Vấn đề nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW về quyền bình đẳng của phụ nữ vào Luật bình đẳng giớ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở việt nam một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 28 - 33)

quyền bình đẳng của phụ nữ vào Luật bình đẳng giới

Điều 2 của Công ước CEDAW qui định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc đặt ra pháp luật và bảo đảm thực hiện pháp luật loại bỏ

mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Các biện pháp lập pháp từ sau Hiến pháp 1946 đều nhất quán ở chính sách nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, sự hiện diện của chính sách pháp luật này mới chỉ đạt được một bước cơ bản đó là coi mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ là trái nguyên tắc pháp luật (De jure); chưa chú trọng nhiều tới những hình thức phân biệt đối xử trên thực tế (De facto). Thống nhất với tinh thần Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới được ban hành đã trở thành văn bản pháp lí nền tảng trong thực hiện bình đẳng giới trong lập pháp và thực thi pháp luật ở nước ta. Luật đã cụ thể hóa nguyên tắc cấm phân biệt đối xử trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình theo tinh thần của Điều 3 Công ước CEDAW "Các biện pháp bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ" [20].

Điều 4 Công ước CEDAW qui định:

1. Việc các nước tham gia Công ước thông qua những biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy nhanh sự bình đẳng trong thực tế giữa nam và nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử theo định nghĩa đề ra tại Công ước này nhưng sẽ không vì thế mà đưa đến việc duy trì những tiêu chuẩn không bình đẳng hoặc khác nhau. Những biện pháp này sẽ chấm dứt khi các mục tiêu bình đẳng về cơ hội và đối xử đã đạt được.

2. Việc các nước tham gia Công ước thông qua những biện pháp đặc biệt, kể cả những biện pháp nêu trong Công ước này nhằm bảo vệ người mẹ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử [20]. Công ước xuất phát từ cách tiếp cận bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc "bình đẳng nam, nữ có tính đến sự khác biệt giới", theo mô hình bình đẳng giới thực chất. Với cách tiếp cận và mô hình nói trên, để tiến tới sự bình đẳng giới về thực chất, Luật Bình đẳng giới đã dành hẳn Chương III: Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới nhằm tạo cơ hội phát triển cho cả nam và

nữ, bao gồm: biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới, nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới. Khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới qui định:

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các qui định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đạt được [36].

Qui định trên xuất phát từ: Mục tiêu bình đẳng giới là bình đẳng giới thực chất, vì vậy cần phải áp dụng một biện pháp nào đó để khắc phục những bất lợi có sự khác biệt về giới mang lại cho nam hoặc nữ, mà cụ thể trong bầu cử, ứng cử. Một biện pháp như vậy trong Luật Bình đẳng giới được gọi là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Thực chất đây là những qui định bất bình đẳng (còn có tên gọi khác là phân biệt đối xử tích cực), được áp dụng trong một thời gian nhất định nhằm đạt được bình đẳng thực chất.

Đây có thể coi là qui định thể hiện rõ nhất tinh thần «"nội luật hóa" Điều 4 Công ước CEDAW. Cần chú ý, giữa biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và các biện pháp đặc biệt tạm thời có điểm khác nhau là: Biện pháp đặc biệt tạm thời chỉ áp dụng cho nữ, còn biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì có thể áp dụng cho cả nam và nữ.

Theo qui định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Bình đẳng giới, có 6 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Trong đó, có 4 biện pháp có thể áp dụng cho cả nam và nữ:

1. Qui định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng.

2. Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam.

3. Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam.

4. Qui định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam [36].

Và có hai biện pháp chỉ áp dụng cho nữ:

5. Qui định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam.

6. Qui định việc ưu tiên trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam [36].

Tại chương II Luật Bình đẳng giới đã có một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được qui định. Cụ thể là khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13 và khoản 5 Điều 14. Nhưng tất cả các qui định này đều còn ở dạng nguyên tắc. Để có thể thực hiện được cần các cơ quan có thẩm quyền qui định cụ thể. Do đó, Luật Bình đẳng giới đã qui định tại Khoản 2 Điều 19: "Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền qui định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Đây cũng là cơ quan có trách nhiệm xem xét việc thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyết định chấm dứt thực hiện khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được" [36].

Về vai trò giới và định kiến thiên vị về đàn ông và đàn bà trong xã hội (Điều 5 Công ước CEDAW): Công ước CEDAW xuất phát từ quan điểm rằng cho dù phân biệt đối xử có thể bị cấm bằng pháp luật nhưng trên thực tế, sự phân biệt có thể xảy ra do văn hóa truyền thống, quan niệm xã hội về vai trò của nam và nữ trong xã hội, gia đình, nghề nghiệp v.v... Do đó, CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên cần có biện pháp can thiệp để loại bỏ dần phong tục, tập quán mang đậm màu sắc định kiến, thiên vị về giới như các tư

tưởng trọng nam khinh nữ, thuyết tam tòng, các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, ép hôn, kết hôn nối dây... Pháp luật Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã chú trọng chính sách xây dựng nếp sống mới, chống hủ tục, đề cao nam nữ bình quyền... được thể hiện qua Điều 7 Luật Bình đẳng giới:

Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình; Áp dụng những biện pháp thích hợp để xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới; Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước [36].

Điều đáng ghi nhận là lần đầu tiên, ở tư cách một đạo luật, vấn đề "tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình" đã được qui định.

Từ Điều 7 đến Điều 16 Công ước CEDAW qui định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ trong đời sống xã hội và chính trị (Phần II, các điều 7-9); trong lĩnh vực giáo dục, lao động, sức khỏe, kinh tế, xã hội và văn hóa (Phần III các điều 10 - 14) và trong lĩnh vực dân sự pháp lý (Điều 15, 16). Nội luật hóa CEDAW, Luật Bình đẳng giới Việt Nam đã có những qui định cụ thể để loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử bằng những qui định cụ thể về bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể: chính trị; kinh tế; lao động; giáo

dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và lĩnh vực gia đình… Đặc biệt, Điều 14 CEDAW qui định riêng về phân biệt đối xử với phụ nữ nông thôn. Đây là qui định có tính đến địa vị và hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu đặc biệt của phụ nữ nông thôn tiềm ẩn những kì thị và phân biệt đối xử, nhất là khi sự phân hóa giàu nghèo không tránh khỏi trong điều kiện phát triển tất yếu dẫn đến vị thế không cân xứng của các đối tượng yếu thế trong xã hội do phân bổ dân cư, cơ cấu lao động ở những vùng kém phát triển hơn, đó là nông thôn, miền núi, hải đảo. Điều 14 còn quan tâm đặc biệt tới phụ nữ nông thôn vì vai trò của họ chưa được đánh giá thỏa đáng trong khu vực kinh tế không trên cơ sở tiền tệ (non-monetized sector) nói chung và trong kinh tế gia đình nói riêng. Pháp luật Việt Nam, trước khi Luật Bình đẳng giới ra đời không có những qui định ưu tiên tạm thời cho phụ nữ nông thôn. Do đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội, nhìn chung phụ nữ nông thôn Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và hưởng thụ quyền. Khắc phục nhược điểm này, Luật Bình đẳng giới đã có những qui định hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, như: Khoản 2 Điều 12: "Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật" [36]; Khoản 3 Điều 17: "Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số… khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo qui định của Chính phủ" [36].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền bình đẳng của phụ nữ theo công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và luật bình đẳng giới ở việt nam một số kinh nghiệm nước ngoài (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)