Làm chủ bản thân là khi bạn quyết định hành động – hoặc không hành động. Nó phụ thuộc vào sự tự nhận thức của bạn và là yếu tố thứ hai trong năng lực cá nhân. Làm chủ bản thân là khả năng vận dụng nhận thức về cảm xúc của chính bạn để luôn linh hoạt và hành động đúng đắn. Nó còn có nghĩa là khả năng kiểm soát được những phản ứng cảm tính của bạn trước những trường hợp và con người cụ thể. Một số cảm xúc gây ra nỗi sợ hãi khiến bạn tê liệt và mụ mị đến mức không biết làm gì cho phải – giả sử bạn có thể làm được một điều gì đó. Trong những trường hợp như vậy, kỹ năng làm chủ bản thân thể hiện qua khả năng chấp nhận cảm giác mơ hồ, trong lúc tìm hiểu cảm xúc và những phương án hành động của mình. Một khi bạn hiểu và tạo dựng cảm giác thoải mái với những cảm xúc của mình, bạn sẽ tự biết hành động nào là phù hợp nhất.
Tạm gác sang một bên những nhu cầu tức thời để theo đuổi mục tiêu lớn lao và quan trọng hơn sẽ mang lại kết quả đáng kể.
Làm chủ bản thân không đơn thuần là chống lại cảm xúc bộc phát và cư xử khó hiểu. Thách thức lớn nhất mà người ta phải đối mặt là làm chủ khuynh hướng của mình qua thời gian và áp dụng những kỹ năng này vào những tình huống khác nhau. Những cơ hội làm chủ bản thân rõ ràng và ngắn ngủi (ví dụ, “Tôi bực con chó đáng ghét này quá đi mất!”) là những lúc dễ dàng nhất để bạn nhận ra và làm chủ cảm xúc. Tạm gác sang một bên những nhu cầu tức thời để theo đuổi mục tiêu lớn lao và quan trọng hơn sẽ mang lại kết quả đáng kể. Việc nhận ra những mục tiêu đó thường gặp trở ngại, có nghĩa là lòng quyết tâm làm chủ bản thân của bạn sẽ bị thử thách nhiều lần. Những người làm chủ bản thân giỏi nhất là những người có thể nhìn thấu đáo mọi chuyện mà không cần phải quá trấn áp nó. Thành công chỉ đến với những ai có thể tạm gác nhu cầu của mình sang một bên và không ngừng kiểm soát khuynh hướng tự nhiên.