Tất cả chúng ta đều có những ngòi nổ – điểm kích, hay bạn gọi sao cũng được – và một khi bị điểm huyệt, chúng ta chỉ muốn hét lên vì bực bội, khó chịu. Giả sử bạn có một cô đồng nghiệp lúc nào trông cũng như sắp lên sàn diễn. Cô nàng bước vào phòng họp với vẻ ngoài lộng lẫy và chói lọi, cô nàng thu hút sự chú ý của tất cả mọi người trong phòng và trở thành trung tâm của buổi họp. Giọng cô cứ lanh lảnh và ý kiến đóng góp của cô trong cuộc họp luôn dài lê thê, như thể cô thích nghe mình nói nhất trên đời.
Nếu phong cách làm việc của bạn bình thường như bao người khác, thì một người như thế thật sự sẽ khiến bạn rất khó chịu. Trong khi bạn đến tham dự buổi họp với nhiều ý tưởng hay và sẵn sàng ngồi vào bàn, đi thẳng vào vấn đề, thì một “nữ hoàng sân khấu” như thế chỉ khiến bạn đi từ nỗi thất vọng này đến cơn phẫn nộ khác. Ngay cả khi bạn không thuộc loại người hay phun ra những lời nhận xét cay độc hoặc ăn miếng trả miếng, thì ngôn ngữ cơ thể vẫn tố cáo bạn, hoặc trong lúc lái xe về nhà, lòng bạn vẫn chưa nguôi giận.
Nhận thức được ai thường khiến bạn tức giận và họ làm được điều đó bằng cách nào là rất cần thiết trong việc phát triển khả năng kiểm soát tình huống, giữ gìn tác phong và tự trấn tĩnh. Để áp dụng phương pháp này, bạn không thể nghĩ về mọi việc một cách chung chung. Bạn cần khoanh vùng những đối tượng và trường hợp cụ thể mà bạn biết là sẽ kích thích những cảm xúc trong lòng bạn. Những ngòi nổ của bạn có thể chịu tác động bởi
rất nhiều dạng người và trong nhiều tình huống khác nhau. Đó có thể là một dạng người nhất định (như nữ hoàng sân khấu), một tình huống cụ thể (như cảm giác sợ hãi hoặc mất cảnh giác), trong điều kiện môi trường cụ thể (văn phòng làm việc ồn ào). Việc xác định được ai và tình huống nào khiến bạn nổi khùng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn một chút, vì chúng sẽ không đến quá bất ngờ nữa.
Bạn có thể phát triển mạnh kỹ năng tự nhận thức bằng cách khám phá nguồn cơn của những ngòi nổ cảm xúc ấy. Đó là, tại sao những sự việc và con người ấy lại khiến bạn bực bội đến thế, trong khi thiếu gì những tình huống và đối tượng khác, phiền hà không kém, lại chẳng hề khiến bạn bận tâm? Có thể những cô nàng đỏng đảnh kia nhắc bạn nhớ lại người chị gái vốn chiếm được cảm tình của cả nhà khi bạn còn bé. Suốt bao năm bạn sống trong cái bóng của chị ấy, và thề với lòng sẽ không bao giờ để chuyện tương tự xảy ra. Giờ đây, bạn ngồi cùng bản sao của người chị đó trong mọi buổi họp. Chẳng trách cô ta luôn châm ngòi cho cảm xúc bạn bùng nổ.
Hiểu được tại sao ngòi nổ cảm xúc của bạn lại như vậy sẽ mở ra cho bạn những cánh cửa giúp bạn làm chủ tốt hơn những phản ứng của mình đối với những tác nhân kích thích đó. Một khi đã biết rõ điều đó thì nhiệm vụ bây giờ của bạn trở nên khá đơn giản – tìm ra những tác nhân châm ngòi cảm xúc của bạn và ghi lại thành một danh sách. Nhận thức được những gì khiến bạn bực mình sẽ rất cần thiết cho các kỹ năng làm chủ bản thân và làm chủ mối quan hệ được trình bày ở phần sau của quyển sách này.