Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã cơ bản được chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa với sự phát triển chóng vánh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phát triển quá “nóng” các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã
hội của người dân, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, gây lãng phí tài nguyên đất, làm gia tăng nhiều vụ khiếu kiện về đất đai, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Trong tổng số 232 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, hiện chỉ có 143 khu công nghiệp xây dựng được hệ thống xử lý nước thải và hơn 30 khu công nghiệp đang tiến hành xây dựng hệ thống này [5]. Điều đáng nói là ngay cả số đã xây dựng thì hiệu quả xử lý cũng không cao, đặc biệt là đối với những khu công nghiệp có thời gian hoạt động lâu năm nằm cạnh các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy… do hệ thống xử lý nước thải của các khu này đã ít nhiều xuống cấp. Nhiều khu công nghiệp khác tuy xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng thực chất lại không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính đối phó khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Vấn đề môi trường này là trách nhiệm của nhiều bên không chỉ riêng Nhà nước. Cụ thể:
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước:
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đặt ra những quy định khá cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chủ quản ở Trung ương và địa phương nơi có Khu công nghiệp – Khu chế xuất trong việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại, cụ thể:
- Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án trong Khu công nghiệp – Khu chế xuất trên địa bàn;
- Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm trong việc xây dựng quy hoạch thu gom, xử lý Chất thải nguy hại; đồng thời xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động bảo vệ môi trường các Khu công nghiệp – Khu chế xuất;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cấp huyện có trách nhiệm trong việc cấp phép, kiểm tra quy trình thu gom, xử lý CTNH ở các KCN-KCX trên địa bàn;
triển khai chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường các KCN-KCX đã được thông qua; tổ chức quan trắc môi trường, giải quyết các vụ việc vi phạm môi trường…
Mặc dù các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý, xử lý CTNH tại KCN nói riêng đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm và phân công công tác giữa các cơ quan trung ương, cơ quan địa phương, cơ quan quản lý ngành tuy nhiên trong quá trình triển khai các quy định này còn vướng mắc do hướng dẫn chưa cụ thể. Điều này dẫn tới thực tế có hiện tượng “giẫm chân nhau” trong công tác quản lý CTNH giữa các đơn vị: doanh nghiệp KCN; doanh nghiệp sản xuất trong KCN; Ủy ban nhân dân huyện/tỉnh; Ban Quản lý KCN và Phòng/Sở Tài nguyên môi trường. Cụ thể, việc cấp phép vận chuyển, xử lý CTNH hiện do cơ quan trung ương quản lý ngành là Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhận; việc cấp sổ chủ nguồn thải do cơ quan địa phương quản lý là Sở Tài nguyên môi trường đảm nhận trong khi thực tế giám sát và quản lý tại địa phương lại đa phần do các doanh nghiệp KCN nắm tình hình cũng như các Ban quản lý KCN hoặc chính quyền địa phương phát hiện tình trạng ô nhiễm hoặc vi phạm trong quản lý, xử lý CTNH.
Đặc biệt, vai trò của Tổng Cục Môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh/thành phố đóng vai trò quan trọng trong hoạt động này. Cụ thể, theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 về quản lý chất thải nguy hại:
Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm: - Quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
- Sao gửi Giấy phép xử lý CTNH hoặc Quyết định thu hồi Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có địa điểm cơ sở
xử lý được cấp phép và công khai thông tin trên trang thông tin điện tử do Tổng cục Môi trường quản lý;
- Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về CTNH; tổ chức, hướng dẫn việc triển khai đăng ký chủ nguồn thải, kê khai chứng từ CTNH và báo cáo quản lý CTNH trực tuyến; tổ chức việc tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình cấp Giấy phép xử lý CTNH.
Về phần mình, Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố có trách nhiệm theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015. Đồng thời, Sở có vai trò quản lý hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp; công khai thông tin về Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH do mình cấp; lập các báo cáo: a) Báo cáo quản lý CTNH định kỳ, b) Báo cáo đột xuất về quản lý CTNH theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với hoạt động quản lý CTNH trong phạm vi KCN thì Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp tại từng địa phương phải có trách nhiệm trong hoạt động quản lý xử lý CTNH trong các KCN thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Ban. Cụ thể, Điều 14 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 có quy định trách nhiệm của Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp gồm:
Thứ nhất, bố trí bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường để tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, phải xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp giữa Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã trực
thuộc tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt.
Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; phát hiện và kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thứ tư, định kỳ báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khu kinh tế, khu công nghiệp gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.
Thứ năm, công khai thông tin về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thứ sáu, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong khu kinh tế, khu công nghiệp hoặc với các tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thứ bảy, phối hợp kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thứ tám, thực hiện các nội dung quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc được ủy quyền.
Trách nhiệm của chủ nguồn thải:
Chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở phát sinh chất thải.
Căn cứ Điều 90 và Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, đồng thời phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp chủ nguồn thải chất thải nguy hại không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại bao gồm:
- Đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
- Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý.
- Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm định kỳ 06 (sáu) tháng báo cáo về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp sau:
Một là có phương án vận chuyển, xử lý khả thi;
- Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
- Khi chấm dứt hoạt động phát sinh chất thải nguy hại, phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng.
Trách nhiệm của chủ cơ sở xử lý chất thải nguy hại:
Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải. Cơ sở xử lý chất thải là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải (kể cả hoạt động tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải). Chủ xử lý chất thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở xử lý chất thải.
Để có thể xử lý CTNH, chủ xử lý chất thải phải có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại - là giấy phép cấp cho chủ xử lý chất thải nguy hại để thực hiện dịch vụ xử lý, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại (có thể bao gồm hoạt động vận chuyển, trung chuyển, lưu giữ, sơ chế). Theo Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ - CP ngày 24/4/2015, giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp khi chủ cơ sở xử lý chất thải đảm bảo 10 điều kiện trong đó có các điều kiện liên quan tới cơ sở vật chất như:
- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại;
- Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung
chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu…
Trách nhiệm của doanh nghiệp KCN
Căn cứ Điều 10 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 quy định về quản lý chất thải nguy hại phát sinh trong khu công nghiệp, doanh nghiệp KCN có trách nhiệm quản lý và đôn đốc các doanh nghiệp trong KCN phải phân loại chất thải rắn thông thường, chất thải y tế và chất thải nguy hại; tự xử lý hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN còn được ghi nhận tại Điều 15 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015, cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường đáp ứng điều kiện sau: a) Có ít nhất ba (03) người; b) Người phụ trách về bảo vệ môi trường phải có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý môi trường; khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường; hóa học; sinh học và có tối thiểu hai (02) năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực môi trường.
Thứ hai, doanh nghiệp phải vận hành thường xuyên, liên tục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định.
Thứ ba, doanh nghiệp phải thực hiện chương trình quan trắc môi trường khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phải tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường và công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp gửi
Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Trách nhiệm của người dân
Quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền cơ bản của con người và được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu thì công dân phải tự bảo vệ quyền này của mình thông qua các hành vi hợp pháp. Một trong những hành vi thường được sử dụng trong xã hội nước ta hiện nay là tố cáo, khởi kiện những hành vi gây tổn hại đối với môi trường , ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt của người dân.
Trên thực tế cho thấy để đấu tranh bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành, thời gian gần đây người dân đã tích cực phát hiện những hành vi vi pháp pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã kịp thời tố cáo, khởi kiện kịp thời với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.