1.2. Vai trò, đặc điểm của báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp
1.2.1. Vai trò của báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho nông dân
Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống chính trị - xã hội mà một trong những tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ là tuyên truyền đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do đó, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9-12-2003 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, GDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó yêu cầu:
Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, GDPL, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về pháp luật với
hình thức phong phú, sinh động; tăng thời lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số [1, tr.36]. Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Phổ biến, GDPL nhằm quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, GDPL. Luật quy định rõ hình thức đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử và phổ biến, GDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ tuyên truyền pháp luật là một trong những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí là: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” [43, tr.45].
Với chức năng là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác phổ biến, GDPL, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần phản ảnh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, củng cố niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhìn từ một khía cạnh khác, báo chí cũng đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, báo chí cũng là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Báo chí phản ảnh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc
trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Đặc biệt, ngày nay với sự phát triển đa dạng của các loại hình báo chí và việc phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả và chất lượng của thông tin trong đó có các thông tin về pháp luật.
Theo đó, báo chí có những vai trò sau đây trong phổ biến, GDPL cho nông dân:
Giúpngười dân có được hiểu biết về pháp luật, nhận thức về quyền: Báo chí
thường xuyên cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin các hoạt động liên quan đến pháp luật, giúp người dân thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động pháp luật. Mặt khác, báo chí còn cung cấp cho công dân nắm được các quy định của pháp luật và hoạt động tư pháp, hành pháp, lập pháp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với những việc làm như vậy báo chí đã cung cấp cho người dân những hiểu biết về pháp luật, góp phần hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật. Khi tính tự giác hình thành nó sẽ trở thành động lực giúp người dân có được định hướng để lựa chọn hành vi ứng xử phù hợp với yêu cầu của pháp luật khiếu nại, tố cáo.
Thực tế hiện nay, ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa hiểu biết về pháp luật của nông dân còn rất hạn chế. Nhiều nông dân khi vi phạm pháp luật đã thành thật là họ không hiểu luật, hoặc chỉ được nghe loáng thoáng trên đài, ti vi. Phần lớn hành vi phạm pháp của họ là không có tổ chức, không tính toán mà chỉ do bột phát, không kiểm soát được hành động của mình. Nhiều nông dân không hiểu pháp luật quy định họ được làm gì và cấm họ làm gì. Thậm chí, khi đứng trước vành móng ngựa họ cũng không hiểu mình phạm tội đến mức độ nào.
Nguyên nhân là do vấn đề tuyên truyền pháp luật cho nhân dân – nhất là cho nông dân lâu nay chưa được chú ý đúng mức. Người dân muốn tìm hiểu pháp luật lại bị hạn chế bởi nhiều xã hiện nay chưa có tủ sách pháp luật, hoặc nếu có chỉ lèo tèo 3-5 cuốn sách luật. Biên chế mỗi xã hiện nay có 1 cán bộ tư pháp, nhưng trình độ hạn chế, nên khi nông dân khiếu nại, lại trả lời sai hoặc để kéo dài, sinh ra khiếu kiện vượt cấp. Theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam thì có trên 90% nông dân không biết đầy đủ pháp luật, chính sách; 40-45% nông dân hiểu biết pháp luật ở mức trung bình. Đây là một thực trạng đáng buồn, bởi khi nông dân không hiểu biết
pháp luật, chính sách sẽ gây khó khăn cho việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật, nông dân không phát huy được quyền làm chủ và cũng chính tình trạng này làm cho nền kinh tế chậm phát triển. Theo thống kê của cơ quan thanh tra và của văn phòng tiếp dân của UBND các cấp, có khoảng 30% đơn thư khiếu kiện sai do dân không nắm được luật.
Vì vậy, để người dân nắm vững kiến thức pháp luật thì hệ thống tuyên truyền, GDPL phải được hình thành rộng khắp; tùy từng vùng, miền mà định hướng tuyên truyền pháp luật cho phù hợp. Thí dụ, đối với miền núi cần chú trọng tuyên truyền pháp luật của Nhà nước về hộ tịch, di cư, nhập cư, các chính sách về vay vốn, xóa đói giảm nghèo, luật hôn nhân và gia đình... giúp họ hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng như xóa bỏ hủ tục lạc hậu như di dân tự do, tảo hôn, ma chay tốn kém. Đồng thời thông qua GDPL cần làm cho người dân phân biệt rõ đâu là pháp luật, đâu là tục lệ. Với người nông dân ở đồng bằng thì tập trung giới thiệu các bộ luật về kinh tế, doanh nghiệp, luật đất đai, luật khiếu nại tố cáo... Nhưng quan trọng hơn là phải đào tạo một đội ngũ cán bộ xã, thôn nắm vững luật pháp cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chú ý hơn nữa việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
Báo chí giúp người dân giám sát hoạt động tư pháp, hành pháp và lập
pháp: Bằng việc phổ biến, GDPL, báo chí cung cấp cho người dân những thông tin
về hoạt động tư pháp, hành pháp và lập pháp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các quy định pháp luật. Những thông tin này giúp cho người dân giám sát hoạt động của cán bộ làm công tác tư pháp, hành pháp và lập pháp. Mặt khác, những thông tin mà báo chí cung cấp cũng giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có sự điều chỉnh hoạt động tư pháp, hành pháp và lập pháp cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm cho hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn.
Nhiều năm qua, báo chí đã có vai trò không hề nhỏ trong việc giám sát quyền lực tư pháp. Bằng ngòi bút sắc bén, báo chí đã phát hiện và đưa nhiều vụ việc oan sai ra ánh sáng công luận, qua đó giúp cơ quan chức năng biết đến, soi xét lại và
đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Trong dòng chảy hiện đại, nhiều nhà báo đã dấn thân vào thực tiễn sinh động của cuộc sống, phát hiện, phản ánh nhiều vụ việc xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp, hoạt động tố tụng để từ đó giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý kịp thời. Báo chí đã góp phần lớn đưa những vụ tiêu cực, vi phạm trong hoạt động tố tụng ra ánh sáng. Nhà nước có hệ thống giám sát, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là những vụ việc báo chí điều tra kỹ lưỡng, phân tích sâu sắc, phản biện mạnh mẽ có tác động tích cực và được quan tâm chỉ đạo làm rõ hơn. Vụ án oan thế kỷ của nông dân Huỳnh Văn Nén có lẽ là một ví dụ rõ nét nhất về cuộc hành trình đấu tranh để đưa sự thật khách quan đến ánh sáng công luận. Trong suốt gần 18 năm ngồi tù oan của ông Nén, nhiều tờ báo và thế hệ nhà báo đã cùng đồng hành với gia đình ông một cách kiên trì và vô tư. Để rồi, dù muộn màng, nhưng sau cùng, ông Nén cũng được trao trả tự do và các cơ quan tố tụng Bình Thuận có lời xin lỗi chính thức với ông.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962) “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” [36, tr.616], trong những năm qua, các nhà báo đã sử dụng ngòi bút của mình để thực hiện vai trò giám sát xã hội. Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm bắt đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề trọng tâm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận, các cơ quan báo chí – truyền thông đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, mang lại hiệu quả rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng giám sát, phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và sức mạnh của báo chí, niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí – truyền thông cũng ngày được nâng cao. Từ các vụ việc trên, có thể thấy, báo chí đã và đang làm tốt những chức năng, vai trò của mình, “tiếng lòng” của người dân được bộc bạch và công lý đã được thực thi, mang lại niềm tin cho công chúng báo chí và giúp người bị oan sai được phục hồi danh dự.
Mặc dù không được thay thế tòa án để phán xét hay buộc tội ai đó, nhưng rõ ràng là báo chí lại có khả năng tìm và chỉ ra những thiếu sót trong hoạt động tư
pháp để đồng hành cùng các cơ quan tố tụng, chống oan, sai, kịp thời minh oan cho nhiều công dân vô tội. Việc đưa lượng thông tin chân thật, khách quan, chuẩn mực và nhiều phía từ các chuyên gia đã giúp các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và điều chỉnh hợp lý.
Sau những vụ án oan “lịch sử” của ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn, chỉ có thể nói rằng, báo chí không đứng ngoài cuộc và đã góp phần giám sát hoạt động tư pháp hiệu quả. Vì vậy để giảm bớt đến mức thấp nhất án oan, cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp về hình sự và tố tụng, nâng cao năng lực trình độ và đạo đức của các cán bộ cơ quan tố tụng và cơ quan giám định… thì việc đề cao vai trò của báo chí sẽ góp phần hạn chế sự lạm dụng quyền lực tư pháp để làm sai. Hay nói cách khác, phát triển mạnh báo chí điều tra không chỉ làm tăng sức sống, sức chiến đấu của báo chí mà còn tích cực làm sáng tỏ vụ việc, giảm oan sai, tránh đi những tổn thất không thể bù đắp cho người lương thiện và gia đình họ khi bị oan sai, góp phần quan trọng để người dân tin tưởng vào công lý, tin tưởng vào cơ quan tư pháp.
Báo chí là kênh chính thống để truyền tải các thông tin pháp luật cần thiết
đến cho người nông dân. Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh
chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với nông dân, giúp đông đảo nông dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội. Báo chí ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung, nông dân nói riêng.
Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nông dân. Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nông dân, báo chí còn là diễn đàn thể hiện quyền tự do ngôn luận của nông dân. Báo chí phản ánh
những đề xuất, kiến nghị của người nông dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Với đặc thù của báo chí là thực hiện hoạt động thông tin phải nhanh nhạy, kịp thời, do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, GDPL trên báo chí luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân.
Để góp phần nâng cao chất lượng phổ biến, GDPL trên báo chí, việc giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật; phản ánh thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật thông qua các vụ việc cụ thể liên quan đến pháp luật hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan Nhà nước; thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo chí; những nhân tố mới trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật, nhất là những cá nhân, tổ chức dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm, những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm... là đáp ứng nhu cầu chung. Vì vậy, có thể nói, trên mặt trận văn hóa - tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL nói riêng, báo chí đóng vai trò là lực lượng xung kích và cần được tiếp tục phát huy hiệu quả.