ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
Đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung rất phong phú, đa dạng và có thể phân loại thành các nhóm dựa trên các yếu tố phản ánh trạng thái, địa vị pháp lý của từng loại đối tượng. Trên cơ sở phân loại đó, các chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp nhằm trang bị cho từng loại đối tượng những tri thức cần thiết để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ tương xứng với địa vị pháp lý công dân của họ trong các quan hệ pháp luật.
Quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật thực chất là quan hệ xã hội giữa một bên là người phổ biến, giáo dục (chủ thể) và một bên là người được phổ biến, giáo dục (khách thể hay đối tượng). Mối quan hệ này có sự tác động qua lại lẫn nhau giữa các bên tham gia trong mối quan hệ. Song chiều tác động chủ yếu vẫn là sự tác động, chi phối của người phổ biến, giáo dục (chủ thể). Sự tác động của phổ biến, giáo dục là những hoạt động có ý thức, có định hướng, có kế hoạch, nhằm đạt tới những mục tiêu, mục đích nhất định (bao gồm mục đích nhận thức, mục đích cảm
xúc, mục đích hành vi, thói quen xử sự theo pháp luật). Nói cách khác, chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật tác động lên khách thể (đối tượng) phổ biến, giáo dục với những mong muốn cụ thể là xây dựng được ý thức và những hành vi hợp pháp cho khách thể (đối tượng) phổ biến, giáo dục pháp luật.
Như vậy, đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật ở đây không chỉ là cá nhân, những nhóm cộng đồng xã hội mà còn bao hàm cả những yếu tố bên trong của họ như: nhận thức, tình cảm, cảm xúc, hành vi cụ thể của họ phù hợp với pháp luật.
Từ phân tích trên cho thấy, đối tượng (khách thể) của phổ biến, giáo dục pháp luật cũng giống như đối tượng của giáo dục nói chung, nó mang tính đồng nhất với đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật. Vậy đối tượng của phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu là những cá nhân, nhóm cộng đồng xã hội cùng với ý thức và hành vi pháp luật của họ.
Việc xác định chủ thể, khách thể (đối tượng) phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong lý luận và thực tiễn của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên cơ sở mối quan hệ, sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chủ thể và khách thể trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, chủ yếu là sự tác động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch của người phổ biến, giáo dục pháp luật lên người được phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều đó tạo cho chủ thể xác định các nội dung, hình thức, phương tiện, biện pháp phù hợp để tiếp cận với đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật một cách có hiệu quả nhất.
Cụ thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động ở các loại hình doanh nghiệp, thì chủ thể của phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định, còn đối tượng của phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường hợp này đó là cá nhân người lao động, nhóm người lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012. Mục tiêu được xác định
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức
thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc, góp phần thực hiện nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân [11].
Từ mục tiêu chung đó chỉ tiêu cụ thể được đề ra đó là: "Đến hết năm 2012 có 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động" [11]. Người nước ngoài tại Việt Nam là "từ 95% - 100% văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam được tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp" [11]. Đối tượng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có sáu nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức; người dân thành phố, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; thanh thiếu niên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp; người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài. Trong sáu đối tượng đó, đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp thuộc đề án thứ tư. Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở quyết định 37 đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009-2012. Quyết định quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện "tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các
doanh nghiệp nhà nước". Đối tượng thụ hưởng được xác định đó là "Các tổ chức công đoàn các cấp; cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" [12].
Đặc điểm tiêu biểu và không thể tách rời của lao động dưới chủ nghĩa xã hội là tính phổ biến của nó, là sự cần thiết và nghĩa vụ của mỗi thành viên có khả năng lao động trong xã hội phải tham gia lao động có ích cho xã hội. Trong Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi: "Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động" [46]; Điều 56:
Công dân có quyền nhận một công việc có bảo đảm với khoản thù lao lao động phù hợp với chất lượng và số lượng lao động. Quyền đó được bảo đảm bởi hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa, bởi sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, bởi sự đào tạo về nghề nghiệp, việc nâng cao trình độ nghề nghiệp và việc đào tạo những ngành chuyên môn mới. Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, nghỉ ngơi, nghỉ hưu đối với công chức nhà nước; ra sức cải thiện điều kiện lao động cho người lao động nói chung và nhất là đối với loại lao động nặng nhọc bằng cách cơ khí hóa và từng bước tự động hóa sản xuất, cải tiến tổ chức và quản lí lao động một cách khoa học [46]. Tìm hiểu về khái niệm người lao động là những người trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Họ có cam kết lao động với chủ sử dụng lao động, thường là nhận yêu cầu công việc, nhận lương, các chế độ theo quy định của pháp luật và chịu sự quản lý của chủ lao động trong thời gian làm việc cam kết. Kết quả lao động của họ là sản phẩm dành cho người khác sử dụng và được trao đổi trên thị trường hàng hóa, sản phẩm chân tay thì giá trị trao đổi thấp, sản phẩm trí óc thì giá trị trao đổi cao.
Theo nghĩa rộng, người lao động là người làm công ăn lương. Công việc của người lao động là theo thỏa thuận, xác lập giữa người lao động và chủ thuê lao động. Thông qua kết quả lao động như sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần cung cấp mà người lao động được hưởng lương từ người chủ thuê lao động. Ở nghĩa hẹp
hơn, người lao động còn là người làm các việc mang tính thể chất, thường trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (cách hiểu này ảnh hưởng từ quan niệm cũ: phân biệt người lao động với người trí thức).
Theo Bộ luật Lao động nước ta, người lao động là người đến tuổi lao động, có khả năng lao động, đang có giao kết và thực hiện hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động. Luật Lao động cũng quy định rõ ràng, cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia lao động, quy định về hợp đồng lao động, xử lý tranh chấp hợp đồng lao động, các chế độ chính sách đãi ngộ, phúc lợi xã hội bắt buộc. Người lao động được chia ra người lao động là công nhân và người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức (còn gọi là trí thức).
Từ góc độ kinh tế học, người lao động là những người trực tiếp cung cấp sức lao động, một yếu tố sản xuất mang tính người và cũng là một dạng dịch vụ, hàng hóa cơ bản của nền kinh tế. Những người đang lao động là những người có cam kết lao động, sản phẩm lao động đối với tổ chức, người khác. Như vậy, để hiểu rõ về người lao động chúng ta phải xem xét các yếu tố gắn với lao động của người lao động như: sự chuẩn bị năng lực lao động, cam kết và thực thi cam kết lao động, bao gồm tiếp nhận yêu cầu lao động, phương pháp và phương tiện lao động, giá thành lao động, đãi ngộ lao động, thái độ lao động, động lực lao động, kết quả và chất lượng lao động, sự hài lòng và không hài lòng của các bên tham gia hợp đồng lao động. Trong nền kinh tế thị trường, tính chất lao động của người lao động có nhiều thay đổi như: quan hệ giữa chủ lao động và người lao động, lao động ngày một chuyên môn hóa; kiến thức, kỹ năng, sử dụng công nghệ cao ngày một nhiều; phải có thái độ lao động nghiêm túc, kỷ luật, đãi ngộ lao động ngày một tốt… Những người lao động ngại thay đổi, chậm tiến bộ đều bị tụt hậu, thất thế trong cạnh tranh và nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường lao động.
Về sự thay đổi quan hệ lao động: trước đây, quan hệ lao động trực tiếp từ chủ sở hữu đến người lao động. Ngày nay, trong đội ngũ người lao động bao gồm cả giám đốc điều hành và hệ thống các cấp quản lý trung gian (ví dụ giám đốc nhân sự, giám đốc bộ phận, trưởng phòng…). Giám đốc điều hành vừa là người lao động vừa là người
đại diện thay mặt các chủ sở hữu đứng ra thuê, ký kết hợp đồng lao động và giám sát, đánh giá người lao động. Mặt khác, nếu trước kia người lao động hoàn toàn không liên quan đến quyền sở hữu doanh nghiệp thì ngày nay, một số người lao động, nhà quản lý tuy làm thuê nhưng có thể được ưu đãi cho mua với giá rẻ hoặc tặng có điều kiện cổ phần của doanh nghiệp; nghĩa là có thể tham gia vào nhóm những người có quyền sở hữu đối với tài sản của doanh nghiệp cũng như hàng năm nhận được cổ tức. Đó là những điểm ưu việt hơn trong quan hệ lao động thời nay.
Về phân công lao động: Trong xã hội ngày một gia tăng các ngành nghề chuyên biệt nhau với chuyên môn riêng biệt. Các nhà quản lý cũng phân hóa, tách công đoạn để điều hành, quản lý công việc hiệu quả tốt nhất. Vì vậy, người lao động cũng đòi hỏi phải có chuyên môn, kỹ năng kiến thức giỏi ứng với một hay một vài chuyên ngành nào đó và phù hợp về quy mô tổ chức, quy trình riêng biệt của từng ngành. Nói là chuyên gia của một ngành, người lao động vẫn buộc phải am hiểu các lĩnh vực có liên quan để lao động hiệu quả, ít sai sót. Có nghĩa là mặt bằng tri thức, kỹ năng của người lao động đòi hỏi ngày một cao cả về bề sâu lẫn bề rộng.
Về áp lực trong lao động: ngày nay, việc người lao động giao tiếp với nhiều người, làm cùng một lúc nhiều việc, nhiều loại yêu cầu, thông tin phải tiếp nhận xử lý trong một thời gian eo hẹp với hiệu quả chất lượng đòi hỏi ngày một cao… là chuyện bình thường. Vì vậy, người lao động buộc phải có sức khỏe tốt, trong một đơn vị thời gian đảm bảo sản lượng và chất lượng lao động tốt, có độ tập trung cao, chuyên môn giỏi, khai thác thế mạnh các công cụ mới. Các dạng lao động thô sơ, đơn giản dần dần được máy móc và công nghệ đảm nhiệm. Tỷ trọng lao động trí óc, sáng tạo ngày một cao để đáp ứng được tốc độ phát triển. Vì thế, những phương pháp và công cụ lao động không ngừng được cải tiến, có tính thiết yếu trong hiệu quả công việc của người lao động.
Người lao động ngoài việc có chuyên môn giỏi cần phải có kiến thức pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các luật có liên quan để tự bảo vệ mình trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là trong các quan hệ lao động. Đồng thời có ý thức trong chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình lao động, sản xuất và cư trú.