pháp luật về quản trị công ty đại chúng
3.1.1. Đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường
Nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng xuất phát điểm rất thấp. Chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, từ tư duy quản lý tập trung sang tư duy quản lý thị trường, môi trường kinh tế còn thiếu minh bạch, mầm mống của kinh tế thị trường tư bản đã bị triệt tiêu để dọn đường cho kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Vì vậy, chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường từ con số không. Việc thay đổi tư duy cũ, tư duy bao cấp, ỷ lại, tư duy quản lý cũ không phải là công việc đơn giản.
Pháp luật là bộ phận của kiến trúc thượng tầng và phải phù hợp với cơ sở hạ tầng mới thúc đẩy được sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Do đó, nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật tương ứng. Kinh tế thị trường là nền kinh tế được vận hành theo các quy luật của nó và đặc trưng là quy luật cung cầu. Pháp luật phải đảm bảo cho các thành phần kinh tế môi trường hoạt động thuận lợi, an toàn và đảm bảo quyền tư hữu, tự do thỏa thuận, và đảm bảo trật tự công cộng. Nhà nước can thiệp rất ít và đóng vai trò trọng tài là chủ yếu. Kinh tế thị trường khác hẳn với kinh tế kế hoạch hóa hay có thể nói là ngược lại hoàn toàn.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta chỉ là nền kinh tế thị trường sơ khai, kinh tế chuyển đổi, vì vậy cần thời gian để xác lập, hoàn thiện. Do đó, pháp luật đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng thị trường, xác lập các chuẩn mực
kinh doanh và giáo dục văn hóa kinh doanh, xây dựng các thể chế công ty vững mạnh. Văn hóa công ty hay văn hóa QTCT ở nước ta còn hết sức yếu kém và mơ hồ, và còn cần thời gian để làm quen. Pháp luật về QTCT và đặc biệt là quản trị công ty đại chúng vừa phải đóng vai trò xây dựng thể chế QTCT, vừa đóng vai trò giáo dục về QTCT. Điều đó đòi hỏi pháp luật cần can thiệp mạnh vào việc thành lập và quản trị công ty đại chúng để bảo vệ các nhà đầu tư khi mà nhận thức của các nhà đầu tư và các nhà quản lý công ty về QTCT tốt còn yếu kém.
3.1.2. Đảm bảo được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển đến giai đoạn mở cửa, tự do hóa rộng rãi. Trong thời đại hiện nay, hầu hết các nước đang cố gắng thích ứng hệ thống pháp luật của mình với tính hợp lý của thị trường thế giới trong xu thế hội nhập. Những sự tương đồng như thế trong hệ thống pháp luật của nước ta sẽ tạo những thuận lợi pháp lý nhất định cho việc hội nhập và hợp tác với các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế.
Trước đòi hỏi của tiến trình hội nhập, các quy định về QTCT một mặt phải phản ánh những điều kiện cụ thể và đáp ứng yêu cầu nội tại của nền kinh tế thị trường Việt Nam, mặt khác cần tiếp thu những giá trị tiến bộ, phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế.
Với yêu cầu thực tiễn hiện nay, trong quá trình nghiên cứu và vận hành luật pháp, các nhà nghiên cứu và các nhà thực tiễn từng bước phải đi đến đánh giá đầy đủ hơn về cách thức hệ thống pháp luật của mỗi nước ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước đó như thế nào, cũng như những yếu tố truyền thống, tập quán khác nhau của mỗi nước đã giải đáp cho những vấn đề vượt ra khỏi biên giới một quốc gia như thế nào. Điều này lại càng được thể hiện một cách rõ rệt và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết ở những nước đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.
Những giá trị cốt lõi của QTCT hiện nay được nhấn mạnh tới đó là: sự công bằng, thông qua các quy định cấm hành vi gian lận, giao dịch ở cấp quản lý hoặc với cổ đông kiểm soát và những hành vi giao dịch nội gián khác; sự giải trình được, thông qua việc xác định rõ vai trò và nhiệm vụ quản lý, điều hành, chủ yếu dựa vào việc giám sát ở cấp quản lý của HĐQT; sự minh bạch, thông qua các quy định bắt buộc công khai thông tin đối với cổ đông [34].
3.1.3. Phù hợp với truyền thống văn hóa và lịch sử
Với tính chất là các bộ phận cấu thành của kiến trúc thượng tầng, văn hóa kinh doanh và pháp luật về doanh nghiệp có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Người Việt Nam nhìn chung có truyền thống ưa thích kinh doanh ổn định, ngại mạo hiểm, coi trọng tình cảm hơn tài năng, coi trọng uy tín, tin tưởng nhiều vào Nhà nước. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để đáp ứng yêu cầu này, nội dung của pháp luật về QTCT phải được hoàn thiện với những mục đích quan trọng như: đảm bảo quyền tự do và sự bình đẳng; đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch; đảm bảo tính ổn định của các quy định; đảm bảo sự an toàn về vốn cho các nhà đầu tư [14].