c) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả
1.2.4. Mặt chủ quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Tội phạm là một thể thống nhất của hai mặt khách quan và mặt chủ quan, nếu mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài thì mặt chủ quan là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội, hai bộ phận này của yếu tố tội phạm có quan hệ mật thiết với nhau, luôn gắn bó với nhau. Hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội luôn được thể hiện thông qua những biều hiện bên ngoài của tội phạm, do vậy, muốn nhận thức biết được mặt chủ quan của tội phạm phải thông qua một quá trình nhận thức theo một phương pháp biện chứng.
Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự - lỗi, tức là thái độ tâm lý của chủ thể được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó (lỗi)" 5, tr. 344. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm nhiều yếu tố hợp thành nhưng chủ yếu nhất là các yếu tố: lỗi, động cơ, và mục đích phạm tội.
Lỗi là nội dung biểu hiện của mặt chủ quan được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý 39, tr. 101. Lỗi luôn bao gồm hai yếu tố là lý trí và ý chí, lý trí chính là năng lực nhận thức thực tại khách quan
còn về ý chí chính là năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức, yếu tố lỗi chỉ được đặt ra khi việc gây thiệt hại cho xã hội đã được thực hiện là kết quả của sự tự lựa chọn và tự quyết định của chủ thể, trong khi chủ thể có đủ điều kiện lựa chọn và quyết định xử sự khác cho phù hợp. Trong mỗi cấu thành tội phạm cơ bản, dấu hiệu lỗi chỉ có thể là lỗi cố ý (gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp) hoặc lỗi vô ý (gồm lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin và lỗi vô ý phạm tội vì cẩu thả).
Theo Điều 9 Bộ luật hình sự, lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Theo Điều 10 Bộ luật hình sự, lỗi vô ý phạm tội vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hại đó. Lỗi vô ý phạm tội vì cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước (hậu quả này).
Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. 1) Về mặt lý trí: người phạm tội nhận thức rõ về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của mình là nguy hiểm cho xã hội (nhận thức được tính chất gây thiệt hại cho xã hội của hành vi đang thực hiện trên cơ sở những tình tiết khách quan), thấy trước hậu quả của hành vi đó (người phạm tội dự kiến
được về sự phát triển của hành vi, hành vi này tất nhiên sẽ gây ra hậu quả hoặc dự kiến hành vi có thể gây ra hậu quả) và mong muốn hậu quả đó xảy ra và mong muốn thực hiện trọn vẹn quá trình phạm tội của mình; 2) Về mặt ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh, nghĩa là hậu quả của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích là chiếm đoạn được tài sản của người khác. Người phạm tội biết tài sản mà mình chiếm đoạt đang có người quản lý, không phải là tài sản của mình nhưng vẫn muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình, do vậy, những trường hợp lầm tưởng là tài sản của mình hoặc tài sản không có người quản lý đều không phải thuộc trường hợp có hành vi chiếm đoạt, do đó, không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Ở đây, người phạm tội mong muốn chiếm đoạt được tài sản vì lợi ích của chính mình hoặc bất kỳ người nào mà người phạm tội quan tâm, việc chiếm đoạt tài sản vì lợi ích của ai trong trường hợp này không có ý nghĩa trong việc xác định hành vi phạm tội.
Động cơ phạm tội được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý 39, tr. 114. Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, động cơ thường là vụ lợi nhưng không có ý nghĩa quyết định đến tính chất nguy hiểm của tội phạm, không thể làm thay đổi tính chất của hành vi, đồng thời không thể dùng làm căn cứ để phân biệt giữa tội phạm này với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác. Mặc dù động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm hay không có ý nghĩa quyết định tính nguy hiểm của hành vi nhưng đối với tội phạm này, động cơ phạm tội có thể được cân nhắc và xem là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Trong tội cụ thể này nếu động cơ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 46 hoặc Điều 48 Bộ luật hình sự thì sẽ được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trong việc lượng hình.
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội 39, tr. 115. Khác với
động cơ phạm tội là yếu tố thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi thì mục đích là điều mà chủ để muốn đạt được khi thực hiện hành vi, mục đích của tội phạm chỉ được thể hiện trong các tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp. Ta xem ví dụ sau:
Vào khoảng 20 giờ ngày 01/01/2003, Lại Anh A rủ Lý Quốc B là bạn cùng xóm đi lên nhà văn hóa huyện để xem ca nhạc, hai tên đi được một đoạn đường thì gặp Phạm Tâm C cũng là bạn liền rủ cùng đi. Khi đến gần nhà văn hóa huyện, A bị Trịnh Văn D đi xe đạp ngược chiều va phải, A chửi anh D. Anh D chửi lại, A xông vào đánh D. Thấy vậy, B cũng xông vào hỗ trợ cho A. Thấy có đánh nhau nên mọi người kéo đến xem đông, gây lộn xộn làm ách tắc giao thông công cộng hơn 2 giở. Trong khi đánh lộn, anh D không có khả năng trông giữ được chiếc xe đạp mini Nhật còn mới của mình, C đã nhanh chân chạy đến lấy luôn chiếc xe đạp của anh D mang về nhà cất giấu không cho A và B biết. Sau đó C đem bán chiếc xe đó được 1,4 triệu đồng.
Hành vi của C đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự. Lỗi của C là lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi lấy chiếc xe đạp mini Nhật của anh D, C nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội, biết rằng chiếc xe đạp đó không phải là của mình mà thuộc sở hữu của D, biết việc lấy chiếc xe đạp đó sẽ làm cho D mất khả năng kiểm soát, định đoạt đối với tài sản. Tuy nhiên, về mặt ý chí, C mong muốn chiếm đoạt được chiếc xe đạp đó và trên thực tế, C đã lấy chiếc xe đạp mini đó trong trường hợp biết rõ anh D vì hoàn cảnh ban đêm, đông người, lại đang đánh nhau với A và B nên sẽ không có khả năng kiểm soát, trông giữ tài sản cũng như ngăn cản hành vi lấy chiếc xe đạp mini Nhật.
Như vậy, có thể khẳng định, trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản,
người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội là để đạt được mục đích phạm tội. Người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không thể có mục đích chiếm đoạt tài sản trong hoặc sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản vì hành vi chiếm đoạt tài sản đã bao hàm mục đích của người phạm tội. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có các mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.