2.2. Về quyền lựa chọn trọng tài viên, thành lập Hội đồng trọng tài, ngôn ngữ
2.2.1. Về quyền lựa chọn trọng tài viên
Các bên đương sự được tự do lựa chọn Trọng tài viên. Cách thức lựa chọn Trọng tài nhằm phát huy tính dân chủ, khách quan trong quá trình tố tụng. Nếu như số lượng, thành phần của Hội đồng xét xử phải tuân theo quy định của pháp luật, các đương sự không có quyền lựa chọn Thẩm phán hay Hội thẩm nhân dân để tiến hành xét xử vụ tranh chấp thì với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quyền tự do kinh doanh của các chủ thể được thể hiện rõ nét thông qua chế định về quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên trong quan hệ tranh chấp.
Các bên được lựa chọn trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc. Hiện nay các nước trên thế giới hầu như đều không quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên, chỉ một số ít quốc gia quy định về vấn đề này, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng có quy định ngoài các tiêu chuẩn cứng, các Trung tâm trọng tài khi bổ nhiệm các cá nhân vào danh sách trọng tài viên cũng có quyền tự xác định các tiêu chuẩn để bảo vệ uy tín cho Trung tâm của mình. Tuy nhiên, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài rất linh hoạt. Trong đó, các bên được tự do lựa chọn trọng tài viên để giải quyết tranh chấp. Điều 39 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định tùy theo thỏa thuận của các bên, thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên. Và các thành viên cụ thể trong Hội đồng cũng dựa trên sự thỏa thuận, lựa chọn của các đương sự mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ phía các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác. Các bên trong quan hệ tranh chấp được tạo điều kiện để lựa chọn những Trọng tài viên mà họ cho rằng
sẽ đưa ra phán quyết phù hợp với pháp luật và có lợi cho họ. Chính vì vậy, Khoản 1 Điều 20 Luật trọng tài thương mại Việt Nam năm 2010 đã bổ sung thêm trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu “có trình độ đại học và
đa qua thực tiến công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên” cũng có thể được
chọn làm Trọng tài viên. Bởi trong thực tiễn có rất nhiều chuyên gia am hiểu sâu sắc về lĩnh vực chuyên ngành, có uy tín về chuyên môn nhưng họ lại không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, kinh nghiệm và uy tín mà họ có được đều xuất phát từ thực tiễn. Vậy họ có phải là người phù hợp để trở thành Trọng tài viên – người phán xử tranh chấp phát sinh từ những lĩnh vực mà họ am hiểu hay không? Câu trả lời sẽ có từ chính các bên chủ thể của quan hệ tranh chấp.
Ngoài ra, dù theo thủ tục tố tụng tại Tòa án hay Trọng tài thì các bên trong vụ tranh chấp cũng đều có quyền yêu cầu thay đổi thành viên của Hội đồng trọng tài hay Hội đồng xét xử khi có căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan khi tham gia giải quyết tranh chấp. Luật Trọng tài thương mại quy định nếu Hội đồng Trọng tài vụ việc không thể đưa ra quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên thì căn cứ vào yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên của một hoặc các bên tranh chấp thì quyền này sẽ thuộc về Tòa án, và Tòa án có thẩm quyền là Tòa án do các bên thỏa thuận. Đây là sự hỗ trợ tích cực của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng chỉ được tiến hành trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc Trọng tài viên có yêu cầu [33].
Như vậy, quyền lựa chọn Trọng tài viên và thỏa thuận về việc lựa chọn người phán xử giải quyết tranh chấp của các chủ thể là một trong những chế định thể hiện rõ nét quyền tự do kinh doanh trong giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Trọng tài. Đây được coi là một trong những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài so với thủ tục tố tụng tại Tòa án. Bởi khi vụ
việc được giải quyết tại Tòa án, có khả năng Thẩm phán được chỉ định giải quyết vụ việc không có trình độ chuyên môn liên quan đến đối tượng tranh chấp, đặc biệt các ngành có đặc thù chuyên môn cao như dầu khí, xây dựng, tài chính, bảo hiểm…Ngược lại, khi giải quyết bằng trọng tài, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn Trọng tài viên có trình độ chuyên môn phù hợp với đối tượng tranh chấp, góp phần nâng cao hiệu quả, công bằng và chính xác trong giải quyết tranh chấp. Trọng tài viên – người phán xử tranh chấp theo suốt vụ kiện, vì vậy, họ có cơ hội tìm hiểu và nắm chắc các tình tiết vụ việc. Điều này có lợi ngay cả khi các bên muốn hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, Trọng tài viên có thể hỗ trợ các bên đạt tới một thỏa thuận.