm 2011, TS. Lê Anh Tuấn đã chỉ ra biến đổi khí hậu gây nhiều tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực thế giới. Mặc khác, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến nghề cá ở Việt Nam, đặc biệt là nghề cá có quy mô nhỏ ven bờ. Nước biển dâng gây tổn hại đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, làm cho xâm nhập mặn xảy ra trầm trọng hơn gây thiệt hại vô cùng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ ven bờ, nhất là nuôi quản canh. Lượng mưa thay đổi, nhiệt độ thay đổi cũng gây thiệt hại nặng nề đến năng suất nuôi tôm (Cao Lệ Quyên, 2011). Báo cáo này còn cho biết các sản lượng đánh bắt thủy sản đánh bắt ven bờ biển miền Trung suy giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng tác động đến hoạt động chăn nuôi ở Việt Nam (Lê Thị Hoa Sen & ctg, 2011).

Hoạt động lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng đã được nghiên cứu, áp dụng khá thành công trong các hoạt động của trường học, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã tại tỉnh Quảng Trị dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần Lan. Nghiên cứu này mở ra một hướng

21

mới trong việc nghiên cứu đánh giá tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Lâm Thị Thu Sử và cộng sự (2010) đã công bố kết quả nghiên cứu với đề tài: “Thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đề tài đã nêu được: (1) Các đặc điểm địa lý, kinh tế xã hội, sử dụng và quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông Hương; (2) Đưa ra các phương pháp nghiên cứu dựa vào cộng đồng (PRA, RRA, thảo luận nhóm tập trung…); (3) Một số kết quả nghiên cứu về nhận thức của người dân về BĐKH, sự thích ứng với BĐKH ở hiện tại và tương lai, các tác động có thể xảy ra do BĐKH, sử dụng và quản lý tài nguyên nước. Các kết quả nghiên cứu được thực hiện ở 3 vùng địa hình khác nhau của lưu vực sông Hương là: xã Hương Lộc - huyện Nam Đông, phường Thủy Biều - thành phố Huế và xã Hải Dương - huyện Hương Trà.

Tại cuộc hội thảo lần thứ nhất của “Dự án trình diễn chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu ở hạ lưu sông Mê Kông kinh nghiệm và bài học chia sẻ” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 21-22 tháng 7 năm 2011, Tiến sĩ Trương Hồng Tiến và các cộng sự tại Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã báo cáo nghiên cứu “Đánh giá những tác động của Biến đổi khí hậu ở tỉnh Kiên Giang, Đồng bằng Sông Mêkông, Việt Nam”. Trong bài báo cáo này, một nghiên cứu toàn diện về nguy cơ biến đổi khí hậu và đánh giá tổn thương ở tỉnh Kiên Giang được trình bày. Khung hỗ trợ quyết định (The Decision Support Framework - DSF) của Ủy ban Sông Mê Kông được sử dụng để mô hình các kịch bản trong tương lai ở tỉnh Kiên Giang, có tính đến biến đổi khí hậu và điều kiện phát triển thượng nguồn. Nghiên cứu “Phương pháp đánh giá tổn thương do sự tác động của biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại Bến Tre” đã được báo cáo bởi Bùi Kim Hữu (tổ chức Oxfam) trong hội nghị này. Hiện tại, Oxfam đang thực thi một dự án nhỏ trong bốn xã ở huyện Bình Đại và Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Với đề tài nghiên cứu “Kế hoạch hành động dựa vào cộng đồng với điều kiện biến đổi khí hậu ở xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang” Tô Quang Toản và các cộng sự tại Viện nghiên cứu thủy lợi Miền Nam đã báo cáo kết quả điều tra về kiến thức của người dân ở xã Bình Giang về những thay

22

đổi của điều kiện khí hậu tại khu vực họ sinh sống; thông tin mà họ nhận được về biến đổi khí hậu; đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu tại Bình Giang; và bước đầu đề xuất kế hoạch hành động của Bình Giang dựa vào cộng đồng để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều đề tài nghiên cứu về biến đổi khí hậu được thực hiện dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Nổi bật là dự án “Đẩy mạnh khả năng thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu lên nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ và nguồn lợi thủy sản ở khu vực Nam và Đông Nam Á”. Dự án được triển khai ở bốn quốc gia: Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka. Dự án được triển khai trong 3 năm (2009-2012) với kinh phí tài trợ từ Cơ quan hợp tác phát triển Nauy (NORAD) và điều phối bởi NACA. Các đơn vị tham gia thực hiện: Akvaplan-niva ÅS - Viện Nghiên cứu về Địa cực Nauy; Bioforsk - Viện Nghiên cứu Môi trường và Nông nghiệp Nauy; Khoa Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp, Trường đại học Kasetsart (KU), Bangkok; Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á; Văn phòng vùng Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức lương thực (FAO); Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thuỷ sản châu Á - Thái Bình Dương (NACA) và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở những nước mà dự án thực hiện. Tại Việt Nam, NACA đã ký hợp đồng với Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II để thực hiện 2 trường hợp nghiên cứu sự tác động của biến đổi khí hậu lên nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ là cá da trơn và tôm sú. Dự án thực hiện từ tháng 3 năm 2009 đến tháng 3 năm 2012.

Bên cạnh đó, dự án nghiên cứu “Những tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá tổn thương, phân tích kinh tế và chính sách những chiến lược thích ứng ở những vùng ven biển được chọn ở Indonesia, Philippines và Việt Nam” được tài trợ bởi Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), thực hiện trong giai đoạn 7/2011 đến 3/2012 đang được điều phối bởi Trung tâm nghề cá thế giới (the Worldfish Center) và Khoa Kinh tế trường Đại học LOS BAÑOS Philippines. Kết quả của nghiên cứu này hy vọng sẽ có nhiều đóng góp cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

23

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG của BIẾN đổi KHÍ hậu và PHÂN TÍCH KINH tế một số CHIẾN lược THÍCH ỨNG tại TỈNH bến TRE (Trang 28 - 34)