Thứ nhất, khung pháp lý hiện hành chưa triển khai triệt để việc phân công trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện.
Theo phân cấp, Sở Tài nguyên Môi trường đóng vai trò của cơ quan quản lý, là cơ quan ban hành các quy định, còn Ban Quản lý các KCN là bên thực hiện các quy định, đảm bảo rằng chất thải đầu ra của toàn bộ KCN đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu quy định. Tuy nhiên, mặc dù có quy định hướng dẫn việc thực hiện và ủy quyền một số chức năng quản lý môi trường cho Ban Quản lý các KCN, nhưng hiện nay tại một số địa phương, Sở Tài nguyên Môi trường vẫn đang phải đảm nhận vai trò của một đơn vị thực hiện. Đó là chức năng thẩm định và phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp trong KCN, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường như xử lý nội bộ doanh nghiệp, kết nội hệ thống và quản lý cả các bên liên quan trong xử lý chất thải KCN… Tại nhiều địa phương, Ban Quản lý KCN chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KCN, mà chưa thực hiện chức năng bảo vệ môi trường.
Thứ hai, trách nhiệm của các bên về bảo vệ môi trường nói chung và giải quyết vấn đề chất thải nguy hại trong KCN còn nhiều bất cập.
Theo quy định, ngoài Ban Quản lý KCN và Sở Tài nguyên Môi trường, những bên có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường KCN còn có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN và các doanh nghiệp trong KCN và các doanh nghiệp trong KCN. Bất cập về quy trách nhiệm cho chủ đầu tư cho thấy thực tiễn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN do có lợi ích trực tiếp liên quan nên kiêm nhiệm luôn trách nhiệm giám sát hoạt động bảo vệ môi trường trong KCN. Thực chất, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng chỉ là đơn vị thuần túy làm dịch vụ cho thuê mặt bằng nên việc giao các trách nhiệm quản lý cần được xem xét về sự phù hợp về năng lực và thẩm quyền. Cũng cần lưu ý rằng sự ràng buộc giữa đơn vị này và các doanh nghiệp chỉ đơn thuần là hợp đồng kinh tế, do đó dễ phát sinh các kẽ hở trong hoạt động bảo vệ môi trường KCN. Việc phân định thẩm quyền cho các cơ quan bảo vệ môi trường còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhiều cơ quan chưa được trao đầy đủ thẩm quyền nên đã hạn chế hiệu quả nắm bắt tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ban quản lý KCN là chủ thể có cơ hội phát hiện sớm những sai phạm của doanh nghiệp nhưng hiện nay chưa được trao đầy đủ thẩm quyền để phát huy vai trò.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp với tư cách chủ nguồn thải, doanh nghiệp trong KCN thực hiện chức năng bảo vệ môi trường trong phạm vi hàng rào doanh nghiệp. Với cách tổ chức hiện nay, doanh nghiệp trong KCN chịu sự quản lý của 03 đầu mối: Ban Quản lý KCN; Sở Tài nguyên Môi trường và Chủ đầu tư hạ tầng KCN. Quan hệ này hiện nay còn thiếu hướng dẫn cụ thể khiến doanh nghiệp phải thực hiện các trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường một cách không rõ ràng. Đồng thời, hoạt động xử lý chất thải nguy hại dễ bị lợi dụng và có thể làm tăng chi phí quản lý cho doanh nghiệp.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường của KCN chưa thực sự hiệu quả.
Các đợt thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường và các Sở Tài nguyên Môi trường địa phương đã tăng lên nhưng còn chưa nhiều và còn hạn chế trong việc làm rõ hành vi gây ô nhiễm, mức độ gây ô nhiễm của các doanh nghiệp, các KCN. Từ đó dẫn đến việc tiến hành xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các chủ nguồn thải. Nguyên nhân của thực trạng trên là do lực lượng cán bộ quản lý môi trường còn ít, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và cơ chế phân công, phối hợp giữa Ban Quản lý KCN với các Sở, ban, ngành trong việc kiểm soát tác động tới môi trường của các doanh nghiệp KCN.
Thứ tư, sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
Hiện nay, do tối đa hoá lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ Môi trường. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hoặc nếu có xây dựng thì mang tính thủ tục, vận hành không hiệu quả. Đối với những doanh nghiệp xử lý chất thải ở khu xử lý tập trung của KCN, nhằm giảm thiểu chi phí, doanh nghiệp tìm mọi cách để giảm số lượng, khối lượng chất thải. Thủ đoạn thường thấy trong các KCN là doanh nghiệp lắp đặt đường ống dẫn nước thải ngầm, lén lút xả thải ra môi trường khi chưa xử lý. Có trường hợp, doanh nghiệp lợi dụng nước mưa, nước thuỷ triều dâng để tháo đường ống nước thải, nước thải chảy cùng nước mưa, nước biển ra ngoài môi trường [30].
Thứ năm, cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập.
Hiện nay, hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường nói chung, KCN nói riêng tương đối nhiều. Tuy nhiên, hệ thống văn bản này còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản được ban hành phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn là khá phổ
biến… Thực trạng này làm hạn chế khả năng điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Quy định pháp lý hiện nay tuy chặt chẽ nhưng công tác giám sát thực hiện chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt đối với những đơn vị hành nghề xử lý dẫn đến việc thực hiện ở một số đơn vị mang tính chất đối phó. Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có quy định về quản lý chất thải công nghiệp không nguy hại, nhất là bùn thải nên đang xuất hiện xu hướng chuyển mã bùn thải từ nguy hại thành không nguy hại của các chủ nguồn thải nhằm giảm nhẹ chi phí xử lý. Nhìn nhận từ các văn bản ban hành, danh mục CTNH được phép chôn lấp chỉ có 11 loại, song tiêu chí phân loại chất thải trong và ngoài danh mục lại chưa rõ ràng. Lợi dụng kẽ hở đó, nhiều công ty cố tình nhập nhằng để trà trộn chất thải không được phép vào và đem chôn lấp. Rất khó phát hiện hành vi sai phạm như vậy vì chưa có đơn vị nào kiểm soát.
Chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và chưa đủ mạnh. Thông thường trên thực tế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường là rất khó khăn, chủ yếu là xử phạt hành chính. Đối với trường hợp buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm và đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng chưa được áp dụng nhiều, hoặc nếu có áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền thiếu nghiêm khắc, kiên quyết còn doanh nghiệp thì trây ỳ nên cũng không hiệu quả.
Thứ sáu, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ môi trường KCN chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường.
Công tác thẩm định báo cáo ĐTM của các doanh nghiệp trong KCN chưa được coi trọng đúng mức, nhiều trường hợp chỉ được tiến hành cho đủ thủ tục dẫn tới chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý doanh nghiệp vi phạm còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong bảo vệ môi trường KCN chưa chặt chẽ và
mang tính hình thức cao. Công tác quản lý CTNH còn yếu, có dấu hiệu “lách luật” để cấp phép hành nghề quản lý CTNH. Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia về môi trường trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về quản lý, xử lý CTNH bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Mặc dù thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lí, xử lý CTNH, nhưng, việc thực hiện các quy định pháp luật nêu trên tại một số địa phương và các đơn vị hành nghề quản lý CTNH còn nhiều hạn chế. Rất nhiều đơn vị chưa nắm bắt rõ, hoặc hiểu chưa đúng các quy định trong Thông tư 12 về quản lý CTNH, việc áp dụng quy chuẩn để phân định CTNH còn nhiều lúng túng. Mặt khác, hiện trạng thông tin, số liệu về tình hình phát sinh CTNH hiện nay trên phạm vi toàn quốc chưa đồng bộ, thiếu nhất quán về số liệu phát sinh CTNH nên đã gây khó khăn trong công tác quản lý…
Thứ bảy, công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả. Ý thức tự giác của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích các chủ thể thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường chưa được áp dụng rộng rãi nên không kích thích được tinh thần bảo vệ môi trường.
Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường khu công nghiệp ngày càng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Phát triển khu công nghiệp là hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, bên cạnh việc ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chúng ta cần có những biện pháp thích hợp để hạn chế những mặt trái do phát triển khu công nghiệp gây ra, trong đó giải quyết triệt để vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp
KẾT LUẬN CHƢƠNG 2
Hiện nay, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, vận chuyển và chủ xử lý CTNH đều được quy định tương đối rõ trong các văn bản pháp lý ngay từ khi hệ thống các KCN được xây dựng ồ ạt những năm 90.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mặc dù các quy định đã tương đối đấy đủ tuy nhiên công tác giám sát tuân thủ các quy định còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm với quy mô và phạm vi nghiêm trọng có xu hướng ngày càng tăng và tác động xấu tới đời sống nhân dân.
Đối với thực trạng trên của các KCN, Quốc hội và Chính phủ đã xây dựng một khung pháp lý cơ bản với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại và một số văn bản liên quan khác. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cho thấy còn một số bất cập như: khung pháp lý hiện hành chưa triển khai triệt để việc phân công trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện; trách nhiệm của các bên về bảo vệ môi trường nói chung và giải quyết vấn đề chất thải nguy hại trong KCN còn nhiều bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường của KCN chưa thực sự hiệu quả; sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
CTNH rất đa dạng về chủng loại, phức tạp về thành phần và nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường. Do đó việc quản lý CTNH trước tiên cần nhìn ở góc độ giải quyết ô nhiễm và các nguy cơ rủi ro hơn là tính đến yếu tố kinh tế. Bên cạnh đó biện pháp quản lý CTNH thích hợp sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội to lớn. Vì vậy việc quản lý chặt chẽ CTNH sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên thế giới.