1.2.2 .Về phía Pháp
2.3. Quan hệ Anh–Pháp về vấn đề Xiêm
2.3.2. Thỏa thuận giữa hai nước Anh–Pháp về vấn đề Xiêm
Năm 1889, M. Waddington, đại sứ Pháp tại Luân Đôn yết kiến Thủ tướng Anh là Huân tước Salisbury và đề nghị rằng, sẽ có lợi cho cả hai nước nếu cùng tuyên bố Xiêm là nước đệm giữa hai đế chế Anh và Pháp.
Ngay lúc đó, Thủ tướng Anh - Salisbury đã tỏ ý thiện cảm với vấn đề quốc gia đệm. Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ phụ trách Ấn Độ, Salisbury gửi
thư trả lời Waddington ngày 27 – 8. Thư này nói rằng, Anh hoan nghênh mọi biện pháp nhằm tạo dựng một nước Xiêm độc lập, vững mạnh, có đường biên giới được xác định rõ ràng và ông gửi kèm theo thư một tấm bản đồ nêu quan điểm của Bộ phụ trách Ấn Độ đối với vấn đề của Xiêm. Biên giới phía tây được vẽ rõ ràng cho tới tận giới hạn phía Bắc của Miến Điện thuộc Anh trước khi thôn tính vương quốc của Thibaw. Đường biên giới phía tây và tây bắc là gần chính xác. Ông yêu cầu Chính phủ Pháp cho biết ý kiến về vấn đề đường biên giới phía đông và đông bắc, và nói rằng, ngay khi ông nhận được trả lời ông sẽ chuẩn bị thảo luận với Waddington bước tiếp theo để thực thi đề nghị của ông. Tuy nhiên, ông cũng cảnh cáo trước rằng các yêu sách về lãnh thổ của Xiêm chỉ có thể được giải quyết bằng cách thương thuyết với Chính phủ Xiêm mà thôi [7; 991].
Trước tình hình đó đã khiến Pháp lập tức phải lưu tâm đến hai điểm. Một là, Luang Prabang đã từng được đặt dưới quyền minh chủ của Xiêm ít nhất là trong một thế kỉ, và trong các bản đồ chính thức của Pháp đang được lưu hành cho đến lúc có cuộc trao đổi ý kiến thì Luang Prabang được ghi là một bộ phận lãnh thổ của Xiêm. Hai là, hiệp định ngày 7 – 5 -1886, quy định việc bổ nhiệm một phó lãnh sự tại Luang Prabang ngụ ý thừa nhận chủ quyền của Xiêm [7; 991]. Vì thế, Waddington đã không bao giờ trả lời bức thư đề ngày 27 – 8 – 1889 của Salisbury, khi mà bản thân Pháp không thể tự kiềm chế mình mở rộng ảnh hưởng tới vùng thượng lưu sông Mê Công.
Sau khi Chính phủ Salisbury sụp đổ (1892), Gladstone lên làm thủ tướng và Huân tước Rosebery làm Bộ trưởng Ngoại giao, Waddington đã nêu lại đề nghị của Pháp. Huân tước Rosebery đã có một tuyên bố được cân nhắc kĩ lưỡng về quan điểm của Anh. Lập trường này được nêu rõ trong công hàm gửi tháng 12 – 1892. Theo đó, Anh có ý định không để biên giới của mình giáp với sông Mê Công nên đã chuyển giao Kiang Hung cho Trung Quốc và Keng Cheng cho Xiêm. Và ông tuyên bố dứt khoát rằng chỉ khi nào Pháp giải thích được một cách rõ ràng lập trường của Pháp đối với biên giới phía đông và đông bắc của
Xiêm thì Anh mới có thể xem xét việc kí một hiệp định chính thức. Với công hàm đó, các cuộc thương lượng Anh – Pháp lại bị cắt đứt lần thứ hai.
Đến tháng 3 – 1893, Waddington lại gặp Rosebery và tiết lộ thật sự ý đồ của Pháp. Ông nói rằng, Chính phủ Pháp không chấp nhận bất cứ phần đất nào của Xiêm nằm trên bờ trái của sông Mê Công, bởi vì tất cả các lãnh thổ nằm trên bờ phía này của sông Mê Công đều thuộc về Việt Nam. Trước sự thay đổi đáng kinh ngạc này, Rosebery có thái độ bảo lưu ngoại giao khá thận trọng. Chính việc Rosebery không thi hành một đường lối tích cực hơn đã khuyến khích Pháp đơn phương lấn tới. Tháng 4 – 1893, Pháp đã cho ba đạo quân đến chiếm đóng, và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần, trên vùng lãnh thổ mà họ đã yêu sách ở vùng hạ lưu sông Mê Công. Một đạo quân dưới sự chỉ huy của đại úy Thorex đã đánh chiếm Stung Treng trên sông Mê Công, trên biên giới Xiêm, và ít lâu sau đó chiếm đảo Khone. Đạo quân thứ hai đi về Mường Phine và đạo quân thứ ba đi về khu vực Cammon.
Trước tình hình nguy cấp đó, Xiêm hoảng hốt yêu cầu Anh giúp đỡ. Nhưng Huân tước Rosebery chỉ yêu cầu Xiêm hãy tránh không làm bất cứ điều gì có thể kích động Pháp gây ra chiến tranh. Tuy nhiên, các sự cố biên giới đã tất yếu nổ ra. Vị trí của Pháp tại đảo Khone bị tấn công, viên chỉ huy người Pháp Thoreux bị bắt. Ban đầu, Xiêm tìm cách đổ trách nhiệm cho các dân tộc thiểu số sống bán hoang dã ở vùng lân cận. Nhưng sau đó họ lại đổi giọng, nói rằng Thoreux chỉ huy một đội quân viễn chinh xâm lược, vì vậy việc bắt giữ ông là đúng. Tuy vậy, Huân tước Rosebery ủng hộ yêu cầu của Pháp đòi thả ông Thoreux, và Xiêm đã trao trả ông như một đặc ân.
Đầu tháng 7 – 1893, Pavie – Công sứ Pháp tại Băng Cốc thông báo cho chính phủ Xiêm rằng, hai tàu chiến nữa của Pháp đang được cử đến đây và sẽ tới Paknam ngày 13. Ông yêu cầu Xiêm cung cấp hoa tiêu để đưa hai tàu chiến này tới Băng Cốc. Chính phủ Xiêm đã trả lời rằng theo Hiệp ước Xiêm – Pháp, không một tàu chiến nước nào được quyền đi quá Paknam mà không được sự chấp thuận của Chính phủ Xiêm. Tuy nhiên, Pavie đã gạt bỏ sự phản đối này,
ngày 13 – 7, tàu Inconstant và Comète tới Paknam, Xiêm đã nổ súng trước và họ đã rơi vào bẫy của người Pháp.
Nắm lấy cơ hội này, ngày 20 – 7 – 1893, Chính phủ Pháp ra lệnh cho Pavie gửi cho Xiêm một tối hậu thư đòi Xiêm trao cho Pháp lãnh thổ ở bờ trái sông Mê Công, bao gồm cả Luang Prabang, nộp một khoản bồi thường là ba triệu phrăng cho những thiệt hại của các tàu chiến Pháp, và trừng phạt các sĩ quan đã ra lệnh nổ súng ở Paknam và những kẻ giết hại Grosgurin – một quan chức Pháp. Nếu những điều khoản này không được thực hiện, Pháp sẽ phong tỏa sông Mê Nam [7; 998].
Lúc này, lại đến lượt Anh lo lắng. Anh đã tin tưởng một cách lạc quan rằng tranh chấp của Pháp với Xiêm chỉ liên quan tới đường biên giới ở hạ lưu sông Mê Công. Nay, Anh nhận ra rằng nếu Pháp thôn tính toàn bộ vùng lãnh thổ được nêu trong yêu sách đầu tiên, thì đó không chỉ liên quan tới sự toàn vẹn của các thuộc địa Xiêm mà còn ở phía thượng lưu sông Mê Công, người Pháp sẽ tiếp xúc trực tiếp với Miến Điện và những yêu sách của họ sẽ va chạm với quyền lợi của Anh ở khu vực này.
Do đó, đại sứ Anh ở Pari được lệnh phải yêu cầu Develle – Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, có một tuyên bố rõ ràng về những mục tiêu của Pháp. Develle trả lời rằng, vì những điều khoản của bản tối hậu thư này đã được đưa ra trước toàn thế giới, do sự kích động của dư luận trong nước, nên Pháp không thể xuống thang được. Ông đảm bảo với ngài đại sứ rằng, khi Xiêm chấp nhận các điều kiện này thì con đường sẽ được thông mở cho việc thiết lập một quốc gia đệm giữa hai đế chế Anh – Pháp. Bất kể những kinh nghiệm trước đây của Anh về giá trị của những lời hứa của Pháp đối với vấn đề sông Mê Công, Chính phủ Anh đã chấp nhận sự bảo đảm của Pháp.
Tuy vậy, lúc đó sự căng thẳng vẫn chưa giảm bớt. Khi bắt đầu đàm phán một hiệp ước về tất cả sự nhượng bộ đó, phía Pháp vẫn tìm cách đưa vào thêm một loạt các điều khoản, bề ngoài là để đảm bảo thêm, nhưng, theo lời của Huân tước Rosebery, thực chất là toan tính xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Xiêm. Trong suốt các cuộc thương lượng, Anh liên tục gây sức ép buộc
Pháp giảm bớt các yêu sách của họ. Tuy nhiên, vua Chulalongkorn hy vọng Anh có sự ủng hộ tích cực hơn và đã rất thất vọng về điều mà ông coi là thái độ trung lập của Anh. Chính phủ Xiêm đã làm hết sức mình để chống lại các yêu sách của Pháp, và chỉ khi Pháp đưa ra thêm một tối hậu thư mới, Chulalongkorn, theo lời khuyên của Anh, mới nhân nhượng và ngày 3 – 10, ông đã chấp nhận bản hiệp ước.
Pháp đã giành được một thắng lợi ngoại giao với Anh lúc này đã bị trói tay vì sợ rằng một hành động kiên quyết hơn của Anh sẽ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh ở châu Âu.
Kể từ lúc Xiêm nổ loạt đạn đầu tiên tại Paknam, Pháp đã nắm quyền chủ động và, theo các nhà quan sát sắc sảo, thì Rosebery đã làm tất cả những gì mà ông có thể làm một cách nhiệt tình và thận trọng. Pháp đang đòi kiểm soát ở Battambang và Siemreap, và nếu Xiêm chống đối hơn nữa thì có thể sẽ dẫn đến chỗ không những mất hai tỉnh này cho Pháp mà cả sự độc lập của Xiêm cũng bị đe dọa. Điều mà Huân tước Curzon miêu tả là chủ nghĩa bành trướng hung hăng của những kẻ hiếu chiến thực dân ở Bắc Kỳ và Sài Gònđã lên tới đỉnh cao nguy hiểm [7; 1000]. Tình hình cho thấy Xiêm đã bảo vệ được đất nước một phần không nhỏ là nhờ vào sự kiên định của ngoại giao Anh đã tập trung nỗ lực vào việc buộc Pháp bảo đảm tôn trọng nền độc lập của vùng lưu vực sông Mê Nam.
Sau khi cuộc khủng hoảng đã qua đi, mối quan tâm của Anh là thiết lập một quốc gia đệm như đã được hứa hẹn ở vùng thượng lưu sông Mê Công. Tháng 8 – 1893, J.G, Scott được rút khỏi những nhiệm vụ đặc biệt ở các quốc gia Shan và được cử đi phụ trách tòa công sứ tại Băng Cốc để sau này ông có thể đại diện cho Anh trong Ủy ban về quốc gia đệm. Đại diện của phía Pháp trong Ủy ban đó là Auguste Pavie.
Trước đó một năm, Anh, Trung Quốc và Xiêm đã có những sựthỏa thuận trong việc xác định đường biên giới phía đông của Miến Điện. Giờ đây Anh sắp sửa có một sự giàn xếp tương tự để trao Keng Cheng - một tiểu quốc vốn thần phục vương triều Miến Điện, nằm ở bờ sông Salween (từ năm 1991 đổi tên là sông Thanlwin, được xem như đường biên giới tự nhiên giữa Miến Điện và
Xiêm) với thủ đô là Mương Sing cho Xiêm. Nhưng lúc này, theo Hiệp ước Pháp – Xiêm 1893, Pháp coi quốc gia này là nằm ở bờ trái của sông Mê Công. Chính khu vực này là nơi quốc gia đệm sẽ được hình thành. Scott và Pavie đã thu xếp để gặp nhau tại Mương Sing vào cuối tháng 12 – 1894. Tuy nhiên, vấn đề đã phát sinh khi Tiểu vương Keng Cheng do nhận được quá nhiều thông điệp khác nhau về quy chế tương lai của vùng đất này nên cuối cùng đã quyết định rằng, cách an toàn nhất là treo cờ Pháp trên vùng lãnh địa của mình. Nhưng khi các thành viên của phái đoàn Anh đến trước thì ông ta đã sợ hãi và bỏ chạy. Scott bình luận rằng: đó là điều khôn ngoan nhất mà ông có thể làm. Scott đến nơi vào ngày Giáng sinh, nhìn thấy cờ Pháp tung bay và ngay lập tức đã cho hạ cờ nó xuống. Ngày 1 – 1 – 1895, khi Pavie tới nơi thì lá cờ của Anh đã tung bay. Vấn đề thực sự trở nên rắc rối. Vậy là một việc rất nhỏ đã gần như bùng lên thành một sự cố quốc tế hàng đầu. Ủy ban về quốc gia vùng đệm tan vỡ và các cuộc thương lượng buộc phải chuyển sang châu Âu [7; 1001].
Kế hoạch về một quốc gia vùng đệm đã tan thành mây khói. Scott và Pavie đã không thỏa thuận được về giới hạn của vùng này. Một lập luận cho rằng dù bất cứ dưới dạng nào, một vùng như vậy sẽ trở thành một tụ điểm nguy hiểm cho những mưu đồ đen tối, Scott đã thuyết phục Chính phủ Anh từ bỏ ý định này.
Sự cố Mương Sing và sự thất bại của Ủy ban quốc gia vùng đệm đã gây nên ở Pháp một sự phẫn nộ quá khích chống Anh. Hai nước thực sự kề bên miệng hố chiến tranh.
Tháng 6 – 1895, Anh và Pháp tiến hành các cuộc thương lượng. Theo đó, Anh đã đánh đổi những yêu sách về đất đai ở phía đông sông Mê Công lấy sự bảo đảm chung của cả hai nước đối với nền độc lập của thung lũng sông Mê Nam – vùng đất chiếm 4/5 dân số Xiêm và về kinh tế là một trong những vùng giàu có nhất của bán đảo Đông Dương. Đó là một sự trao đổi có lợi vì Anh chưa bao giờ có ý định kiểm soát vùng lãnh thổ nằm vắt ngang sông Mê Công. Pháp đã bị lừa phỉnh và lấy một vùng lãnh thổ tuy rộng nhưng không có giá trị gì về kinh tế.
Bản Hiệp định Anh – Pháp được kí ngày 15 – 1 – 1896. Theo đó, Mương Sing thuộc về Pháp; phía tây sông Mê Nam thuộc ảnh hưởng của Anh, phía đôngsông Mê Nam thuộc ảnh hưởng của Pháp. Cả hai nước bảo đảm nền độc lập của vùng thung lũng sông Mê Nam và hứa sẽ không tìm kiếm một ưu thế độc quyền nào cho mình ở Xiêm. Hiệp ước này không ảnh hưởng gì đến cao nguyên Korat, các tỉnh Battambang và Siemreap cũ của Campuchia hay bán đảo Mã Lai. Về nội dung trong hiệp định này, Salisbury đã thận trọng vạch rõ rằng, cũng giống như thung lũng Mê Nam, những phần đất này là những bộ phận không thể tách rời của Xiêm, nhưng trên quan điểm của một bản hiệp định với Pháp có liên quan đến quyền lợi của Anh thì những vùng đất này lại không quan trọng [7; 1002].
Không lâu sau, khi Pháp nhận ra vùng lãnh thổ sông Mê Công mà họ lấy được không có giá trị nếu so sánh với thung lũng sông Mê Nam, Đảng thuộc địa trong Chính phủ Pháp đã tuyên bố ầm ĩ và công khai rằng việc kiểm soát Mê Nam là rất cần thiết đối với nền kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp. Nhưng cuối cùng Pháp vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Có lẽ, nếu như Pháp không lo ngại những phản ứng có thể có của Anh đối với bất cứ hành động phá hoại nào với Hiệp định 1896 thì Pháp đã có thể tiêu diệt nền độc lập của Xiêm.
Như vậy, chính sách của Anh trong khoảng thời gian từ sau việc thôn tính vùng Thượng Miến Điện năm 1886 đến ký hiệp định Luân Đôn năm 1896 là né tránh một đường biên giới chung giữa Ấn Độ thuộc Anh và Đông Dương thuộc Pháp. Do đó, Xiêm được coi là một quốc gia đệm cần thiết và Anh tìm cách kiềm chế Pháp không được nêu ra những đòi hỏi quá đáng đối với triều đình Băng Cốc. Hiệp định Anh – Pháp tháng 1 – 1896 đã thực sự cứu vớt vùng trung tâm của Xiêm khỏi bàn tay của Pháp. Nước Xiêm bằng chính sách ngoại giao lựa chọn, chủ động, khéo léo lợi dụng những bất đồng trong quan hệ Anh – Pháp đã tự cứu mình khỏi nanh vuốt của hai tên đế quốc khét tiếng nhất thời bấy giờ.
2.4. Kết cục của mâu thuẫn Anh – Pháp và sự xác lập địa quyền ở Đông Nam Á