Địa điểm trọng tài là một vấn đề quan trọng đối với các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại vì nó ảnh hưởng đến chi phí theo đuổi việc giải quyết tranh chấp. Do đó, khi lựa chọn địa điểm trọng tài, các bên cần chú ý lựa chọn một địa điểm thuận tiện cho quá trình giải quyết vụ kiện để tiết kiệm thời gian và chi phí. Khoản 1 Điều 11 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Các
bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam”.
Các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại có quyền thỏa thuận về địa điểm giải quyết tranh chấp. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể là trụ sở của tổ chức trọng tài, trụ sở của một trong các bên tranh chấp hoặc bất kỳ nơi nào khác mà các bên thấy phù hợp. Trường hợp không có thỏa thuận (có thể là các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được) thì khi đó Hội đồng trọng tài mới quyết định nơi diễn ra thủ tục trọng tài. Khi đó, Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp ở một địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hóa, tài sản hoặc tài liệu khác.
Khoản 1 Điều 54 Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng đảm bảo tối đa cho các bên đương sự trong vấn đề lựa chọn thời gian giải quyết tranh chấp như sau: “ Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thời gian và địa điểm mở phiên họp do Hội đồng trọng tài quyết định”. Theo đó, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận
và quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Nếu các bên không có thỏa thuận thì mới giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì thời điểm này tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn (đối với tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài) hoặc từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn (đối với tranh chấp được lựa chọn giải quyết bằng Trọng tài vụ việc). Ngoài ra, pháp luật về trọng tài thương mại cũng cho phép các bên có thể thỏa thuận về thời gian nhận thông báo đơn khởi kiện và thời gian mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Chỉ khi các bên không có thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định về thời gian giải quyết tranh chấp và giấy triệu tập tham dự phiên họp sẽ được gửi cho các bên chậm nhất 30 ngày trước ngày mở phiên họp.
Như vậy, các quy định về thời gian, địa điểm trọng tài của pháp luật trọng tài thương mại đã góp phần cho các bên trong quan hệ tranh chấp được thực hiện quyền tự do kinh doanh trong việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài. Điều này khiến trọng tài trở thành một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo, nhanh chóng và linh hoạt cho các bên. Bởi Tòa án, khi xét xử, các bên hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Tòa án về thời gian, địa điểm…đã được quy định trước đó tại các văn bản pháp luật. Trong khi đó, đối với trọng tài, các bên được tự do lựa chọn và thỏa thuận về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp thương mại giúp cho các bên chủ động, linh
hoạt giải quyết tranh chấp. Điều này có thể làm giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả cho quá trình giải quyết tranh chấp.