Nghĩa của việc quy định nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật luận án TS luật 623801 (Trang 34 - 37)

Thẩm phán và Hội thẩm xét xửđộc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong luật tố tụng hình sự là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, là tư tưởng chủ đạo, chi phối quá trình Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Khi xét xử các vụ án hình sự, Thẩm phán và Hội thẩm toàn quyền phán quyết về vụ án mà không chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào, nhằm bảo đảm bảo công lý, đảm bảo tính tối thượng của luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

2.2. Ý nghĩa của việc quy định nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

2.2.1. Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những giá trị của Nhà nước pháp quyền

Trong nhà nước pháp quyền, tư pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng vì đó chính là sự thể hiện rõ nét của nền công lý và sự bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm hoạt động xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Do đó, hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm đã trở thành một trong những yêu cầu cải cách tư pháp nhằm xây dựng một nền tư pháp giữ gìn công lý, công bằng xã hội, tính khách quan, độc lập chỉ tuân theo pháp luật [80].

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu những năm gần đây đã khái quát những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN như sau: 1) là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; 2) quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; 3) tính tối thượng của luật trong đời sống xã hội; 4) trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân; 5) Tính độc lập của tư pháp;

6) thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế; 7) Nhà nước pháp quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo [60].

Như vậy, độc lập tư pháp là điều kiện không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền, trong đó, độc lập xét xử là độc lập với yêu cầu cao nhất, vì xét xử là liên quan đến số phận, tài sản của con người cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức khác. Đó là sự ràng buộc phải tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp. Trong cuốn Tinh thần pháp luật, Montesquieu cho rằng: “Sẽ không thể có tự do nếu quyền tư pháp không tách rời khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập với quyền lập pháp, cuộc sống và sự tự do của công dân sẽ đối mặt với sự kiểm soát bất công. Quan tòa sẽ là người đặt ra luật” [21, tr.101].

Việc bảo đảm tính độc lập, khách quan phải được cụ thể hoá thành các quy định trong Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là quy định rõ ràng về vị trí, thẩm quyền của từng cơ quan tư pháp; về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong các quan hệ tố tụng. Đồng thời phải quy chế hoá cơ chế bảo đảm và bảo vệ sự độc lập của các chức danh tư pháp trong suốt quá trình hành nghề của họ, làm cho họ đủ sức đề kháng trước những ảnh hưởng tiêu cực của ngoại cảnh; mặt khác, tạo ra những cơ chế loại trừ tối đa những khả năng tác động trái pháp luật đến sự độc lập của các chức danh tư pháp.

2.2.2. Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là công cụ đảm bảo tính tối thượng của luật

Thẩm phán, Hội thẩm khi phán quyết phải dựa trên việc áp dụng Hiến pháp và pháp luật. Do đó, bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật là bảo đảm sự ưu tiên áp dụng Hiến pháp và các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành. Vai trò độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm có ý nghĩa trong việc bảo đảm tính tối thượng của luật thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, sự độc lập trong việc cân nhắc tính thống nhất của các văn bản pháp luật và sự phù hợp của các văn bản đó với các nguyên tắc hiến định là cần thiết. Thẩm phán, Hội thẩm cần phải độc lập thì mới có thể hiểu và áp dụng đúng pháp luật khi giải quyết vụ việc cụ thể.

Thứ hai, trong bất kỳ nhà nước pháp quyền nào thì một nguyên tắc được thừa nhận chung là phải áp dụng văn bản QPPL có giá trị pháp lý cao hơn. Luật do cơ quan lập pháp cao nhất ban hành có giá trị pháp lý cao thứ hai sau Hiến pháp. Sự độc lập của Thẩm phán cho phép Thẩm phán áp dụng luật và tuyên bố không áp dụng văn bản pháp luật có giá trị thấp hơn với lý do không phù hợp với luật.

Thứ ba, việc duy trì pháp quyền đòi hỏi phải có một nền tư pháp xét xử công minh và độc lập trước mọi can thiệp hay tác động để bảo đảm rằng công lý được duy trì một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người.

2.2.3. Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật có vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân

Nguyên tắc độc lập xét xử được ghi nhận trong hầu hết các văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người. Tại Điều 10 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 nêu rõ: Mọi người đều hoàn toàn bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và vô tư để xác định quyền và nghĩa vụ của họ hoặc bất kỳ một cáo buộc hình sự nào chống lại họ; Điều 14.1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, vô tư và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội đối với người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự.

Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc thống nhất đánh giá rằng quyền được xét xử bởi một Tòa án độc lập và vô tư như được quy định tại Điều 14.1 là một quyền tuyệt đối và không có bất cứ ngoại lệ nào. “Điều này cũng có nghĩa là quyền này được áp dụng trong mọi trường hợp và đối với mọi Tòa án, bao gồm cả các Tòa án thông thường và các Tòa án đặc biệt” [131, tr.20].

Điều 6.1 của Công ước châu Âu về nhân quyền quy định: Trong việc xác định các quyền và nghĩa vụ dân sự của họ hoặc trong việc xác định bất cứ một lời buộc tội hình sự nào chống lại họ, mỗi cá nhân đều có quyền có một phiên tòa công khai và công bằng trong một khoảng thời gian hợp lý được thực hiện bởi một Tòa án độc lập và vô tư, được lập ra trên cơ sở pháp luật.

Điều 47 Hiến chương của Liên minh châu Âu về các quyền cơ bản quy định: Mọi cá nhân có các quyền và tự do được đảm bảo bởi pháp luật của Liên minh, bị vi phạm đều có quyền được bồi thường thỏa đáng trước một Tòa án phù hợp với những điều kiện được quy định tại Điều này. Mọi cá nhân đều có quyền có một phiên tòa công bằng và công khai trong một thời hạn hợp lý bởi một Tòa án độc lập, vô tư và được thành lập từ trước bởi pháp luật…

Điều 8.1 của Công ước châu Mỹ về nhân quyền, Điều 7.1 Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc cũng có những quy định tương tự. Điều 8.1 Công ước châu Mỹ về nhân quyền quy định: “Mỗi cá nhân đều có quyền có một phiên xét xử, với những bảo đảm công bằng, trong một thời gian hợp lý, bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập và vô tư được thành lập từ trước bởi pháp luật”.

Điều 7 Hiến chương châu Phi về quyền của cá nhân và các dân tộc quy định: “Mọi cá nhân đều có quyền được lắng nghe. Quyền này bao gồm: …d) Quyền được xét xử trong một khoảng thời gian hợp lý bởi một Tòa án vô tư”.

Trong vụ Farundzija, Toà phúc thẩm Toà án hình sự dành cho Liên bang Nam Tư cũ tuyên bố: “Quyền con người cơ bản của một bị cáo được xét xử bởi một toà án độc lập và vô tư được ghi nhận rộng rãi như là một nội dung không thể tách rời của đòi hỏi mà theo đó một bị cáo phải được xét xử bởi một phiên toà công bằng” (vụ việc số IT-95-71/1-A99, Đoạn 43).

Nhà nước pháp quyền XHCN là thể hiện trình độ cao của nền dân chủ. Trong khi đó, Tòa án lại là một thiết chế bảo vệ công lý. Thông qua hoạt động xét xử một cách độc lập, Thẩm phán, Hội thẩm là những cá nhân thay mặt cho Tòa án có vai trò bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ, các quyền con người. Mức độ dân chủ của một xã hội từ góc nhìn công lý được đo bằng hiệu quả xét xử của Tòa án. Xét từ góc độ dân chủ của tư pháp, sự độc lập của Tòa án đến mức độ nào thì thành công của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đạt đến mức độ đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật luận án TS luật 623801 (Trang 34 - 37)