Những vấn đề pháp lý đặt ra qua vụ giải thể Công ty cổ phần JM

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải thể doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam và thực tiễn áp dụng tại công ty cổ phần JM (Trang 76 - 78)

CHƢƠNG 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

2.2. Thực tiễn thi hành Pháp luật về giải thể tại Công ty cổ phần JM

2.2.5. Những vấn đề pháp lý đặt ra qua vụ giải thể Công ty cổ phần JM

Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp 2005 với các quy định về thủ tục giải thể chung tại Điều 157, 158, 159 áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần. Với nguyên tắc, doanh nghiệp được quyền tự chủ rất lớn trong quá trình giải thể. Cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét hồ sơ giải thể khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục. Theo đó, thủ tục giải thể đã đơn giản, nhanh chóng hơn so với các quy định của pháp luật trước đây. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng đối với trường hợp cụ thể của Công ty cổ phần JM đă đưa ra nhiều vấn đề còn bất cập:

2.2.5.1 Các quy định pháp lý chưa thống nhất

Cơ quan đăng ký kinh doanh đã từ chối tiếp nhận hồ sơ giải thể của Công ty cổ phần JM. Nguyên nhân là do Công ty cổ phần JM có vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ giải thể sẽ phải là phòng đầu tư nước ngoài – Sở kế hoạch đầu tư. Xử lý trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi tiến hành giải thể ở các cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không giống nhau. Có nơi cho rằng, họ không giải quyết trường hợp này vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Nơi khác thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục tại phòng đầu tư nước ngoài, nhưng khi doanh nghiệp sang phòng đầu tư nước ngoài lại được hướng dẫn quay trở lại phòng

đăng ký kinh doanh. Quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không đồng nhất đã dẫn tới việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Những “cách ứng xử” nêu trên đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước về tính thống nhất của pháp luật Việt Nam... Nếu việc áp dụng các văn bản dưới luật tiếp tục thiếu rõ ràng trong chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì dòng vốn đầu tư từ nước ngoài hay dòng vốn tái đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khác sẽ bị hạn chế.

2.2.5.2 Trình tự, thủ tục giải thể còn phức tạp và rườm rà

Mặc dù các quy định về giải thể cũng được quy định khá cụ thể trong Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, một thực tế xảy ra đó là doanh nghiệp vẫn phải thực hiện những thủ tục hết sức thủ công và nhiều cửa khi muốn khai tử cho doanh nghiệp, bắt đầu từ quá trình xác nhận không nợ thuế xuất nhập khẩu tại cơ quan hải quan, làm thủ tục quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, thực hiện xác nhận không nợ bảo hiểm tại cơ quan bảo hiểm, sau đó tiến hành trả dấu cho cơ quan công an và cuối cùng mới được nộp hồ sơ giải thể ở cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc đầu tư. Nhưng khó khăn nhất vẫn là quá trình quyết toán với cơ quan thuế. Quá trình này thường kéo dài trong khoảng thời gian rất dài trong khi đó doanh nghiệp đã không còn hoạt động kể từ khi ra quyết định giải thể nhưng vẫn buộc phải tồn tại vì chưa hoàn tất thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp vẫn phát sinh các nghĩa vụ về thuế như nghĩa vụ kê khai thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; nghĩa vụ nộp các loại thuế. Các nghĩa vụ này chỉ chấm dứt khi quyết định giải thể doanh nghiệp được ghi nhận trên hệ thống thông tin của cơ quan thuế. Trong khi đó, thì thực tế doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm quyết định giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp vẫn phải duy trì nhân viên nhất định để thực hiện các thủ tục về thuế tại cơ quan thuế cũng như để hoàn thành các thủ tục về thuế cho tới khi nhận được thông báo đóng mã số thuế.

Các thủ tục giải thể doanh nghiệp với quy trình thủ tục rườm rà, thực hiện tại nhiều cơ quan có thẩm quyền, khiến doanh nghiệp giải thể gặp nhiều khó khăn và tốn không ít chi phí. Không ít doanh nghiệp đã tự mình giải thể nghĩa là trên thực tế không còn tồn tại và hoạt động nữa, nhưng vẫn tồn tại về mặt pháp lý do chưa tiến hành thủ tục giải thể tại cơ quan có thẩm quyền. Tình trạng này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đến khả năng hoạch định chính sách vĩ mô cho nền kinh tế. Do đó, cần thiết phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật giải thể, để doanh nghiệp có thể tiến hành thủ tục giải thể theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Các cơ quan quản lý liên quan tới thủ tục giải thể doanh nghiệp bao gồm: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan hải quan, bảo hiểm cần thay đổi nhận thức về việc giải thể doanh nghiệp. Qua đó, không nên trầm trọng hóa việc giải thể, cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục giải thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải thể doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam và thực tiễn áp dụng tại công ty cổ phần JM (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)