Các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống của bạn không ngừng tăng thêm. Cứ mỗi khi khả năng chịu đựng căng thẳng của bạn tăng thêm một chút, thì bạn – hoặc những người quanh bạn – tiếp tục dồn ép cho đến khi khả năng chịu đựng của bạn tăng thêm chút nữa. Mọi phương tiện kỹ thuật cao giúp giải tỏa căng thẳng cũng không giúp được gì nhiều. Nếu có đi nữa, dường như chúng chỉ khiến cuộc sống của bạn hối hả hơn mà thôi. Nếu bạn cũng giống đa số những người khác, bạn chắc hẳn sẽ nhận ra một số dấu hiệu xuất hiện khi những căng thẳng vẫn chưa rõ ràng lắm. Câu hỏi đặt ra là: bạn có lưu tâm đến những dấu hiệu cảnh báo đó không?
Học cách nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của sự căng thẳng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Đầu óc và cơ thể con người – ít nhất là khi chịu áp lực – luôn có cách lên tiếng của riêng chúng. Bằng những phản ứng cảm xúc và sinh lý học, chúng cho bạn biết đã đến lúc phải sống chậm lại và nghỉ ngơi. Ví dụ, đau bao tử có thể là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng thần kinh và lo lắng quá sức chịu đựng của cơ thể. Chứng khó tiêu và mệt mỏi đi kèm là cách cơ thể cho biết nó cần được nghỉ ngơi. Đối với bạn, sự căng thẳng cao độ và những lo âu triền miên có thể gây nên những cơn đau bao tử, trong khi với người khác những dấu hiệu về mặt thể chất lại có thể là đầu đau như búa bổ, viêm loét miệng hoặc mỏi lưng. Khả năng tự nhận thức khi bản thân gặp áp lực có thể xem như cái tai thứ ba để bạn nghe cơ thể mình kêu cứu. Cơ thể sẽ lên tiếng khi bạn ép nó làm việc quá mức. Hãy dành thời gian để nhận ra những dấu hiệu này và tái tạo năng lượng cảm xúc trước khi sự căng thẳng triền miên gây ra những tổn thương không thể phục hồi trong cơ thể bạn.