Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định đề cao và bảo đảm quyền
được sống trong môi trường đã được đề cập trong Hiến pháp và Luật BVMT. Có thể nói, pháp luật về quản lý chất thải nguy hại KCN là một thể hiện của việc bảo đảm quyền được sống trong môi trường đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 43 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành đồng thời phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Có thể thấy quy định này là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi về mặt lý luận, khi Nhà nước thừa nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người đồng nghĩa với việc Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền đó; mặt khác, quyền được sống trong môi trường trong lành quy định tại Điều 43 không phải lúc nào cũng đồng nhất với nghĩa vụ bảo vệ môi trường tại Điều này. Vì môi trường không trong lành, không chỉ do con người gây ra mà có thể do tự nhiên gây ra. Có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Bảo vệ môi trường vẫn chưa quy định rõ cơ chế bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.
Thêm vào đó, về nguyên tắc khi ghi nhận cơ chế bảo vệ các quyền trong Hiến pháp, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành sẽ góp
phần bảo vệ quyền này có hiệu quả hơn. Bởi bên cạnh cơ chế pháp lý thông thường, các quyền này có thể được bảo vệ thông qua cơ chế bảo hiến, nhất là khi cơ chế pháp lý bảo vệ quyền còn chưa hoàn thiện thì việc bảo vệ quyền theo cơ chế bảo hiến càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 chưa xác định rõ khả năng áp dụng trực tiếp của các quy phạm Hiến pháp, cơ chế để bảo vệ các quyền (trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành) lại phải chờ luật quy định. Sự chưa rõ ràng này ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền này trên thực tiễn, do vậy cần phải có nghiên cứu hoàn thiện vấn đề này cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Thứ hai, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước
Quản lý Nhà nước có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải nguy hại trong KCN nói riêng. Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua, để xảy ra tình trạng môi trường tại nhiều khu công nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa tốt, họ quan tâm đến lợi nhuận nhiều hơn và trong nhiều trường hợp họ sẵn sàng bỏ qua mọi lợi ích về môi trường, lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên bên cạnh đó phải kể đến công tác quản lý Nhà nước chưa hiệu quả, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đặc biệt là đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục các doanh nghiệp và các chủ thể khác. Vì vậy một trong những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại trong các khu công nghiệp chính là tăng cường vai trò Quản lý Nhà nước.
Thứ ba, cần tiếp tục tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và các
đơn vị quản lý, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại trong KCN trong việc tuân thủ các nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý liên quan trong quy trình quản lý chất thải nguy hại.
Mặc dù, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 đã được ban hành được hơn một năm tuy nhiên dường như những tác động của nó tới hoạt động quản lý chất thải nguy hại tại KCN là chưa rõ rệt. Một phần của thực trạng này là hiệu quả của công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định liên quan chưa tới được những doanh nghiệp và cá nhân liên quan và thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang bối rối trong việc áp dụng các quy định mới. Việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định mới của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 cần tuyên truyền trước hết đến những cơ quan xây dựng và thực hành pháp luật để các cơ quan này nắm vững định hướng, thực thi pháp luật môi trường và pháp luật liên quan theo tinh thần của Hiến pháp. Tiếp đó là tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp KCN; các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại KCN để biết được những quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có trách nhiệm tuân thủ pháp luật trong bảo vệ môi trường.
Đồng thời, định hướng hoàn thiện pháp luật còn cần nhấn mạnh công tác rà soát các văn bản hiện hành nhằm tìm ra những quy định còn bất cập, hạn chế chưa phù hợp, từ đó đề xuất những sửa đổi, bổ sung cần thiết. Cụ thể, liên quan đến các quy định về quản lý chất thải nguy hại KCN, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại các quy định trong: Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thương mại năm 2005, Luật Đất đai năm 2013… để có những cập nhật sửa đổi phù hợp với quy định về bảo vệ môi trường KCN nói chung và quản lý, xử lý chất thải nguy hại KCN nói riêng, tạo nên sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như góp phần làm tăng thêm tính hiệu quả và tính khả thi trong quá trình áp dụng, thực hiện pháp luật môi trường trên thực tiễn.
Ngoài ra, pháp luật hiện nay cũng cần quan tâm tới việc xây dựng cơ chế bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành, để bảo vệ các
quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành được ghi nhận trong Hiến pháp có hiệu quả. Bởi bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành là cơ sở để tăng cường hoạt động quản lý đối với các hoạt động vận chuyển, quản lý, xử lý chất thải rắn nguy hại trong KCN.