Đối với quản trị nguồn vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản trị tài chính của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam (Trang 38 - 42)

1.4 .Lý luận pháp luật về quản trị tài chính củangân hàng thương mại

2.1.1. Đối với quản trị nguồn vốn

Vốn tự có (vốn chủ sở hữu) của một NHTM là đối tượng mà các cơ quan quản lý NH hướng vào để ban hành những quy định nhằm điều chỉnh hoạt động của các NH, là tiêu chuẩn để xác định tính an toàn. Để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn theo thông lệ Basel II, NHNN đã yêu cầu các NHTMCP thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng (Nghị định 82/1998/NĐ-CP) lên 3.000 tỷ đồng bắt đầu thực hiện từ năm 2007 và hạn cuối là hết năm 2011 (Nghị định 141/2006/NĐ-CP và Nghị định 10/2011/NĐ-CP). Là một thành phần chính cấu thành nên vốn tự có của các NHTM, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp mở rộng tương ứng vốn tự có của các NHTM Việt Nam. Thông lệ quốc tế đã không đưa ra bất kỳ một tiêu chuẩn hay giới hạn này vì quan điểm của thông lệ quốc tế là đủ vốn là được. Tuy nhiên trong bối cảnh nếu để quy mô NH quá nhỏ thì rất dễ để một cá nhân hay doanh nghiệp thâu tóm và biến NH thành một đơn vị huy động vốn cho họ. Việc quy định vốn tối thiếu 3.000 tỷ đồng và thậm chí cao hơn sẽ có tác dụng: tránh tình trạng bị chi phối bởi một hay vài cá nhân, điều đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vào cuối thập niên 90. Ngoài ra nó sẽ giảm được vấn đề về tâm lý ỷ lại và lựa chọn bất lợi. Với một mức vốn đáng kể thì chủ sở hữu ngân hàng sẽ hành động có trách nhiệm hơn để bảo vệ tài sản của họ.

Bảng 2.1

DANH MỤC

MỨC VỐN PHÁP ĐỊNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

(Ban hành kèm theo Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ)

STT Loại hình tổ chức tín dụng Mức vốn pháp định áp

dụng cho đến năm 2011

I Ngân hàng

1 Ngân hàng thương mại

a Ngân hàng thương mại Nhà nước 3.000 tỷ đồng

b Ngân hàng thương mại cổ phần 3.000 tỷ đồng

c Ngân hàng liên doanh 3.000 tỷ đồng

d Ngân hàng 100% vốn nước ngoài 3.000 tỷ đồng

đ Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài 15 triệu USD

2 Ngân hàng chính sách 5.000 tỷ đồng

3 Ngân hàng đầu tư 3.000 tỷ đồng

4 Ngân hàng phát triển 5.000 tỷ đồng

5 Ngân hàng hợp tác 3.000 tỷ đồng

6 Quỹ tín dụng nhân dân

a Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương 3.000 tỷ đồng

b Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở 0,1 tỷ đồng

II Tổ chức tín dụng phi ngân hàng

1 Công ty tài chính 500 tỷ đồng

Việc gia hạn thêm thời gian cho các NHTM hoàn thành lộ trình tăng vốn điều lệ theo Nghị định 10/2011/NĐ-CP là một việc làm mang lại lợi ích hay gây khó khăn cho các NHTM? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần xem xét đến các vấn đề sau:

Trước hết, trong ngắn hạn, tác động dễ thấy nhất của quyết định gia hạn trên thị trường chứng khoán là do không còn áp lực tăng vốn, hiện tượng phát hành ồ ạt thêm cổ phiếu hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu của các NH và áp lực bán tháo cổ phiếu NH để cổ đông có tiền cho những đợt tăng vốn sẽ không còn.Ngoài ra, những dòng vốn từ công chúng hay cổ đông hiện hữu, thay vì phải được huy động vào hệ thống NH để đáp ứng nhu cầu tăng vốn điều lệ, thì nay có thể tìm đến thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Cộng với tâm lý không còn quá bi quan với cổ phiếu ngành NH nói riêng và hệ thống tài chính nói chung, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ hưởng lợi từ việc hoãn hạn chót tăng vốn.

Mặc dù các NH vẫn phải tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng cho đến 31/12/2011 nhưng với số vốn bổ sung thêm chỉ còn 10 nghìn tỷ đồng, hiện tượng cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng có thể sẽ không tái diễn, khi các NH có tới một năm để thu xếp các nguồn vốn cần thiết, trong kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể không còn quá thắt chặt vào quý 2 năm 2011.Trong khi đó, các NH quy mô nhỏ có thể quẳng gánh lo tăng vốn điều lệ trong ngắn hạn để tập trung khả năng và nguồn lực để giải quyết những vấn đề nội tại như đảm bảo các điều kiện an toàn theo Thông tư 13/2010/TT- NHNN và Thông tư 33/2011/TT-NHNN.Một phần nguồn tiền của các cổ đông hiện hữu, bên cạnh đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng có thể tìm đến hệ thống NH như những khoản đầu tư tiết kiệm và theo đó, sức ép thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm của hệ thống sẽ được giảm nhẹ, cuộc đua lãi suất có thể vì thế mà bớt đi căng thẳng.

Tuy nhiên việc hoãn tăng vốn điều lệ đến một năm có thể phải trả giá trong dài hạn. Không phải vô cớ mà NHNN muốn các NHTM tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 3.000 tỷ đồng, và có lộ trình tăng lên 5 nghìn tỷ (năm 2012) và 10 nghìn tỷ (năm

2015).Một hệ thống tài chính gồm quá nhiều NH quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu luôn là một rủi ro đến an toàn hệ thống. Những hiện tượng như cuộc đua lãi suất bắt nguồn từ những NH nhỏ do tình trạng khát vốn, cho vay lãi suất cao trong khi khả năng quản trị điều hành kém, vay ngắn hạn trên thị trường liên NH để cho vay dài hạn và đẩy lãi suất liên NH tăng cao…

Ngoài ra, theo Luật các TCTD 2010, giới hạn về sở hữu vốn của ngân hàng đối với mỗi cổ đông bị giảm thấp hơn đáng kể so với Luật các TCTD 1997(sửa đổi, bổ sung 2004). Trước đây tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của một NH có thể lên đến 40%, một cá nhân lên đến 20%. Từ cuối năm 2009 tỷ lệ này lần lượt giảm xuống còn 20% và 10%. Luật các TCTD 2010 tiếp tục giảm xuống các tỷ lệ tương ứng còn 15% và 5%. Các tỷ lệ sở hữu nêu trên bao gồm cả phần vốn ủy thác cho các tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Theo đó, Nhà nước không cho phép thành lập NHTM tư nhân tại Việt Nam.

Xét về quyền lợi giữa các nhà đầu tư thì quy định như vậy là không bình đẳng với các nhà đầu tư trong nước trong khi các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập 100% vốn nước ngoài , ngân hàng liên doanh , chi nhánh, văn ph ̣ng đại diện ở Việt Nam theo cam kết WTO, bất kể phần vốn đó là do nhiều người hay một người làm chủ sở hữu.

Bên cạnh các quy định về vốn tự có của các NHTM theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP và Nghị định 10/2011/NĐ-CP, và để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống, Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho các TCTD nói chung và NHTM nói riêng:

TCTD, trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro của TCTD (tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ)

TCTD phải thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật, ngoài việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ quy định tại khoản 1 điều này phải đồng

thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% trên cơ sở hợp nhất vốn, tài sản của TCTD và công ty trực thuộc (tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất) [20].

Việc nâng hệ số đủ vốn lên 9% trong Thông tư 13/2010/TT-NHNN là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Góp phần nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tài chính.Tuy nhiên, với sự phát triển về quy mô và mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của các NHTM thì quy định an toàn vốn theo chuẩn mực nói trên chưa đảm bảo đủ vốn để bù đắp các loại rủi ro trong hoạt động của NHTM (ví dụ rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động), đồng thời chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý rủi ro. Mức độ đủ vốn chưa phản ánh đầy đủ mức độ rủi ro thực tế cũng là một trong các nguyên nhân chưa khuyến khích các ngân hàng thương mại quản trị vốn trên cơ sở rủi ro.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản trị tài chính của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam (Trang 38 - 42)