CHƯƠNG II : TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.1. Cơ sở khoa học của đề tài
2.1.6. Tiêu tốn thức ăn
Tiêu tốn thức ăn cho 1kg tăng khối lượng cơ thể là chỉ tiêu thể hiện tỷ lệ chuyển hóa thức ăn để đạt được tốc độ tăng trọng, vì tăng trọng là một chức năng chính của quá trình chuyển hóa thức ăn, hay nói cách khác là tiêu tốn thức ăn là hiệu suất giữa thức ăn trên một kg tăng khối lượng cơ thể.
Chi phí thức ăn chiếm đến 80% giá thành sản phẩm. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể càng thấp thì hiệu quả kinh tế càng cao và ngược lại. khi hai cơ thể cùng một khối lượng xuất phát, để đạt được một khối lượng nhất định nào đó thì cơ thể sinh trưởng chậm mất nhiều thời gian hơn, trong thời gian dài hơn, điều đó dẫn tới tiêu tốn thức ăn cao hơn. Mặt khác tăng trọng nhanh thì cơ thể đồng hóa và dị hóa tốt hơn, khả năng trao đổi chất tăng cường hơn, làm cho hiệu quả sử dụng thức ăn cao, dẫn đến tiêu tốn thức ăn thấp. Chambers và cộng sự (1984) [19], đã xác định được hệ số tương quan di truyền giữa khối lượng cơ thể và tăng trọng với tiêu tốn thức ăn thường là rất cao (0,5 - 0,9), còn tương quan di truyền giữa sinh trưởng và chuyển hóa thức ăn là âm và thấp (-0,2 đến -0,8). Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể còn phụ thuộc vào độ tuổi, khi con vật còn non chỉ tiêu này thấp, càng về sau lượng tiêu tốn thức ăn cho một kg tăng khối lượng cơ thể càng cao.
Tiêu tốn thức ăn là một chỉ tiêu có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Do vậy, có rất nhiều công trình nghiên cứu nhằm chọn tạo ra các dòng, giống mới có sức sinh trưởng nhanh và tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp và cũng nhiều công trình đi sâu nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng nhằm xác định chế độ dinh dưỡng thích hợp cho các dòng và
giống mới, từ đó phát huy được các tiềm năng sinh trưởng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.