Luật Trọng tài thương mại năm 2010 trao quyền cho các bên tranh chấp quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Khoản 1 Điều 48 Luật Trọng tài thương mại quy định sau khi nộp đơn khởi kiện (tại trọng tài), nếu nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, một bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời. Các bên có quyền lựa chọn Tòa án mà mình thấy phù hợp để yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều này cho thấy pháp luật cũng có sự can thiệp đáng kể bằng sức mạnh của quyền lực Nhà nước đối với hoạt động trọng tài thương mại, giúp cho trọng tài hoạt động có hiệu quả hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các đương sự tham gia vụ kiện nhằm bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ bị tiêu hủy hoặc có nguy cơ bị tiêu hủy; kê biên tài sản tranh chấp để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản; cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng của tài sản tranh chấp; kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ…Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ là các bên tranh chấp chứ không bao gồm người có quyền lợi liên quan và cả bản thân Hội đồng trọng tài và Tòa án. Nếu các bên không muốn Tòa án hay trọng tài can thiệp thì những cơ quan này cũng không có thẩm quyền.
Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 thì chỉ có Tòa án là cơ quan có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đến khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 ra đời thì có sự thay đổi, đó là cho phép cả Hội đồng trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sự thay đổi này là
hoàn toàn phù hợp, giúp cho thủ tục áp dụng trở nên mềm dẻo, linh hoạt đồng thời giảm tải gánh nặng cho Tòa án và sự khó khăn của các bên tranh chấp trong việc thực hiện [5].
Ngoài ra, trong giai đoạn này, các bên có quyền tự tiến hành thương lượng, thỏa thuận nhằm chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thương mại mà không cần có sự tham gia của Trọng tài viên. Luật không quy định chi tiết, cũng không xác định đây là thủ tục bắt buộc để phiên họp giải quyết tranh chấp được diễn ra. Nếu thương lượng thành công, các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, hòa giải lại được quy định rất chi tiết, cụ thể và là thủ tục bắt buộc đối với các đương sự khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Đây là một ưu điểm của Trọng tài thương mại trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong giải quyết tranh chấp thương mại của các chủ thể so với Tòa án, đem lại sự chủ động cho các bên tham gia giải quyết tranh chấp.