1.2.2 .Về phía Pháp
2.2. Quan hệ Anh–Pháp về vấn đề Miến Điện
2.2.1. Anh xâm lược Miến Điện
Cũng giống như chính sách đối với thế giới Malaya, sự quan tâm của Anh về Miến Điện trong thế kỉ XVIII – XIX trước hết là phục vụ cho lợi ích an ninh của xứ thuộc địa ở Ấn Độ và mở đường thâu tóm buôn bán tại Trung Quốc. Tuy nhiên, mục tiêu bao trùm của người Anh, nhất là từ nửa sau thế kỉ XIX là nhằm thỏa mãn tham vọng đế quốc, muốn khẳng định và duy trì vị thế nổi trội của mình ở Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới. Chính vì vậy, trong suốt thế kỉ XIX cho đến những thập niên đầu thế kỉ XX sau này, người Anh luôn coi Miến Điện là một phần mở rộng của Ấn Độ - về cả kinh tế, văn hóa cũng như chính trị. Quá trình này được xúc tiến mạnh mẽ từ cuối thế kỉ XVIII, khi nền móng thuộc địa của Anh được khẳng định vững chắc tại Ấn Độ.
Đầu thế kỉ XIX, thực dân Anh đã xâm chiếm gần hết bán đảo Ấn Độ, đặc biệt miền Bengal của Ấn Độ đã trở thành thuộc địa của Anh. Lúc ấy, Anh là cường quốc châu Âu mạnh nhất ở Đông Nam Á, lại có thuộc địa sát nách Miến Điện, việc chiếm đất nước này đã nằm trong tầm tay của người Anh. Cụ thể, Bengal nằm ở bờ biển phía Đông của Ấn Độ, sát với vương quốc Ava của người Miến Điện, là bàn đạp để người Anh tấn công vào quốc gia này.
Tuy nhiên, thực dân Anh biết rằng để đạt được mục đích áp đặt quyền uy tối thượng ở Miến Điện, Anh cần phải loại trừ vĩnh viễn ảnh hưởng của Pháp ở vương quốc này, quyết định mà chính quyền Anh cho là để tránh đêm dài lắm mộngchính là sử dụng vũ lực thôn tính Miến Điện ngay dứt điểm.
Đầu năm 1824, Anh tuyên chiến với Miến Điện. Theo quan điểm chính thức của Anh (thông qua lời Tuyên bố chiến tranh với Miến Điện do Tổng đốc Amherst của Anh tại Calcutta ngày 5 – 3 – 1824) thì việc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Miến Điện lần thứ nhất là để “tạo một dấu ấn về quyền lực và các nguồn tài nguyên của đế chế Anh ở Ấn Độ và để ngăn cản vương triều Ava
khỏi bất kì một nỗ lực nào làm rối lên mối quan hệ thân thiện. Điều này có thể đạt được nhờ kết quả của cuộc chiến tranh này”, rằng “người Miến Điện phải bị trừng phạt một cách thích đáng để họ không thể gây thêm một điều gì bất lợi cho an ninh của Anh, và không đủ để biến họ thành kẻ thù không đội trời chung, những kẻ sẽ quấy rối cố chấp trong tương lai” [8; 128] . Tuy nhiên, đây chỉ là những lời ngụy biện cho hành động xâm lược với quy mô lớn mà thực dân Anh tiến hành đối với Miến Điện ngay sau đó. Đồng thời đây cũng chính là mốc đánh dấu Anh bắt đầu có những hành động đầy dứt khoát và quyết liệt của người Anh nhằm ngăn chặn không cho bất cứ bên thứ ba nào nhúng tay chia phần ở Miến Điện, đặc biệt là Pháp để bá chủ mảnh đất này.
Từ năm 1824 đến năm 1886, thực dân Anh đã liên tiếp tổ chức các cuộc chiến tranh chinh phục, xâm lược Miến Điện, biến nước này thành thuộc địa của mình. Nước Anh đã sử dụng vũ lực để chiếm từng phần lãnh thổ của Miến Điện nhằm thỏa mãn tham vọng đế quốc, xác định vị thế nổi trội của họ ở Nam Á và Đông Nam Á.
2.2.2. Pháp can thiệp vào Miến Điện và động thái của Anh
Ở Miến Điện, người Pháp đến muộn hơn nếu so sánh với người Anh, nhưng không phải vì thế mà Pháp bỏ đi cơ hội tranh giành ảnh hưởng với Anh ở miền đất trù phú này. Với nhãn quan thực dân tinh tường và từng trải, Pháp đã sớm nhận thấy vị trí địa lý thuận lợi của Miến Điện, cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của vương quốc này. Do đó, Miến Điện sớm được Pháp xem như một mục tiêu quan trọng trong quá trình mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Nhưng trong suốt thời kì nửa đầu thế kỉ XIX, khi Anh ráo riết lôi kéo Miến Điện ra khỏi tầm tay của Pháp hoàn toàn thì người Pháp có vẻ điềm tĩnh hơn và hầu như không có động thái gì ngăn chặn Anh. Bởi vì, Pháp thấy rằngđây không phải là thời điểm thích hợp để đối đầu trực diện với người Anh:
Thứ nhất, sau khi đế chế Napoleon sụp đổ, vị thế của Pháp ở châu Âu chẳng những bị hạ bệ rõ rệt, mà nước này còn phải đối mặt với rất nhiều khó
khăn do sự trỗi dậy của thế lực phong kiến phản động, sự bùng nổ phong trào công nhân.
Thứ hai, vương quốc Miến Điện thời kì này đang trong giai đoạn suy yếu nhưng tinh thần mạnh mẽ của dân tộc Miến không thể khuất phục ngày một ngày hai.
Thứ ba, Pháp e ngại một cuộc chiến tranh có thể sẽ xảy ra với Anh nếu có bất cứ động thái nào đi quá giới hạn trong thời điểm nhạy cảm này.
Do đó, Pháp lặng yên quan sát cuộc xâm lược của Anh trên đất Miến trong tâm thế ngư ông đắc lợi, chờ thời cả hai suy nhược và mệt mỏi để lách vào chiếm phần ở Miến Điện.
Tuy nhiên, Pháp lại chủ quan không hay biết rằng, sau cuộc chiến tranh Anh – Miến lần thứ nhất, với việc triều đình Ava kí với Anh Hiệp ước Yandabo ngày 24 – 2 – 1826, Pháp rất khó len chân vào Miến Điện vì việc thôn tính toàn bộ vương quốc này từ đây đã nằm trong kế hoạch của thực dân Anh. Cũng sau Hiệp ước Yandabo, chủ quyền Miến Điện chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa; còn Anh chiếm được hai tỉnh duyên hải rộng lớn là Arakan và Tenasserim – nơi giàu có về tài nguyên thiên nhiên và là vị trí chiến lược cho đế chế Anh bành trướng, kiểm soát Ấn Độ, mở rộng ảnh hưởng xuống Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.
Phải đến khi chiến tranh Anh – Miến lần thứ hai kết thúc và người Anh đã biến một vùng rộng lớn thành thuộc địa không chỉ vùng duyên hải ven biển phía Tây và Nam, mà bao gồm cả phần Hạ Miến, Pháp mới cuống cuồng can thiệp trở lại Miến Điện.
Sau sự kiện Miến Điện bị Anh ép kí Hiệp ước nô dịch thương mại mới tại Mandalay vào ngày 25 – 10 – 1867, vua Miến tìm đến Pháp xin liên minh để phá thế bao vây, phong tỏa của Anh (năm 1873). Nhân cơ hội đó, Pháp đã lập tức tìm cách nhúng tay vào tình hình Miến Điện, chủ đích của Pháp chính là lợi dụng sự suy yếu của Miến Điện để nô dịch bằng việc kí các Hiệp ước bất bình đẳng.
Trước tình hình đó, Anh đã cảnh cáo Pháp rằng tuy “Miến Điện là một nước độc lập nhưng nước này vẫn ở trong phạm vi ảnh hưởng của Anh và không một sự can thiệp nào từ bất kì một cường quốc châu Âu nào khác sẽ được dung thứ [6; 923]”. Tất nhiên, lời cảnh cáo đó không thế khiến Pháp dừng chân trong vấn đề Miến Điện.
Theo đó, Hiệp định song phương Pháp – Miến được kí vào ngày 15 – 1 – 1885. Bản thân Hiệp định này không đưa ra được sự nhượng bộ nào dành cho Pháp mà chỉ quy định các quyền cư trú, thương mại và đặc quyền tối huệ quốc. Nhưng cái Miến Điện đạt được hơn cả chính là vị thế chủ quyền được nhìn nhận; còn phía Pháp thì được đặt lãnh sự tại Mandalay. Ngoài ra, còn có hai hiệp định mật khác cho phép Pháp có nhượng địa làm đường sắt, lập đội thương thuyền trên sông Iraoađi, lập nhà băng, khai thác mỏ. Pháp nhận Miến Điện là
nước trung lập dưới sự bảo hộ của Pháp, Ý, Đức; Pháp cũng hứa giúp vũ khí cho Miến Điện [9; 139].
Những cuộc gặp mặt thỏa thuận ngầm giữa Pháp và Miến Điện đã đánh động đến Anh, nó khiến cho giới quan chức và thương gia Anh vô cùng lo lắng về khả năng Pháp vượt qua Anh với tay đến thị trường Tây Nam Trung Quốc, làm cho Anh phải tính đến chuyện thôn tính nốt vùng Thượng Miến. Nhất là trong bối cảnh những lời đồn đại ngày một ồn ào về việc những thỏa thuận ngầm của Pháp – Miến sẽ cho Pháp một vị trí khống chế trong nền kinh tế Thượng Miến Điện.
Vào tháng 8 - 1885, Chính phủ Anh ở Ấn Độ thông qua một nghị quyết nói rằng “việc người Pháp thiết lập ảnh hưởng độc quyền hoặc khống chế tại Thượng Miến Điện sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phần thuộc địa Miến Điện của chúng ta và đối với Ấn Độ và do đó cần phải được ngăn chặn dù cho có cả nguy cơ nổ ra chiến sự [7; 925]”. Đúng lúc đó, nội dung bức thư bí mật do Ferry (Thủ tướng Pháp) trao cho phái viên Miến Điện khi kí bản hiệp định thương mại ở Pari tháng 1 – 1885 bị bại lộ. Theo đó, bức thư có chứa đựng một lời hứa thận trọng nói rằng, ngay sau khi hòa bình và trật tự được lập lại ở
Bắc Kỳ, vũ khí và trang thiết bị quân sự các loại sẽ được chuyển sang Miến Điện thông qua Bắc Kỳ.
Ngày 7 – 8 – 1885, Huân tước Salisbury – Thủ tướng Anh, đưa cho đại sứ Pháp M. Waddington xem bản sao bức thư của Ferry và nói thẳng với đại sứ rằng Anh sẽ không đồng ý với những nhượng bộ mà Pháp dự định cấp cho Miến Điện. Đại sứ Pháp nói ông không biết gì về vấn đề này và hứa sẽ điều tra. Hơn một tháng sau, do không nhận được từ phía Pháp một thông tin gì về vấn đề này, Anh đã gây sức ép đòi Chính phủ Pháp làm rõ sự tình [7; 926].
Cuối tháng 9 - 1885, Chính phủ Pháp trả lời – thông qua Waddington – rằng, Chính phủ Pháp hoàn toàn không biết gì về bất kì hiệp định nào như vậy. Nhưng vào lúc này, một phái viên khác của Miến Điện đã tới Pari và ít lâu sau báo chí Anh và Pháp đăng nội dung một bản hiệp định được gọi là bí mật giữa Pháp và triều đình Miến Điện. Khi bị chất vấn, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã bác bỏ sự tồn tại của bản hiệp định này. Như vậy, Pháp đã bỏ rơi Miến Điện trong lúc khó khăn vì Pháp không dám mạo hiểm gây chiến tranh với Anh.
2.2.3. Kết cục của quan hệ Anh – Pháp về vấn đề Miến Điện
Sau khi phát giác bức thư mật của cựu Thủ tướng Pháp Ferry với người Miến, Anh ép Pháp phải bảo đảm rõ ràng là Pháp công nhận Miến Điện nằm trong vùng ảnh hưởng của Anh. Tuy nhiên, Pháp đã lảng tránh không công nhận. Nhân cơ hội Pháp đanglo đối phó với tình hình phức tạp ở Việt Nam và Madagascar, Anh quyết định xúc tiến một trận đấu quyết định nhanh chóng hoàn thành việc xâm lược Miến Điện.
Ngày 28 – 11 – 1885, cuộc chiến tranh Anh – Miến lần thứ ba bùng nổ, ba lữ đoàn Anh đổ bộ chiếm Mandalay. Vua cuối cùng của Miến là Thibaw (1879 – 1885) bị bắt, sau đó đày sang Calcutta và bị giết hại tại đó. Ngày 1 – 1 – 1886, người Anh tuyên bố sáp nhập Miến Điện thành một tỉnh của lãnh thổ thuộc địa Anh ở Ấn Độ. Kể từ đây, ảnh hưởng của Pháp đã bị Anh tẩy chay hoàn toàn khỏi vùng đất Miến Điện.
Có nhiều yếu tố khác nhau tác động đến kết cục trong quan hệ Anh – Pháp về vấn đề Miến Điện, trong đó có có 3 nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, ở thế kỉ XIX, là quốc gia dẫn đầu thế giới về trình độ phát triển, Anh có một tiềm lực kinh tế quân sự vô cùng lớn mạnh, hùng hậu; không chỉ vậy, thủ đoạn xâm lược của người Anh cũng hết sức tinh vi, tạo nên sự ưu thắng của Anh trước bất cứ mục tiêu nào mà Anh muốn khuất phục. Nếu như người Pháp đã sử dụng mánh khóe thực dân là Áo choàng đen giáo sĩ đi trước, lính xâm lược đi sau, thì ở Miến Điện, người Anh đã dùng cách khác. Những kẻ do thám, tiền tiêu núp dưới bóng các thương nhân hiền lành giúp người Anh từng bước tạo chỗ đứng vững chắc ở vương quốc này.
Thứ hai, người Anh tiến hành xâm lược Miến Điện trong bối cảnh triều đại Konbaung đã trở nên yếu hèn và bất lực, chính sự lục đục rối ren.Vương triều Konbaung còn liên tiếp gây ra những cuộc nội chiến với người Môn, Manipua; đặc biệt là cuộc chiến tranh xâm lược Xiêm. Các cuộc chiến tranh đó đã làm cho Miến Điện bị tàn phá nặng nề về vật chất và tổn thất về sinh lực. Do đó, Miến Điện ngày càng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, không đủ sức đối phó với các cuộc tấn công xâm lược của người Anh.
Thứ ba, những khó khăn của Pháp ở Bắc Kỳ và việc Pháp đang lâm vào tình trạng chiến tranh với Trung Quốc và Madagascarlà nguyên nhân khách quan đã mang tới cho Anh một cơ hội trời ban để giải quyết dứt điểm các vấn đề ở Miến Điện.
Như vậy, sau nhiều thập kỉ cạnh tranh hết sức căng thẳng, cục diện quan hệ Anh – Pháp ở Miến Điện đã chấm dứt với thắng lợi hoàn toàn thuộc về người Anh, Pháp chính thức rút lui và chấm dứt mọi ảnh hưởng của mình ở vương quốc này.