TA
Chế độ quản lý hộ tịch không chỉ phản ánh trình độ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử mà nó còn phản ánh ở những mức độ nhất định đặc thù về truyền thống, tập quán... trong tổ chức đời sống xã hội và quản lý dân cư của quốc gia đó, dân tộc đó. Tư duy biện chứng và quan điểm lịch sử cho phép khẳng định rằng muốn đánh giá tính hợp lý trong phương thức quản lý hộ tịch hiện hành của một quốc gia không thể không nhìn vào lịch sử phát triển của chế độ quản lý hộ tịch ở quốc gia đó. Bởi vậy, việc nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển của chế độ quản lý hộ tịch có ý nghĩa lý luận rất quan trọng và thiết thực.
Hiện nay các vấn đề như: chế độ quản lý hộ tịch ở nước ta hình thành từ khi nào, phát triển qua những giai đoạn nào, có tồn tại chế độ quản lý hộ tịch trong thời kỳ phong kiến hay không, đặc trưng của phương thức quản lý hộ tịch trong từng giai đoạn phát triển (đặc biệt là trong thời kỳ phong kiến) thể hiện như thế nào?... được đề cập rất mờ nhạt trong các tài liệu nghiên cứu khoa học thuộc chuyên ngành sử học cũng như luật học. Một số công trình nghiên cứu trong những năm gần đây như: “Quản lý hộ tịch ở thành phố Hồ
Chí Minh” – luận văn thạc sĩ luật học cuả tác giả Nguyễn Thị Hồng Liên, “Kinh nghiệm quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử” của tập thể nghiên cứu sử học, do Giáo sư Phan Đại Doãn và PTS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên đã bước đầu đề cập đến một số khía cạnh trong chế độ quản lý hộ tịch ở nước ta thời kỳ phong kiến. Tuy nhiên trong các công trình này vấn đề lịch sử phát triển của chế độ quản lý hộ tịch ở Việt Nam chưa được trình bày một cách tập trung, toàn diện. Chính bởi vậy, đến nay các vấn đề này vẫn đang là những giả thuyết khoa học cần được làm sáng tỏ. Dựa trên nguồn dữ liệu lịch sử và các tài liệu khoa học pháp lý, trong phần này chúng tôi xin trình bày nhận thức của mình về lịch sử phát triển chế độ quản lý hộ tịch ở Việt Nam theo phân kỳ lịch sử như sau:
- Thời kỳ phong kiến (từ khi nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đến trước khi thực dân Pháp xâm lược ngày 6/6/1884);
- Thời kỳ Pháp thuộc và ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975;
- Thời kỳ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.