a. VKS kiểm sát việc khởi tố
Hoạt động kiểm sát việc khởi tố các vụ án hình sự trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước tình hình tội phạm luôn gia tăng trong nhiều lĩnh vực, với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sử dụng công nghệ cao để phạm tội, VKSNDTP Hải phòng có sự phối hợp tốt cùng các CQTHTT trên địa bàn thành phố Hải phòng, trong 6 năm đã KSĐT, truy tố, xét xử hàng nghìn vụ án hình sự và đưa gần hai mươi nghìn bị cáo ra truy tố trước Tòa, đảm bảo đúng người đúng tội đúng pháp luật; việc oan, sai đã được hạn chế tối đa góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong 6 năm (2006 - 2011) VKS KSĐT 12078 /18813 bị can, cụ thể các năm như sau: năm 2006 là 2405 vụ/3548 bị can, năm 2007 là 2166 vụ/3269 bị can, năm 2008 là 2191 vụ/3349 bị can, năm 2009 là 2097 vụ/3215 bị can, năm 2010 là 1807 vụ/2900 bị can, năm 2011 là 1412 vụ/ 2532 bị can.
Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy trung bình hàng năm có trên 2000 vụ án hình sự được khởi tố. VKSNDTP Hải Phòng đã theo dõi và nắm bắt được thông tin về tội phạm thông qua hoạt động kiểm sát tin báo, tố giác tội
phạm đã nắm và quản lý chặt chẽ tình hình tội phạm xảy ra, phối hợp cùng CQĐT kịp thời phân loại và khởi tố chính xác đối với các vụ án hình sự, hạn chế được việc bỏ lọt tội phạm cũng như làm oan người vô tội. VKS duy trì tốt chế độ trực nghiệp vụ nên đã kịp thời cử KSV tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi khi nhận được thông báo của CQĐT góp phần thực hiện tốt hoạt động kiểm sát khởi tố, hạn chế đến mức thấp nhất việc đình chỉ điều tra vụ án do không có sự kiện phạm tội.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác KSĐT thấy có nhiều thiếu sót, vi phạm trong công tác khám nghiệm hiện trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo (vụ Vũ Văn Tuấn) (xem mục 2.1 phụ lục 2). Thậm chí có vụ án có nhiều sai sót trong công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi dẫn đến có vụ án phải đình chỉ điều tra vì không chứng minh được tội phạm (vụ Trịnh Văn Hợp). Có vụ án do không làm tốt hoạt động kiểm sát khởi tố đã dẫn đến việc CQĐT phải đình chỉ điều tra; sau đó, VKS ra quyết định hủy Quyết định đình chỉ điều tra do việc đánh giá lỗi, người điều khiển phương tiện gặp khó khăn vì công tác khám nghiệm không mô tả chiều hướng, kích thước vết phanh để lại trên hiện trường để có căn cứ trưng cầu giám định. Các cơ quan tố tụng cấp trên phải rút hồ sơ để xem xét, giải quyết gây kéo dài và dư luận phức tạp (vụ tai nạn giao thông ở Kiến An). Một số vụ án, CQĐT chậm trễ trong việc khởi tố vụ án để tiến hành điều tra nhưng VKS chưa cương quyết ra văn bản yêu cầu CQĐT khởi tố dẫn đến vụ án bị kéo dài, khó khăn trong việc điều tra (vụ Bùi Văn Cường). Có vụ án do không làm tốt hoạt động kiểm sát khởi tố đã dẫn đến việc phải trả hồ sơ cho CQĐT để yêu cầu thay đổi tội danh hoặc để khởi tố thêm bị can (Vụ Nguyễn Mạnh Hùng). Cá biệt có vụ án do không làm tốt công tác kiểm sát khởi tố đã bị hủy bản án để điều tra xét xử lại (vụ Đoàn Văn Cường). Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại trên là do: KSV yếu về năng lực nên không phát hiện ra những vi phạm của CQĐT; không nắm chắc tiến độ điều tra nên không kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra nhằm định hướng điều
tra vụ án. Không làm tốt hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi có tư tưởng qua loa, đại khái thiếu kiên quyết trong việc yêu cầu CQĐT đo, vẽ chính xác dấu vết, vật chứng tại hiện trường. Nhận thức của một số KSV THQCT, KSĐT chưa đúng đắn, chưa phân biệt dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, đánh giá không đúng tính chất hành vi phạm tội của bị cáo nên đã áp dụng sai tội danh.
b. Phê chuẩn khởi tố bị can và một số hoạt động khác có liên quan đến hoạt động phê chuẩn khởi tố bị can
Tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, âm mưu và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn nhưng hoạt động khởi tố vụ án, khởi tố bị can, yêu cầu CQĐT khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của VKS đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ (xem bảng 2.1 phụ lục 1).
Theo số liệu thống kê của VKSNDTP Hải Phòng số vụ án VKS khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; yêu cầu CQĐT khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cụ thể như sau:
Trong 6 năm, VKS đã yêu cầu CQĐT khởi tố 231 vụ đều được CQĐT khởi tố. Cụ thể những đơn vị có nhiều yêu cầu khởi tố: Phòng 1, 1A VKSND thành phố; VKSND quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Đồ Sơn; huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão. VKS đã hủy quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT là 7 vụ; ra quyết định khởi tố vụ án chuyển CQĐT để điều tra theo thẩm quyền là 7 vụ và yêu cầu CQĐT thay đổi quyết định khởi tố vụ án là 2 vụ.
Trong chương trình công tác năm, VKS Hải Phòng luôn đề cao hoạt động phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bảo đảm việc thực hiện tuân theo quy trình chặt chẽ, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; vì vậy, không có trường hợp nào VKS phê chuẩn sau đó Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.
Trong 6 năm (2006- 2011) VKS ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 18778 bị can, từ chối phê chuẩn 35 bị can; yêu cầu khởi tố 170 bị can; yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố đối với 17 bị can đều được CQĐT chấp nhận và thực hiện; ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với 8 bị can chuyển CQĐT điều tra theo thẩm quyền. Kết quả các bị can đều bị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử có tội như quyết định của VKS. Cụ thể, vụ Vũ Văn Hiến, trú tại: Số 23/185 Tôn Đức Thắng, Lê Chân, Hải Phòng, VKSNDTP Hải Phòng khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bổ sung đối với bị can Hiến về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chuyển CQĐT điều tra theo thẩm quyền hoặc Đỗ Thế Hùng, sinh năm 1968, trú tại: Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình bị CQĐT khởi tố về tội Làm giả con dấu và có văn bản đề nghị VKSNDTP Hải Phòng phê chuẩn. Xét thấy, hành vi của Hùng không cấu thành tội Làm giả con dấu nên đã ra quyết định hủy quyết định khởi tố bị can của CQĐT.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được VKSNDTP Hải Phòng còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại: KSV được phân công THQCT, kiểm sát khởi tố vụ án đã không làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, thụ động trong việc nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu điều tra không sát với nội dung vụ án dẫn đến quyết định khởi tố vụ án, bị can không đúng người, đúng tội hoặc bỏ lọt tội phạm; phải trả hồ sơ giữa các CQTHTT khiến vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án. KSV chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ để đối chiếu với các quy định của pháp luật xem hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa? Dẫn đến có một số trường hợp phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm, tòa án tuyên bị cáo chỉ phạm một trong hai tội VKS đã truy tố.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do KSV THQCT, KSĐT vụ án còn chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ và ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa làm tốt việc KSĐT từ đầu và kiểm sát kết thúc
điều tra, đánh giá chứng cứ chưa khoa học, thận trọng; do đó đã dẫn đến những hạn chế tồn tại trong công tác.