Khi nghiên cứu về lịch sử phát triển của chế độ quản lý hộ tịch ở Việt Nam, tác giả Phan Văn Thiết cho rằng cho đến thời kỳ Pháp thuộc ở nước ta không tồn tại chế độ quản lý hộ tịch (Phan Văn Thiết, Hộ tịch chỉ nam). Tác giả lý giải quan điểm này bằng các luận cứ sau:
- Thứ nhất, tổ chức hành chính của nước ta trong các triều đại phong kiến mô phỏng chế độ hành chính của Nhà nước phong kiến Trung Quốc, “vì luật Tàu không có tổ chức hộ tịch nên nước Việt Nam ta cũng bắt chước như vậy” (28, tr.9);
- Thứ hai, trong thời kỳ phong kiến sự điều hành gia đình ở Việt Nam theo chế độ gia trưởng, do dó, sự tổ chức hộ tịch là không cần thiết. Thay vì hộ tịch, người Việt và người Tàu thủơ xưa sử dụng việc ghi gia phả (28, tr.10).
Khảo cứu qua bộ sử liệu như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Việt sử thông giám cương mục”… có thể thấy thuật ngữ “hộ tịch” đã xuất hiện từ rất sớm, bên cạnh nó còn các từ cổ có liên quan và cùng nằm trong phạm trù quản lý dân cư như “hộ khẩu”, “trướng tịch”, “sổ dân bạ”, “tiểu điển”, “đại điển”, “phụ tịch”, “chính hộ”, “khách hộ”… Tuy nhiên việc quản lý dân cư của nhà nước trung ương trong thời kỳ phong kiến chỉ thuần tuý là hoạt động quản lý đinh. Để có câu trả lời đầy đủ và toàn diện về quản lý hộ tịch ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến, theo chúng tôi cần xem xét và làm rõ các vấn đề: Chế độ quản lý đinh qua các triều đại phong kiến; các yếu tố quản lý hộ tịch trong lệ làng phong kiến; vai trò của gia phả và mối liên hệ giữa gia phả và hộ tịch.
Thứ nhất, chế độ quản lý đinh:
* Triều Ngô (939-965), Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009)
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, theo sự ghi chép của chính sử thì năm 939, sau chiến thắng Bạch Đằng Giang lẫy lừng, Ngô Quyền đã từ bỏ chức An Nam Tiết độ sứ mà triều đình phong kiến phương Bắc thời Hậu Chu phong cho để xưng vương, lập nên vương triều nhà Ngô. Đây là dấu son khép lại hơn 1000 năm Bắc thuộc và mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Tuy nhiên sự tồn tại của vương triều nhà Ngô chỉ vẻn vẹn 15 năm với bối cảnh chính trị đầy rối ren, bất ổn bởi các cuộc thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ vương triều cũng như sự cát cứ của các sứ quân. Bởi vậy trong thời kỳ này bộ máy chính quyền và quản lý nhà nước không được chăm lo. Chỉ đến năm 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ
quân và lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Đinh với quốc hiệu là Đại Cồ Việt thì mới hình thành ở nước ta bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền tương đối vững chắc. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, vấn đề quản lý nhà nước đã được nhà nước phong kiến quan tâm để củng cố sức mạnh của vương triều. “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trấn quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, tr.221). Tuy nhiên, theo nhận xét của Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” thì từ đời Lý, Trần trở về trước thì “phép quốc dụng chỉ còn đại lược”. Trong bối cảnh chung ấy, dưới triều Ngô, Đinh và Tiền Lê chưa có các quy định về quản lý đinh.
* Triều Lý (1009-1225)
Bắt đầu từ thời nhà Lý (1009 - 1225), khi nhà nước Đại Việt được củng cố và phát triển ổn định thì việc kiểm soát đinh số rất được coi trọng nhằm phục vụ cho hai mục đích thiết yếu của nhà nước trung ương tập quyền, đó là củng cố sức mạnh quân sự chống ngoại xâm và thu thuế. “Thuế chính cung lấy ở dân, thì số hộ khẩu tăng hay giảm , nguồn của cải do đó mà thừa hay thiếu, cho nên số đinh phải tra xét cho rõ ràng” [3, tr.217]. Tuy nhiên việc quản lý đinh dưới các triều vua thời Lý còn rất đơn giản. Dân đinh nào đến 18 tuổi thì gọi là hoàng nam, biên vào sổ bìa vàng; đến 20 tuổi thì gọi là đại nam. Đến đời Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 8 thực hiện việc kiểm soát lại số hoàng nam, chia làm 3 bậc: đại hoàng nam, hoàng nam và tiểu hoàng nam.
* Triều Trần (1225-1400)
Vương triều nhà Lý khép lại, Trần Thái Tông, vị vua mở đầu thời kỳ thịnh trị của nhà Trần ngay từ những năm đầu tiên đã đưa việc quản lý đinh đi vào quy củ, bắt đầu từ việc duyệt định lại số dân đinh của phủ Thanh Hoá qua trướng tịch (sổ hộ khẩu) vào năm Kiến trung thứ 4 (năm 1228). Noi theo lệ cũ
của nhà Lý, nhà Trần vẫn tiếp tục duy trì việc các xã quan phải khai báo nhân khẩu trong xã mỗi năm một lần vào đầu mùa xuân. Điểm đáng chú ý trong quản lý đinh những năm đầu thời Trần là các nội dung kê khai trong trướng tịch đã phức tạp hơn hẳn thời Lý với các yêu cầu sau:
- Phân loại cư dân theo địa vị xã hội: khai rõ các hạng tôn thất, quan văn, người có phẩm hàm về hàng văn, quan võ, người có phẩm hàm về hàng võ, quan theo hầu, quân nhân tạp lưu(1)
...;
- Phân loại theo độ tuổi, sức khoẻ: hoàng nam, long lão (người già yếu), bất cụ (người tàn tật);
- Phân loại theo tính chất cư trú: người bản địa, dân ngụ cư (phụ tịch), dân phiêu tán từ nơi khác đến (xiêu dạt).
Để kiểm soát công việc của các xã quan, Trần Thái Tông còn giao cho trọng thần của triều đình thực hiện việc duyệt định trướng tịch. Tuy nhiên dưới triều đại của mình, Trần Thái Tông chỉ quan tâm đến việc kiểm soát trướng tịch của hai phủ Thanh Hoá và Nghệ An (năm Thiên ứng chính bình thứ 2 {1933} sai đại thần Phùng Tá Chu duyệt định ở phủ Nghệ An và năm Thiên ứng chính bình thứ 7 lại sai Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ duyệt định trướng tịch của phủ Thanh Hoá). Phải đến năm Thiên ứng chính bình thứ 12 (1243) thì việc duyệt định trướng tịch mới mở rộng ra toàn bộ 12 lộ. Mỗi lộ có một quyển dân tịch của riêng lộ ấy [15, tr.128]. Chính sử không giải thích lý do của hiện tượng này nhưng theo giả thiết của Phan Huy Chú thì do dưới thời Lý việc quản lý miền Thanh Nghệ còn sơ sài nên nhà vua mới đặc biệt quan tâm chỉnh đốn việc hành chính của hai phủ này. Tuy nhiên theo chúng tôi, việc Trần Thái Tông đặc biệt quan tâm đến việc quản lý hành chính nói chung và quản lý đinh số nói riêng của vùng Thanh Nghệ còn có thể giải thích
(1)
Theo Việt sử thông giám cương mục thì dưới thời Trần, quan về ngành tăng đạo như tăng chính, tăng phó, đạo chính, đạo phó cũng thuộc hàng quan tạp lưu.
như sau: trong thời kỳ này cương giới lãnh thổ của nước ta về phía Nam chỉ tới Bắc Trung Bộ, vùng Thanh Nghệ là địa bàn tiếp giáp cận kề với nước Chiêm Thành, việc đối phó với mối hoạ cướp phá, đòi lại đất cũ của giặc phương Nam ở vùng biên ải luôn là mối lo âu của vương triều nhà Trần. Từ đó vấn đề kiểm soát đinh số để củng cố tiềm lực quân sự ở địa bàn này có ý nghĩa thiết yếu và được các vua Trần đặc biệt quan tâm. Không chỉ Trần Thái Tông mà cả các triều vua kế nghiệp cũng tiếp tục kế sách này: Trần Minh Tông, năm Đại Khánh thứ 3 (1316) giao cho trọng thần là Nhân Huệ đại vương Trần Khánh Dư tiếp tục kiểm soát dân tịch ở Nghệ An. Trần Dụ Tông, năm Đại trị thứ 9 (1366) sai tả hữu bộc xạ là Tăng Khoan và Lê Quát đi kinh lý duyệt định trướng tịch ở riêng phủ Thanh Hoá.
Trên nền tảng chế độ quản lý đinh dưới triều Trần Thái Tông, các triều vua Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông tiếp tục củng cố việc tra xét nhân khẩu nhưng theo sử gia Phan Huy Chú thì về cuối thời Trần, việc thực hiện hoạt động này không được tường tận như trước đó nữa.
* Triều Hồ (1400-1407)
Khi còn làm Phụ chính thái sư dưới triều Trần Nghệ Tông, trong chính sách cải cách hành chính của mình, Lê Quý Ly đã đặt lệ mỗi lộ phải có một tập sổ sách về những việc đinh điền, cuối năm các lộ phải đệ về kinh để kê cứu. Tháng 2/1400, sau khi đoạt ngôi của nhà Trần bằng việc phế Trần Thiếu Đế (1398-1400) và đổi sang họ Hồ, Hồ Quý Ly ở ngôi một năm rồi nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái Thượng hoàng
Năm 1400, để “có được trăm vạn quân chống giặc phương Bắc” [3, tr.220], Hồ Quý Ly đã tổ chức làm gộp hộ tịch trong cả nước nhưng không theo phép cũ mà mở rộng việc biên chép tất cả những người từ 2 tuổi trở lên,
đồng thời cho yết thị khắp nơi buộc dân ngụ cư hoặc dân xiêu tán ở các nơi phải trở về nguyên quán, người nào ẩn lậu thì bị phạt. Kết quả của việc áp dụng kế sách như trên là sau khi sổ hộ tịch làm xong, kiểm điểm số nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên đến dưới 60 tuổi được đăng tịch tăng lên gấp bội, từ đó số quân thêm ra được rất nhiều.
* Triều Lê (thời kỳ 1428 – 1527)
Sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi hết sức quan tâm đến việc chấn chỉnh hệ thống hành chính cơ sở. Mùa đông năm Thuận Thiên thứ nhất (11/1428) Lê Thái Tổ xuống chỉ truyền cho các phủ huyện trấn lộ làm sổ hộ tịch, hạn đến tháng 2 năm sau phải nộp đầy đủ. Cùng với việc kiểm soát đinh số, Lê Thái Tổ còn tổ chức lại hệ thống hành chính cơ sở thành 3 loại theo số đinh:
- Tiểu xã: xã loại nhỏ có từ 10 đến 49 đinh, mỗi xã loại này chỉ đặt 1 viên xã quan trông coi việc trong xã;
- Trung xã : loại trung bình có từ 50 đến 99 đinh, mỗi xã đặt 2 viên xã quan;
- Đại xã: loại lớn có từ 100 đinh trở lên, mỗi làng đặt 3 viên xã quan [34; tr.298].
Dưới triều đại của mình, cứ 3 năm 1 lần Lê Thái Tổ lại xuống chiếu gộp làm sổ hộ tịch. Đến đời Lê Thánh Tông thì đặt lệ 6 năm gộp làm sổ hộ tịch một lần. Khi đến kỳ làm sổ các quan phủ huyện châu đòi họp các xã quan đem sổ hộ khẩu của xã mình lên kinh đô để đối chiếu. Tuy nhiên, đến năm Hồng Đức thứ nhất (1470) thì Lê Thánh Tông định lệ lại 3 năm một lần làm hộ tịch, gọi là tiểu điển, 6 năm một lần làm hộ tịch gọi là đại điển. Nằm trong chủ trương cải cách bộ máy quản lý hành chính nên dưới triều Lê Thánh Tông,
việc quản lý đinh có những bước phát triển vượt bậc cả về yếu tố kỹ thuật và việc tổ chức thực hiện.
Về mặt kỹ thuật, việc khai báo hộ tịch đặt ra nhiều yêu cầu hơn, đó là: - Đơn vị để khai báo hộ tịch là hộ;
- Phân biệt chính hộ (hộ chính quán ở xã) và khách hộ (hộ ngụ cư);; - Phân biệt thứ dân làm ba loại học trò, chức sắc và nhân đinh. Đối với học trò, người nào sảo thông thì cho làm hạng nhiêu học. Tra xét những người chức sắc ở xã để thanh trừ những kẻ giả mạo. Nhân đinh được chia làm 5 hạng như sau:
+ Tráng (những người khoẻ mạnh là nguồn bổ sung cho quân ngũ); + Quân (theo chính sách “ngụ binh ư nông” đây là quân dự bị đã được tuyển nhưng cho ở nhà làm ruộng, khi nào ngạch quân có thiếu thì theo thứ tự lấy để bổ sung);
+ Dân; + Lão;
+ Cố cùng (cố: người làm thuê; cùng: người nghèo túng).
- Mọi dân đinh từ 18 tuổi trở lên đều phải khai vào sổ, người nào lậu tịch mà đã từ 10 tuổi trở lên và mạnh khoẻ đều bị sung quân.
- Đến năm Hồng Đức thứ 13 (1428), việc khai hộ tịch lại bổ sung thêm yêu cầu các xã trưởng phải ghi chú rõ phẩm hàm cao thấp của các quan viên, tư cấp nhiều ít. Nếu không cước chú nội dung này hoặc cước chú không rõ ràng mà bị phát hiện thì cả xã trưởng và quan phủ huyện đều bị tội như nhau. Quy định này đã ràng buộc trách nhiệm và làm cho việc lập hộ tịch được thực hiện rất chính xác, nền nếp.
- Việc kiểm soát của nhà nước trung ương đối với việc lập hộ tịch trong thơì kỳ này rất chặt chẽ. Từ năm 1482, sau khi sổ hộ tịch làm xong nhà vua sai quan của lục khoa (Lại khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Hộ khoa, Công khoa) phối hợp với nha lại của Lại bộ và Hộ bộ cùng nho sinh của Tú Lâm cục đến chùa Báo thiên để cùng với các quan phủ huyện kiểm khảo lại.
Việc tổ chức lập hộ tịch dưới triều Lê Thánh Tông cũng rất quy củ, nghiêm ngặt. Vaò dịp làm tiểu điển hoặc đại điển, nhà vua sai các quan phụ trách đi các xứ, mỗi nơi gồm một quan văn, một quan võ và một hoạn quan. Những người mang mệnh vua ban khi đến các nơi được các xã tuỳ theo cấp hạng lớn, nhỏ hay trung bình mà chia bổ số tiền gạo cung đốn cho các quan lại tra xét hộ tịch trong thời gian làm việc tại địa phương đó.
Đánh giá về việc quản lý hộ tịch dưới đời Hồng Đức, sử gia Phan Huy chú đã nhận xét:
“Phép làm hộ tịch ở buổi Lê sơ, từ đời Hồng Đức định lệ rõ ràng mới thật là tiêm tất. Ba năm một lần duyệt lại, kiểm xét không sót, cho nên dân đinh bấy giờ không thể ẩn lậu được, mà công việc binh chính tài chính cứ chiếu sổ là có thể biết được, không mắc cái tệ quá nặng quá nhẹ, là vì đã biết rõ được số hộ khẩu rồi. Quy chế đã thành nề nếp, trải các đời đều theo như thế, người trên cứ thế mà làm, không phiến nhiễu gì, người dưới cũng yên tâm, không ngờ việc gì, số người tăng thêm hay hao đi, không thể lọt ra ngoài sự soi xét, chẳng phải là phép hay ru” [3,tr.222].
* Triều Lê thời kỳ Nam Bắc triều và Trịnh Nguyễn phân tranh (1527- 1788)
Đến đời Lê Cung Hoàng, thời kỳ huy hoàng, thái bình của nhà Lê chấm dứt, nhà Mạc chiếm ngôi đưa đến lịch sử gần sáu chục năm chiến tranh Nam triều Bắc triều hai bên bờ sông Gianh (1527-1599), tiếp sau đó là thời kỳ ly
loạn Trịnh Nguyễn phân tranh (1600-1788). Lịch sử không ghi lại nhiều về vấn đề quản lý dân cư trong thời kỳ này nhưng theo Phan Huy Chú thì trong thời kỳ Nam triều Bắc triều nhà Mạc (Bắc triều) tiếp tục duy trì chế độ kiểm soát hộ tịch đã có từ thời Hồng Đức.
Đời Lê Thần Tông lên ngôi lần thứ hai (1649-1662), năm Vĩnh Thọ thứ nhất (1658)(1)
định ra phép duyệt tuyển (duyệt dân tuyển binh). Đây là thời kỳ diễn ra cuộc giao tranh lần thứ năm hết sức quyết liệt giữa nhà Trịnh và nhà Nguyễn, nhu cầu củng cố lực lượng quân sự của nhà Trịnh hết sức cấp thiết, do đó, vua Lê đã định ra phép duyệt dân tuyển binh rất kỹ lưỡng nhằm bổ sung tối đa dân đinh có sức khoẻ vào lực lượng tham chiến. Phép duyệt tuyển định ra năm Vĩnh Thọ thứ nhất có đặc thù sau:
- Thứ nhất, dân cư được phân chia thành phần như sau:
+ tiểu nhiêu: dưới 18 tuổi (những người đã đến 18 tuổi nhưng thấp bé yếu đuối cũng được bổ vào hạng này);
+ tráng đinh: từ 18 tuổi đến 60 tuổi, có sức khoẻ;
+ lão nhiêu: từ 60 tuổi trở lên (người trên 50 tuổi nhưng già yếu cũng được xếp vào hạng lão nhiêu).
- Việc duyệt tuyển được thực hiện rộng khắp trên hầu hết các đối tượng dân cư, kể cả hàng ngũ quan lại, quý tộc thuộc các trường hợp dưới đây cũng phải khai rõ trong hộ tịch và là đối tượng duyệt tuyển:
+ các tạp chức hàng văn không có thực nhiệm làm việc;
+ các quan võ từ đề đốc, tham đốc, tổng binh trở xuống, các thuộc viên hàng võ nhưng không có quân công hoặc không thực nhiệm làm việc;