Đấu tranh phòng, chống tội phạm là sự nghiệp của toàn dân, mọi công dân đều có nghĩa vụ tích cực tham gia. Tuy nhiên, trách nhiệm đó có những yêu cầu, giới hạn cụ thể khác nhau. Một VAHS xảy ra, trách nhiệm của các cơ quan THTT phải chứng minh sự thật của vụ án, xác định tội phạm và người phạm tội để giải quyết vụ án một cách chính xác, đúng pháp luật. Vì vậy, để giải quyết nhanh chóng, đúng đắn vụ án thì một trong những yêu cầu quan trọng cần phải quán triệt là các cơ quan THTT và người THTT phải thực hiện tốt nghĩa vụ chứng minh của mình. Để giải quyết VAHS nói chung, nghĩa vụ chứng minh đã thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật tố tụng
hình sự. BLTTHS năm 2003 không có điều luật cụ thể quy định các chủ thể có trách nhiệm chứng minh trong VAHS nói chung và giai đoạn điều tra nói riêng, mà các chủ thể có trách nhiệm chứng minh được quy định rải rác trong BLTTHS tại một số điều luật cụ thể.
Điều 10 BLTTHS năm 2003 quy định: “CQĐT, VKS và TA phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ các chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” [36]. Điều này thể hiện, trách nhiệm cũng như nghĩa vụ chứng minh vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ thuộc hoàn toàn về bên buộc tội.
Ở giai đoạn điều tra, nghĩa vụ chứng minh thuộc về CQĐT và VKS (cụ thể là Điều tra viên và Kiểm sát viên). Pháp luật tố tụng hình sự quy định cụ thể thẩm quyền điều tra của CQĐT tại Điều 110 BLTTHS năm 2003 đảm bảo về tổ chức, thẩm quyền. Nghĩa vụ chứng minh của Điều tra viên là phát hiện và thu thập chứng cứ thông qua các hoạt động điều tra, xác định sự việc phạm tội xảy ra trong những điều kiện, hoàn cảnh nào; ai là người thực hiện hành vi phạm tội và chứng minh lỗi của họ… Điều tra viên trực tiếp phát hiện chứng cứ thông qua các hoạt động điều tra như: hỏi cung bị can, khám xét, khám nghiệm hiện trường… Bên cạnh các hoạt động thu thập chứng cứ, Điều tra viên còn có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, không để bị can tiếp tục phạm tội. Thông qua những hoạt động này, Cơ quan điều giúp VKS thực hiện chức năng buộc tội. Mặt khác, VKS, Kiểm sát viên với nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc
tuân thủ theo pháp luật trong tố tụng hình sự cũng có trách nhiệm chứng minh trong giai đoạn điều tra VAHS. Ở giai đoạn này, Kiểm sát viên thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động điều tra của CQĐT, Điều tra viên và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định theo Điều 23, Điều 112 BLTTHS hiện hành. Vì vậy, Điều tra viên và Kiểm sát viên được phân vào nhóm chủ thể có trách nhiệm thực hiện chức năng buộc tội - phải có nghĩa vụ chứng minh ở giai đoạn điều tra.
Như vậy, tham gia chứng minh trong VAHS gồm nhiều chủ thể khác nhau. Nghĩa vụ chứng minh trong điều tra VAHS là nghĩa vụ thu thập, đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội trước pháp luật, nghĩa vụ này thuộc về CQĐT, VKS và những chủ thể khác theo quy định của pháp luật, nhưng chủ yếu và trực tiếp là hoạt động các Điều tra viên. Những người tham gia tố tụng khác đều có quyền nhưng không buộc pháp thực hiện quyền đó như nghĩa vụ. Bởi vì, công việc chứng minh ở giai đoạn điều tra rất phức tạp, đòi hỏi các chủ thể của hoạt động này phải am hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật và phải có kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn chuyên sâu về công tác phát hiện, điều tra tội phạm. Pháp luật quy định nhằm đảm bảo các chủ này có đủ khả năng hoàn thành tốt đòi hỏi giải quyết vụ án. Trong giai đoạn này, CQĐT, VKS có quyền sử dụng các biện pháp điều tra, các nguồn chứng cứ khác nhau để chứng minh để điều tra vụ án. Điều tra viên, Kiểm sát viên phải đưa nhiều giả thiết khác nhau và mỗi giả thiết đều phải được chứng minh để loại trừ hay xác định để có thể đưa đến kết luận về vụ án. Mặt khác, CQĐT, VKS phải sử dụng mọi chứng cứ thu thập được trong vụ án, không loại trừ chứng cứ nào để chứng minh cho các giả thiết điều tra đặt ra.
Bị can và những người tham gia tố tụng khác có quyền xuất trình chứng cứ, đưa ra những đồ vật, những yêu cầu nhưng không buộc phải thực
hiện nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Mặc dù, bị can trong giai đoạn điều tra là người nắm thông tin đầy đủ nhất liên quan đến hành vi phạm tội do họ thực hiện nhưng lời khai của họ không thể thay thế và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác điều tra và xử lý VAHS. Trên thực thế do xuất phát từ những động cơ khai báo khác nhau nên lời khai của họ không bao giờ cũng đáng tin cậy. Điều 49 BLTTHS năm 2003 quy định các quyền của bị can. Trong đó, việc đưa ra chứng cứ (tài liệu, đồ vật), yêu cầu là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của bị can. Vì vậy, trong trường hợp bị can từ chối không khai báo hoặc đưa ra lời khai giả dối, thì bị can không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bản thân bị can có quyền quyết định lựa chọn việc đưa ra lời giải thích nào đối với sự buộc tội. BLTTHS năm 2003 quy định: người bị tạm giữ, bị can được quyền đưa ra chứng cứ và yêu cầu của mình mà thực chất là yêu cầu cơ quan THTT phải xem xét, nghiên cứu để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Việc BLTTHS nước ta quy định quyền khiếu nại của người bị tạm giữ, bị can về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan THTT, người THTT có ý nghĩa rất quan trọng, buộc các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, hạn chế những hoạt động xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra, còn được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51, Điều 52; điểm b khoản 2 Điều 53; điểm a Khoản 1 Điều 54… BLTTHS năm 2003 của những người tham gia tố tụng. Những người tham gia tố tụng có quyền lợi pháp lý trong vụ án gồm có bị can, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người này cũng tham gia vào hoạt động chứng minh do chủ thể chứng minh tiến hành nhưng không phải là chủ thể chứng minh. Bởi vì, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, họ không có trách nhiệm chứng minh và họ cũng không thực hiện hoạt động chứng minh theo đúng nghĩa của
hoạt động chứng minh VAHS. Theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, họ không có khả năng, thẩm quyền thu thập chứng cứ như các cơ quan THTT mà chỉ có quyền thu thập và đưa ra những tài liệu, đồ vật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhưng để trở thành chứng cứ thì những tài liệu, đồ vật ấy phải được cơ quan THTT ghi nhận, thu giữ theo trình tự, thủ tục luật định. Sau khi kiểm tra, đánh giá người THTT có toàn quyền xác định các tài liệu đó có phải là chứng cứ hay không, có giá trị chứng minh hay không và quyết định có sử dụng hay không…
Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định tham gia vào quá trình chứng minh theo giấy triệu tập của CQĐT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra thuận lợi, mang tính khách quan cao. Những người này có trách nhiệm giúp cho các chủ thể chứng minh những hoạt động cần thiết mà không phải là chủ thể chứng minh. Vì vậy, họ không phải là chủ thể thực hiện hoạt động chứng minh nói chung, chứng minh trong giai đoạn điều tra VAHS nói riêng. Đây là quan điểm tiến bộ, phản ánh bản chất dân chủ của quá trình tố tụng hình sự và được xây dựng trên cơ sở pháp lý và thực tiễn vững chắc.
Tại Điều 63 BLTTHS năm 2003 thể hiện một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc suy đoán vô tội, cũng khẳng định trách nhiệm thuộc về cơ quan THTT: “Khi điều tra, truy tố, xét xử VAHS, CQĐT, VKS và TA phải chứng minh…”, chứ không phải bị can, bị cáo có nghĩa vụ chứng minh. Điều luật đã cụ thể hóa trách nhiệm chứng minh của các cơ quan THTT và CQĐT, VKS trong giai đoạn điều tra đối với bốn nhóm vấn đề cần phải chứng minh, trong đó vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất làm cơ sở cho toàn bộ các hoạt động chứng minh sau đó là: “Có hành vi phạm tội xảy ra hay không”. Trong quy định này, nhà làm luật đòi hỏi sự khách quan trong việc xem xét sự vật, hiện tượng nói chung, và sự kiện phạm tội nói riêng của các
cơ quan THTT, người THTT. Nếu cứ định kiến là chắc chắn có tội phạm, hoặc chắc chắn là không có tội phạm sẽ dẫn đến nhiều sai lầm trong tố tụng hình sự là làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Trong giai đoạn điều tra VAHS, CQĐT, VKS có trách nhiệm xác định một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện, chính xác tất cả các sự kiện, tình tiết phải chứng minh trong VAHS. Các chứng cứ đều phải được CQĐT phát hiện, thu thập, kiểm tra và đánh giá theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, quy định chủ thể có trách nhiệm chứng minh còn được quy định tại Điều 65 và Điều 66 BLTTHS năm 2003. Theo đó, chủ thể có trách nhiệm chứng minh vẫn được liệt kê là các cơ quan THTT. Ở giai đoạn điều tra là Điều tra viên và Kiểm sát viên.
Tuy nhiên, Điều 111 BLTTHS năm 2003 quy định về quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân khi được giao nhiệm vụ điều tra. Do đó, trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình, các chủ thể này phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra theo quy định theo BLTTHS và pháp luật hiện hành. Vì vậy, họ cũng có trách nhiệm chứng minh trong giai đoạn điều tra VAHS.
Như vậy, BLTTHS năm 2003 đã liệt kê tên các chủ thể có trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự nói chung, trong giai đoạn điều tra VAHS nói riêng tại một số điều luật cụ thể, tuy nhiên sự liệt kê này còn thiếu thống nhất. Bởi lẽ, Điều 10, Điều 63, Điều 65, Điều 66 và một số điều khoản khác của BLTTHS chỉ liệt kê tên các cơ quan THTT có trách nhiệm chứng minh tội phạm, chưa nêu được tên các chủ thể khác cũng có thẩm quyền và trách nhiệm chứng minh tội phạm theo quy định tại Điều 111 BLTTHS. Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBTVQH11 về tổ chức điều tra hình sự ngày 20/08/2004 quy
định một số cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Bộ đội biên phòng, Cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm lâm, Cảnh sát biển, Các cơ quan khác của Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân và Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân. Như vậy chủ thể tiến hành hoạt động điều tra ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên còn có các chủ thể khác thuộc các cơ quan nêu trên.