6. NỘI DUNG VÀ KẾT CẤU ĐỀ TÀI
3.2. VỀ PHÍA DOANH NGHIỆP
+ Định giá doanh nghiệp chính xác và hiệu quả:
Để chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần phải tiến hành việc xác định giá trị doanh nghiệp. Xác định giá trị doanh nghiệp không phải là công việc mang tính kỹ thuật nghiệp vụ thuần tuý, mà còn mang ý nghĩa kinh tế, xã hội trọng yếu, vì nó liên quan đến việc bảo toàn vốn của Nhà nước, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và khả năng đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần tương lai.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, hiện nay phải căn cứ theo nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và thông tư hướng dẫn 126/2004/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghị định 187/2004/NĐ-CP đã cho phép các doanh nghiệp tùy theo đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh được áp dụng các phương pháp khác nhau để xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước cổ phần theo hướng dẫn của Bộ tài chính, có hai phương pháp xác định đó là:
+ Phương pháp tài sản
+ Phương pháp dòng tiền chiết khấu
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các việc xác định giá trị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới sử dụng phương pháp tài sản. Song do thiếu thốn thông tin về thị trường để xác định giá trị còn lại của nhà xưởng, máy móc, chưa có tiêu chuẩn cụ thể đánh giá thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp nên chưa tính hết được giá trị tiềm ẩn của doanh nghiệp. Trong khi đó phương pháp dòng tiền chiết khấu ưu việt hơn lại chưa áp dụng rộng rãi, một phần do tâm lí doanh nghiệp không muốn giá trị doanh nghiệp được đánh giá cao sẽ khó bán cổ phần, bất lợi trong việc phân chia cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp.
Ở nước ta nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng hiện nay hoạt động thẩm định giá và xác định giá trị doanh nghiệp còn tương đối mới mẻ vì thế cơ sở dữ liệu và thông tin thị trường về hoạt động này chưa thiết lập một cách đầy đủ và có hệ thống. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước tỉnh Nam Định khi tiến hành cổ phần
hóa thì việc xác định giá trị doanh nghiệp áp dụng cơ chế hội đồng không tránh khỏi bị ảnh hưởng tính chủ quan của cơ quan quản lí, nên kết quả thiếu chính xác, chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng của kết quả xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, cần phải xoá bỏ việc xác định giá trị doanh nghiệp theo cơ chế hội đồng. Các doanh nghiệp cần thiết phải thuê các tổ chức định giá để xác định giá trị doanh nghiệp.
+ Đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ:
Các doanh nghiệp cần phải giải quyết các khoản nợ phải thu, phải trả trước khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Để giải quyết các khoản nợ doanh nghiệp nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Nhà nước cũng đã chỉ đạo theo hướng dẫn tại Thông tư.
- Đối với các khoản phải thu: Nếu là các khoản nợ khó đòi do nguyên nhân chủ quan của các doanh nghiệp đã được quy trách nhiệm cá nhân hoặc tập thể thì phải cương quyết xử lí bồi thường vật chất. Phần tổn thất còn lại sau khi đã xử lí trách nhiệm, doanh nghiệp tự quyết định hoạch toán các khoản nợ khó đòi do nguyên nhân khách quan, mà có đủ chứng cứ xác định là không đòi được: con nợ bỏ trốn, giải thể hoặc phá sản,… thì doanh nghiệp cũng được quỹ dự phòng bù đắp thêm, hạch toán vào kết quả kinh doanh (nếu có lãi). Sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp vẫn cần phải có trách nhiệm theo dõi, thu hồi các khoản nợ đã được xử lí theo quy định và nộp vào quỹ hỗ trợ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
- Đối với các khoản nợ phải trả: Do bất kì nguyên nhân nào, nếu là các khoản nợ ngân sách thì coi như vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thể hiện chuyển đổi sở hữu theo chế độ hiện hành. Nếu là nợ vay ngân hàng thì phải dùng tiền thu được do chuyển đổi sở hữu để trả nợ ngân hàng. Nếu các khoản nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì dùng tiền thu được do chuyển đổi sở hữu sau khi trả nợ vay để chi trả. Nếu là các khoản nợ nước ngoài mà doanh nghiệp vay vốn có bảo lãnh thì tổ chức bảo lãnh chủ động đàm phán với chủ nợ nước ngoài để xin giảm nợ và phải có kế hoạch cùng với doanh nghiệp tìm nguồn vốn trả nợ nước
ngoài. Đối với các khoản nợ các đối tác là các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thì có kế hoạch chuyển thành giá trị cổ phần để chủ nợ tham gia cổ phần và trở thành cổ đông của toàn doanh nghiệp.
- Tăng cường quản lí và sử dụng có hiệu quả quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được chính phủ thành lập để hỗ trợ các vấn đề tài chính, đặc biệt là xử lí các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, góp phần tháo gỡ và thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cần phải xác định rõ mục tiêu sử dụng các quỹ này là tập trung xử lí việc trả nợ của các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa chứ không đặt mục tiêu bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa. Ngoài ra có thể nghiên cứu lập thêm các quỹ hỗ trợ đầu tư thích hợp để đa dạng hoá hình thức và kênh hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa.
- Thị trường hoá các khoản nợ: Thời gian vừa qua ở nước ta các khoản nợ chính thức được mua bán chưa nhiều, mặc dù pháp lệnh thương phiếu ra đời là cơ sở pháp lí quan trọng góp phần thị trường hoá và giải quyết các khoản nợ một cách có hiệu quả. Đồng thời, việc hình thành các công ty mua bán nợ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương phiếu và các nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu.
+ Công khai và làm trong sạch tài chính :
Vấn đề tài chính là vấn đề nhạy cảm trong doanh nghiệp, khi cổ phần hóa thì việc công khai tài chính là rất quan trọng nó sẽ giúp cho doanh nghiệp có độ tin cậy đối với người lao động, đối với các thành phần có ý định đầu tư vào doanh nghiệp.Và vấn đề đặt ra là làm sao để công khai tài chính được trung thực và chính xác, tạo niềm tin cho các đối tác có quan tâm đến doanh nghiệp?
Hoạt động kiểm toán là thực sự cần thiết, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, niêm yết và phát hành cổ phiếu tại thị trường chứng khoán. Nhiều chuyên gia đã khẳng định: “Cũng là cổ phiếu của một doanh nghiệp
cổ phần, nếu báo cáo tài chính được kiểm toán viên có uy tín và danh tiếng kiểm tra và xác nhận thì giá trị cổ phiếu có thể tăng lên một cách tương đối và tuyệt đối”.
Trước năm 1998, hoạt động kiểm toán là bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa, nhưng sau một thời gian thực hiện, do các doanh nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của loại hình dịch vụ này, lo lắng về chi phí và sợ mất thời gian, sợ xác định thấp giá trị doanh nghiệp nên đã không mời kiểm toán. Kết quả là trong nghị định 44/CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, Chính phủ đã không bắt buộc các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện kiểm toán. Như vậy, điều cam go nhất đối với tiến trình cổ phần hóa là việc xác định giá trị thực của các doanh nghiệp cổ phần hóa. Vấn đề này có liên quan đến vai trò của các công ty kiểm toán.
Có thể nói, để thực hiện tốt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp không nên quá tính toán thiệt hơn. Trên thực tế, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá trị khi bán có người mua, có người không muốn mua. Giá trị cổ phiếu phù hợp với thị trường sẽ giúp cho tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhanh hơn. Giá trị hợp lý của doanh nghiệp cổ phần hóa do kiểm toán viên độc lập xác định thường thấp hơn giá trị thị trường một chút nên dễ bán cổ phiếu hơn. Mất một khoản chi phí kiểm toán nhưng chúng ta thu được cái lãi lớn hơn là thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước là cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước vốn đang kém hiệu quả.
Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do cơ quan nhà nước thành lập và đầu tư vốn. Do đó khi thực hiện cổ phần hóa, cơ quan nhà nước thường thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp làm cơ sở phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp thường dựa vào số liệu sổ sách kế toán – là số liệu có thể còn rất nhỏ hoặc rất lớn so với giá trị thực tế của tài sản. Cơ quan Nhà nước thường là người bán tài sản nếu phát hành cổ phiếu ra ngoài, hoặc lại là người mua tài sản nếu cổ phiếu không phát hành ra ngoài. Do đó giá trị doanh nghiệp cổ phần để được xác định quá cao nếu bán ra ngoài, hoặc quá thấp nếu không bán ra ngoài. Giá trị thật
của doanh nghiệp chỉ được xác định đúng khi cổ phiếu thực sự bán công khai, có người muốn mua, có người không muốn mua.
Khi đó vai trò của các công ty kiểm toán độc lập là rất cần thiết. Bởi lẽ kiểm toán độc lập là tổ chức thực sự độc lập với doanh nghiệp cổ phần, không có quan hệ ruột thịt với người lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần nếu có điều kiện xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp hơn, khách quan hơn, gần sát hơn với giá trị thi trường của doanh nghiệp. Ngoài ra, kiểm toán độc lập còn phải chịu trách nhiệm vât chất với cổ đông bị thiệt hại do mua cổ phiếu quá đắt, nếu đó là lỗi của kiểm toán viên xác định giá trị cổ phiếu sai, hoặc chịu trách nhiệm vật chất với doanh nghiệp có phần bị thiệt hại nếu cổ phiếu quá rẻ. Để được nhận một khoản phí phù hợp (thông thường từ 15 – 20 triệu đồng cho một công ty vừa và nhỏ) và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, kiểm toán viên độc lập phải thực sự độc lập, khách quan khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Ngoài ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính của doanh nghiệp cổ phần phải thông qua đại hội đồng cổ đông và thực hiện công khai tài chính. Nhằm loại bỏ mọi yếu tố chủ quan của kế toán và người quản lý doanh nghiệp cổ phần thì việc kiểm toán độc lập báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp cổ phần thực sự là cần thiết. Báo cáo tài chính năm là cơ sở quyết toán nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước và thực hiện trích lập quỹ dự phòng, quỹ xí nghiệp và ăn chia lợi tức với cổ đông. Do đó báo cáo tài chính phải vươn đến mức phản ánh đúng thực trạng tài sản và kết quả kinh doanh thực của doanh nghiệp cổ phần. Điều đó cũng chỉ có thể đạt được khi thực hiện kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính được thực hiện bởi các kiểm toán viên và công ty kiểm toán thực sự có uy tín.
Hơn nữa, khi báo cáo tài chính của công ty cổ phần luôn luôn được kiểm toán và xác nhận sẽ giúp cho chính hội đồng cổ đông yên tâm, tin tưởng khi phát hành thêm cổ phiếu, hoặc người đầu tư cổ phiếu cũng yên tâm khi mua bán cổ phiếu. Bằng cách đó, kiểm toán độc lập đã trở thành công cụ quản lý có hiệu quả của doanh nghiệp cổ phần và của nhà đầu tư.
+ Kêu gọi thêm vốn đầu tư:
Các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa cần vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và ngoài ra các doanh nghiệp cũng nên tìm cách thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp để doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh và cố gắng làm thế nào để đưa cổ phiếu của doanh nghiệp lên sàn giao dịch thị trường chứng khoán.
+ Tập huấn cho cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp:
Trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu đang là cản trở lớn nhất đối với khả năng cạnh tranh và quá trình hội nhập của doanh nghiệp. Vì vậy khi doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị chuyển sang cổ phần hóa thì doanh nghiệp nên có kế hoạch cho cán bộ quản lý cũng như người lao động trong doanh nghiệp tập huấn, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề và nắm rõ hơn nữa luật doanh nghiệp. Biết được quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa.
+ Giải quyết vấn đề dư thừa lao động:
Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì vấn đề nổi cộm được đặt ra khi nói đến người lao động là vấn đề lao động dôi dư? Những món nợ bằng tiền dù sao cũng dễ giải quyết hơn gánh nặng thừa lao động. Nhiều doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đang phải gánh một lực lượng lao động khổng lồ để rồi chết dần chết mòn. Hiện tượng các công ty có công nhân mỗi người chỉ làm việc một vài tuần trong mỗi tháng không phải là cá biệt.
Lao động dôi dư là một vấn đề nam giải ngay cả với các doanh nghiệp đã hoặc đang thực hiện các hình thức chuyển đổi sở hữu như công ty cổ phần. Lý do chủ yếu là từ thời bao cấp, trong các doanh nghiệp nhà nước giám đốc doanh nghiệp được tự chủ trong việc tuyển dụng lao động, không có quy định khống chế định mức, dẫn đến tình trạng giám đốc tuyển dụng quá nhiều lao động so với nhu cầu sản xuất. Hậu quả là khi các doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại đều có một bộ phận người lao động không đáp ứng được yêu cầu và trở thành lao động dôi dư. Trong khi quy định hiện hành (Điều 31 Bộ luật Lao Động) trường hợp doanh nghiệp
chuyển quyền sở hữu, thì người sử dụng lao động kế tiếp vẫn phải thực hiện hợp đồng với tất cả lao động của doanh nghiệp. Như vậy, vô tình điều 31 của Bộ luật đã trở thành vật cản của quá trình cải cách đổi mới doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đối với đại diện hợp động lao động không xác định thời hạn: từ 55 đến 60 tuổi (nam) và 50 đến 55 tuổi (nữ), đóng bảo hiểm đủ 20 năm trở lên sẽ không bị trừ phần trăm do việc nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra còn được hưởng thêm 2 khoản trợ cấp: mỗi năm nghỉ trước được trợ cấp 3 tháng lương (theo cấp bậc, chức vụ, và phụ cấp lương đang hưởng); 20 năm đầu công tác có đóng BHXH được trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương, từ năm thứ 21 trở lên mỗi năm công tác được trợ cấp 1/2 tháng lương.
Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu dưới 1 năm thì doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH cho những tháng còn thiếu, với mức 15% lương tháng để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng.
Đối tượng còn lại sẽ được hưởng các chế độ sau:
- Ngoài trợ cấp mất việc làm (mỗi năm 1 tháng lương) còn được thêm 2 khoản: mỗi năm làm việc được trợ cấp 1 tháng lương và được trợ cấp 5 triệu đồng (không tính thời gian làm việc nhiều hay ít).
- Được hưởng 6 tháng lương để tìm việc mới. Ngoài ra, nếu còn có nguyện