2.2. Về quyền lựa chọn trọng tài viên, thành lập Hội đồng trọng tài, ngôn ngữ
2.2.2. Về quyền thành lập Hội đồng trọng tài
Sau khi nhận được đầy đủ đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ (đơn kiện lại của bị đơn nếu có), Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập. Tùy theo thỏa thuận của các bên mà Hội đồng trọng tài thường trực tại Trung tâm trọng tài hay Hội đồng trọng tài vụ việc được thành lập. Số lượng trọng tài viên được thể hiện tại mục 2.2.2.1 nêu trên. Bên cạnh đó, các quy tắc trọng tài cũng thường quy định số lượng trọng tài viên của Hội đồng trọng tài trong trường hợp các bên không có thỏa thuận. Một điều khác biệt là trong thành phần Hội đồng trọng tài không bao gồm Hội thẩm nhân dân như Hội đồng xét xử sơ thẩm tại Tòa án. Với tính chất phức tạp của các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi các thành viên trong Hội đồng trọng tài đều phải có kiến thức và năng lực chuyên môn cao, do đó sự tham gia của Hội thẩm nhân dân là không cần thiết. Đây cũng là một ưu điểm của Trọng tài thương mại so với Tòa án.
Về cơ bản, việc thành lập Hội đồng trọng tài dựa trên nguyên tắc chung là tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên tham gia tố tụng trọng tài. Hội đồng trọng tài chính là bên thứ ba giúp các bên tranh chấp giải quyết vấn đề của
họ. Do đó, để việc giải quyết tranh chấp được tiến hành một cách hiệu quả thì khâu thành lập Hội đồng trọng tài là vô cùng quan trọng.
Căn cứ vào hoàn cảnh, nhu cầu và khả năng của các bên trong quan hệ tranh chấp, các chủ thể có quyền thỏa thuận và lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thường trực (Trọng tài quy chế) hoặc Trọng tài vụ việc. Ở hình thức Trọng tài quy chế, việc lựa chọn trọng tài viên tham gia giải quyết vụ tranh chấp sẽ bị giới hạn trong số các trọng tài viên của Trung tâm trọng tài. Mà với thực tế hoạt động của các Trung tâm trọng tài ở Việt Nam hiện nay thì hầu hết các trung tâm đều có số lượng Trọng tài viên trực thuộc không nhiều. Điều này chính là điểm hạn chế khi lựa chọn hình thức trọng tài này. Đối với hình thức trọng tài vụ việc, các bên được tự do lựa chọn các trọng tài viên ở bất kỳ trung tâm trọng tài nào tham gia giải quyết tranh chấp cho mình.
Quy trình, cách thức thành lập Hội đồng trọng tài ở hình thức Trọng tài vụ việc và Trọng tài thường trực được quy định cụ thể tại Điều 40 và Điều 41 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Thành lập Hội đồng trọng tài là giai đoạn quan trọng của tố tụng trọng tài. Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy thông qua hoạt động thành lập Hội đồng trọng tài các chủ thể trong quan hệ tranh chấp đã phần nào thực hiện quyền tự do kinh doanh trong việc lựa chọn hình thức Trọng tài thường trực hay Trọng tài vụ việc hay thông qua các hình thức đó, các chủ thể có quyền tự do trong việc lựa chọn trọng tài viên mà mình tin tưởng nhất tham gia giải quyết tranh chấp thương mại cho mình.