5. Phương pháp nghiên cứu
3.2. Quan niệm bi kịch "sắm vai" và thế giới nhân vật bi kịch xã hội trong truyện
3.2.1. Nhân vật bi kịch mưu sinh
Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được tầm nhìn của một nhà văn viết vì cuộc đời và tái hiện cuộc đời. Quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh của Nguyễn Minh Châu cũng là tiếng lòng chung của bao nhà văn. Dù xuất phát điểm từ thời kì nào của dòng chảy văn học, các nhà văn đều đem đến địa hạt văn chương những giá trị nhân văn cao quý. Họ viết lên trang giấy tiếng kêu khóc của kiếp người bé nhỏ, tội nghiệp và cất cao tiếng hát về niềm tin vào tương lai tươi sáng. Giá trị nhân đạo luôn bừng nở trong các tác phẩm của họ thông qua ba bình diện chính: tấm lòng thương xót với nỗi đau nhân dân; ca ngợi vẻ đẹp bình dị mà vĩ đại trong những con người thấp cổ bé họng để từ đó đặt vào họ điểm nhìn lạc quan, giàu niềm tin và nghị lực sống; và cuối cùng là tiếng nói tố cáo đanh thép đối với những thế lực đã khiến con người rơi vào kiếp lầm than. Nguyễn Minh Châu đa phần chỉ dừng ở hai bình diện đầu. Nói cách khác, Nguyễn Minh Châu không mượn văn chương chủ yếu để tố cáo thế lực nào cụ thể. Ông chỉ tập trung miêu tả những kiếp người bé nhỏ, tội nghiệp và nói thay họ tiếng lòng của niềm tin và sự lạc quan. Tuy nhiên, chính việc miêu tả nỗi đau của họ, tác giả đã phần nào khắc hoạ bi kịch của con người trong cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền và nổi bật nhất là bi kịch cái nghèo. Nhà văn
đã tập trung vào phân tích nỗi đau trong tâm khảm của nhân vật bi kịch, để từ đó, ông viết về những cuộc đời con người bé nhỏ, tội nghiệp nhưng lại lấp lánh vẻ đẹp của nhân cách, khát khao sống chân thành và hi vọng sống mãnh liệt cũng như niềm tin vào cuộc sống.
Dựa vào khái niệm nhân vật bi kịch, kiểu nhân vật mang bi kịch mưu sinh cũng là các nhân vật có mơ ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng thực tế thì ngược lại, họ phải sống khổ sở, đói rách và bần cùng. Bắt đầu của câu chuyện luôn là những người trẻ với nhiều dự định, lý tưởng sống cao đẹp, mơ ước đến miền đất đầy hứa hẹn phía trước. Nhưng dường như càng đi tìm thì họ càng trở nên mỏi mệt vì hành trình ấy là vô vọng, viễn tưởng do thực tại xã hội quá nghiệt ngã. Kết cục, họ lâm vào hoàn cảnh bế tắc, bi kịch do gánh nặng cơm áo gạo tiền, do sức nặng và áp lực của việc mưu sinh.
Được đánh giá là cây bút của những số phận bi kịch, Nguyễn Minh Châu xây dựng hình tượng con người trong các tác phẩm phần lớn là những con người dù cơ hàn, thua thiệt, nhiều bi kịch những vẫn kiên trì giữ vững cái thiện, đề cao cái tâm, ứng xử bằng tấm lòng. Nguyễn Minh Châu luôn có ý thức tìm tòi, phát hiện và khẳng định những đức tính cao đẹp trong tâm hồn mỗi con người. Mỗi hình tượng nhân vật ra đời lại đánh dấu một phần cuộc đời của tác giả vì Nguyễn Minh Châu luôn sử dụng hiện thực cuộc sống và những va vấp, trải nghiệm trong cuộc đời làm chất liệu cho văn học. Hình tượng nhân vật bi kịch mưu sinh dù cơ cực, nghèo đói, khốn cùng, bế tắc đến đâu nhưng vẫn luôn hướng thiện, cháy bỏng ước mong có được cuộc sống tốt đẹp như người vợ đáng thương trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Ngay từ ngoại hình nhân vật, tác giả đã thể hiện những đường nét miêu tả, dáng vẻ, cử chỉ, thái độ dự báo về một số phận bi kịch. Người phụ nữ mà Phùng quan sát thấy trong buổi sớm mai sau khi vừa bắt gặp cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh khoảng ngoài bốn mươi, thân hình thô kệch, cao lớn, rỗ
mặt, dáng điệu mệt mỏi.... Dưới ngòi bút như cây cọ vẽ, Nguyễn Minh Châu đã phác họa hình ảnh một người lao động lam lũ và đau khổ. Dường như gánh nặng của cuộc mưu sinh đầy sóng gió trên biển đã đè nặng lên cuộc đời cô, bòn rút tất cả thanh xuân và sức sống của người phụ nữ. Trong khung hình ấy người đàn bà làng chài hiện lên với “gương mặt mệt mỏi, tái ngắt”, sự nhọc nhằn còn hiện rõ qua chi tiết tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới và đặc biệt là nửa thân dưới ướt sũng [10;335]. Ngoại hình bên ngoài đã thô ráp, xấu xì, gầy mòn, đến cả hành động của người đàn bà cũng được tác giả khắc họa với dáng vẻ mệt mỏi, khắc khổ: dáng vẻ “lúng túng, sợ sệt” ở toà án huyện, khi bước vào căn phòng chất đầy giấy má của Đẩu chị “tìm đến một góc tường để ngồi” Thật tội nghiệp khi chị luôn cảm thấy sự có mặt của mình trong cuộc đời này hình như là phi lí, chị lúc nào cũng cố thu mình lại, rón rén, sợ sệt, sợ làm vướng bận đến người khác, sợ phiền hà người khác. Ngưng có lẽ ấn tượng lớn nhất về của bi kịch mưu sinh nơi người đàn bà này là thái độ cam chịu, nhẫn nhục. Chị gần như tự nguyện đón nhận những trận đòn roi của người chồng vũ phu, chị còn xin hắn đưa chị lên bờ mà đánh để những đứa con thơ của chị không phải chứng kiến những trận đòn như thành lệ, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng... Người đàn ông ấy đánh vợ bất cứ lúc nào, lúc nào khổ quá không giải tỏa nổi nỗi uất ức của chính mình hắn lại đánh vợ như một cách để giải tỏa[10;344]. Vậy là cùng một lúc, người đàn bà khốn khổ kia vừa cùng chịu đựng những đau khổ, nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh cùng với cả gia đình vừa là nơi hứng đựng cả những khổ sở bất lực, u uất của người chồng bởi hắn đánh vợ, đay nghiến vợ con như một cách để trút bỏ, để giải tỏa. Thực ra, người chồng của chị cũng chính là một nạn nhân của bi kịch mưu sinh khi lão phải chịu đựng sự thiếu thốn, đói nghèo mà trở thành kẻ vũ phu, tha hóa, hắn đánh vợ khi hắn thấy khổ quá, và bởi vì hắn không uống rượu để quên đi cực nhọc như đàn ông thuyền khác,
hắn giải tỏa bằng cái cách thật quái gở và nhẫn tâm. Đói nghèo, cực khổ đã quật ngã lão, khiến lão tìm đến cái cách tàn nhẫn khác thường để quên đi nỗi thống khổ trong lòng. Qua các hình tượng nhân vật bi kịch vì gánh nặng mưu sinh, tác giả còn muốn gửi gắm cái nhìn nhân văn bằng việc khắc họa những phẩm chất, tính cách cao đẹp để họ tỏa sáng giá trị nhân cách giữa bùn lầy bế tắc. Đó là hình ảnh người đàn bà dù chịu cực khổ, bị bạo hành gia đình nhưng vẫn van xin quý tòa đừng bắt mình bỏ chồng. Cái lí do sâu xa của sự nhẫn nhịn ấy xuất phát từ mưu sinh và tình thương. Hơn ai hết chị biết mình sẽ chẳng thể xoay sở cùng với một đàn con thơ trên chiếc thuyền không có đàn ông nhất là khi sóng to, gió lớn, biển động. Chị chấp nhận bị đọa đầy về thể xác để duy trì cuộc sống cho chị và đàn con. Người đàn bà làng chài là đại diện của số phận bi kịch mưu sinh đầy ám ảnh, đó là những bi kịch của đời sống thường ngày mà đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp. Cái bi ấy được Nguyễn Minh Châu gửi vào cả nỗi quan hoài trước số phận con người, thức tỉnh mọi lương tri đặt ra câu hỏi cần phải làm gì để cứu vớt những mảnh đời bất hạnh, khổ đau như thế. Bi kịch mưu sinh trong cái gia đình làng chài bé nhỏ ấy có thể sẽ bị chìm khuất trong cuộc sống muôn mặt này, phát hiện, khám phá và miêu tả nó là nhà văn đã phơi ra một góc khuất của cuộc đời, khiến chúng ta nhận ra và biết trân quý những điều hạnh phúc bình dị, nhỏ nhoi mà ta đang có.
Cuộc đời lão Khúng trong Phiên chợ Giát cũng là một cuộc đời bi kịch vì gánh nặng mưu sinh. Cũng giống như người đàn bà vùng biển kia, những nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống mưu sinh đã in dấu trên ngoại hình và tính cách lão Khúng. Đôi bàn tay lão Khúng nổi đầy u cục, nó giống như bộ rễ cây vừa mới đào dưới đất lên, các ngón tay thì vặn vẹo, da tay thì như một lớp vỏ cây. Tính nết của lão cũng như tính nết của rừng: âm u, lầm lì... Đó là hệ quả tất yếu của những tháng ngày giành giật từng miếng đất với cỏ lau và đá hộc để khai hoang, tìm đất, tìm sự sống. [10;557]. Lão Khúng nghèo khổ, hai đứa
con, đứa thì vào bộ đội, đứa đi xa để khai khẩn đất hoang. Bi kịch cuộc đời lão còn là sự cô đơn, dằn vặt khi đứa con trai đã hi sinh tại đất khách và từng bi kịch một trở thành gánh nặng cuộc đời lão. Chúng cứ trở đi trở lại trong hồi ức của lão thông qua những cơn mê sảng. Bi kịch của lão là những điều trong cuộc đời đã qua lão chưa thỏa mãn hết được vì những lo toan bộn bề, cảm giác âu lo giằng xé mãi không thôi về “cơm áo gạo tiền”, về nỗi đau mất đứa con trai trên đất Campuchia (nỗi đau hậu chiến), nỗi rối rắm, lo toan với quãng đường đời nhiều vất vả đắng cay của người nông dân trước nhu cầu thúc bách của cuộc sống và những biến cố lớn của thời đại. Bi kịch xã hội của lão Khúng được thể hiện tưởng chừng là tủn mủn, nhỏ bé, nhưng chính cốt truyện trùng phức đã thể góp phần thể hiện sự rối răm, chồng chéo trong tâm trạng nhân vật. Bi kịch cá nhân của lão Khúng là nỗi lo toan cơm áo gạo tiền trong giai đoạn khủng hoảng khó khăn của đất nước và xã hội thời kì đổi mới. Đó còn là nỗi đau chiến tranh khi bom đạn đã cướp đi đứa con trai của lão. Nỗi đau đó vẫn mãi trở đi trở lại trong trí nhớ của lão như một nỗi ám ảnh đau lòng không bao giờ dứt được. Bi kịch cá nhân của lão Khúng thông qua cốt truyện trùng phức lại là mảnh ghép vô cùng khớp với bi kịch xã hội của cộng đồng khi để cho độc giả tự tái hiện lại một thời kì đổi mới khó khăn của đất nước. Đó là mâu thuẫn giữa một bên là ý chí xây dựng hòa bình mới cho dân tộc, một bên lại là nỗi đau chiến tranh và những khó khăn, vất vả của cuộc sống mưu sinh thời kì đổi mới. Từ bi kịch của lão Khúng, Nguyễn Minh Châu còn xây dựng những nét tính cách rất đặc trưng của người nông dân lam lũ là sự cần cù, chịu thương chịu khó nhằm cải tạo cuộc sống từ những mảnh đất chết, rất yêu lao động và quý đất đai. Giữa vùng đất cằn cỗi và xa xôi ấy, bầy con của lão cứ tự nhiên ra đời, tự lớn lên như là “con của cầy cáo, beo trăn”. Cuộc đời của lão đã gắn với lịch sử một vùng đất cằn cỗi, nghèo khổ với lịch sử một dân tộc kiên cường. Vì thế, dù cuộc đời lão là những chuỗi bi
kịch gắn liền, nhưng phẩm chất, tính cách cao quý của nhân vật bi kịch này vẫn tỏa sáng lấp lánh trong tác phẩm Phiên chợ Giát.
Có thể tóm lại, con người chịu bi kịch từ gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền trong văn chương của Nguyễn Minh Châu được khắc họa thông qua hai kiểu loại nhân vật chính: nhân vật phụ nữ và những con người vì cái nghèo mà trở nên bế tắc. Từ đó, nhà văn muốn thông qua văn học để khuấy động lên một cuộc sống khác mà nhân vật của ông, dù cơ cực, thua thiệt nhưng luôn hướng thiện để khỏa đi cái ác đang lấn sâu vào đời sống. Có thể nói, con người trong văn xuôi và đặc biệt trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu đa phần đều có đặc điểm chung là mang vẻ đẹp giản dị, đời thường – đặc trưng của những con người lao động lam lũ, cần cù. Họ đẹp trong nhân cách, lối sống và hành động của mình nhưng lại gặp nhiều bi kịch, trắc trở trong cuộc sống. Chính từ những số phận ấy khiến người đọc không khỏi động lòng trắc ẩn, suy tư về giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm trong tác phẩm của mình.