Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 36 - 39)

c) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả

1.2.3. Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Tội phạm được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi của con người, do đó, chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng không phải bất kỳ ai đều trở thành tội phạm, chỉ những người thực hiện hành vi phạm tội mà nhận thức được và điều khiển hành vi đó và họ phải nhận thức được lỗi của mình mới là chủ thể của tội phạm. Một người thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không có lỗi thì không phải là chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể 39, tr. 90;

Là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định (ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể, chủ thể còn phải có một số dấu hiệu bổ sung đặc biệt do quy phạm pháp luật hình sự tương ứng quy định) 5, tr. 343-344.

Như vậy, về mặt lý luận, điều kiện quan trọng để xác định một người có phải là chủ thể của tội phạm hay không thì phải xem xem người đó có năng lực chịu trách nhiệm hình sự hay không, họ có ở vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hay không?. Theo luật hình sự nước ta, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, một người bị coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi "đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Do vậy, có thể khẳng định rằng chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là một thể nhân xác định không bị mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh làm mất khả năng nhận

thức, và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Với cách tiếp cận đó, có thể hiểu chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là con người cụ thể, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định, đã thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có lỗi một cách cố ý. Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo Điều 12 Bộ luật hình sự thì: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Quy định về độ tuổi của người phạm tội xuất phát từ cơ sở cho rằng người trong độ tuổi năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ luôn luôn có thể nhận thức được tính chất xã hội của một số hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định. Và hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là một trong những hành vi mang tính nguy hiểm cao cho xã hội. Một người chưa thành niên thực hiện những hành vi trên họ đều nhận thức được việc làm đó sẽ xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ tài sản, làm cho chủ tài sản mất khả năng kiểm soát đối với tài sản cũng như thực hiện các quyền đối với tài sản. Do đó tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này có thể đặt ra đối với người chưa thành niên phạm tội. Nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với người chưa thành niên phạm tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng, vấn đề cần xem xét là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có phải là tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng hay không để có thể khẳng định người chưa thành niên phạm tội cụ thể là từ 14 đến 16 tuổi có là chủ thể của tội này không.

Theo Điều 8 Bộ luật hình sự quy định "Tội rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình". Như vậy,

theo quy định của Bộ luật hình sự và đối chiếu với khung hình phạt được quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự thì người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự vì khoản 1 Điều 137 là tội phạm ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 137 là tội phạm nghiêm trọng mà theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Xuất phát từ nguyên tắc lãnh thổ, chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường và rất đa dạng. Theo đó, bất kỳ ai nếu nào thoả mãn đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với khung hình phạt và thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thì đều là chủ thể của tội phạm này. Chủ thể của tội này có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, hoặc người không quốc tịch. Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam, người nước ngoài là người mang quốc tịch nước khác và người không mang quốc tịch nhưng thường trú tại Việt Nam, những người này phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo pháp luật Việt Nam.

Có một điểm cần lưu ý khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể của tội phạm là người nước ngoài, đó là theo Khoản 2 Điều 5 Bộ luật hình sự đã quy định: "Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao", do đó chủ thể của tội này là người nước ngoài thì chủ thể này phải không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao.

Ngoài ra khi xem xét chủ thể của tội phạm này cũng cần phải chú ý tới nhân thân của kẻ phạm tội đó là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ, đó là các yếu tố như nghề nghiệp, tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, nhận thức chính trị... Qua việc nghiên cứu nhân thân của người phạm tội các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử có thể làm sáng tỏ một số tình tiết về các yếu tố cấu thành tội phạm như lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)