Xử lý vi phạm về hóa đơn của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực kế toán ở việt nam (Trang 87 - 89)

3.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm trong lĩnh

3.2.1. Xử lý vi phạm về hóa đơn của doanh nghiệp

+ Về ngăn chặn và phát hiện các hành vi thành lập công ty ma mua bán, in và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, xuất phát từ các quy định về thành lập doanh nghiệp quá thông thoáng, thủ tục đơn giản, không có sự kiểm tra kịp thời sau đăng ký kinh

doanh dẫn đến các vi phạm về hóa đơn chứng từ kế toán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mất niềm tin của thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Do vậy, nhà nước cần phải phổ biến rộng rãi các tiêu chí nhận dạng doanh nghiệp có khả năng in, phát hành, bán hóa đơn bất hợp pháp ở các đơn vị kinh doanh có các dấu hiệu như không đóng góp vốn điều lệ theo quy định, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; các DN xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại, thay đổi người đại diện trước pháp luật, thay đổi trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý thuế; các DN không có thông báo phát hành hóa đơn, hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hoặc chậm báo cáo...

+ Các cơ quan thuế căn cứ vào cơ sở dữ liệu về khai thuế, sử dụng hóa đơn, tài khoản giao dịch và các giao dịch đáng ngờ, tập trung phân tích dấu hiệu vi phạm đối với DN có tên trong danh sách rủi ro về mua bán hóa đơn bất hợp pháp để có giải pháp kịp thời, tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế khi có dấu hiệu bất thường. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo pháp luật.

+ Tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để quản lý hóa đơn, quản lý thuế, chống thất thu cho NSNN, đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tăng cường kiểm tra công tác kế toán của các đơn vị kinh doanh để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn trong thanh toán, quyết toán thuế, hoàn thuế...

+ Về căn cứ xác định hậu quả vi phạm hóa đơn, Bộ luật Hình sự nên quy định cụ thể căn cứ xác định từ thiệt hại cụ thể được tính bằng tiền và bỏ quy định tính toán hậu quả thiệt hại theo số lượng phôi hóa đơn, chứng từ.

+ Việc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã làm cho quy định về xử lý hình sự đối với tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 204, Bộ luật Hình sự 2015) trở nên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ thông tin hiện nay. Vì vậy, kiến nghị bãi bỏ tội này vì những quy định xử phạt hành chính về thuế đã đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm và thực hiện quan điểm của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự cũng như việc thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển.

+ Ban hành một hệ thống văn bản pháp luật thống nhất các quy định về quản lý, sử dụng và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng hóa đơn; quy định chi tiết về các loại hóa đơn không hợp pháp, hình thức xử lý từng loại theo nhóm vi phạm về hóa đơn.

+ Nâng cao ý thức của người bán hàng, người mua hàng trong quản lý, sử dụng hóa đơn, khuyến khích người tiêu dùng yêu cầu người bán hàng phải lập hóa đơn nhằm chống khai man, trốn thuế và góp phần giáo dục ý thức chấp hành chính sách về thuế đối với người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích về chính sách thuế, về các quy định trong quản lý, sử dụng hóa đơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực kế toán ở việt nam (Trang 87 - 89)