Công khai hóa và kiểm soát giao dịch với các bên có liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quản trị công ty đại chúng ở việt nam (Trang 48 - 53)

2.1. Những quy định pháp luật hiện hành về quản trị công ty đại chúng

2.1.5. Công khai hóa và kiểm soát giao dịch với các bên có liên quan

DN 1999 và tiếp tục được kế thừa với những quy định cụ thể hơn trong LDN 2005 và sau đó được hoàn thiện hơn trong LDN 2014. Theo đó, LDN 2014 tiếp tục kế thừa các quy định của LDN 2005, ngoài việc xác định khái niệm người có liên quan (Điều 4, Khoản 17 LDN 2014), LDN 2014 còn có những quy định cụ thể về công khai lợi ích có liên quan (Điều 159); hợp đồng, giao dịch phải được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận (Điều 162); trách nhiệm của người quản lý công ty (Điều 160), quyền được cung cấp thông tin của HĐQT, BKS (Điều 155, 166), trình báo cáo hàng năm và công khai thông tin về CTCP (Điều 170, 171), quyền khởi kiện của cổ đông… Riêng với các CTĐC do các yêu cầu cao hơn về quản trị mà vấn đề công khai hóa giao dịch tư lợi và lợi ích còn chịu sự điều chỉnh của Quy chế quản trị công ty, LCK 2006.

Những giao dịch của công ty với những tổ chức, cá nhân có liên quan được liệt kê tại Khoản 17 Điều 4 LDN 2014 đều được coi là những giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi và cần được kiểm soát để tránh xung đột lợi ích.

Thông tư 121/2012/TT-BTC đưa ra yêu cầu tại Điều 24 khi công ty giao dịch với những người có liên quan, theo đó:

- Khi tiến hành giao dịch với những người có liên quan, CTĐC phải ký kết hợp đồng bằng văn bản theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện. Nội dung hợp đồng phải rõ ràng, cụ thể và công bố thông tin cho cổ đông khi có yêu cầu.

- CTĐC áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty và gây tổn hại cho lợi ích của công ty thông qua việc kiểm soát các kênh mua, bán hàng hoá của công ty hay lũng đoạn giá cả.

- CTĐC áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa cổ đông và những người có liên quan tiến hành các giao dịch làm thất thoát vốn, tài sản hoặc các nguồn lực khác của công ty. CTĐC không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các cổ đông và những người có liên quan.

Để kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi, LDN 2005 tại Điều 118, kế thừa và sửa đổi tại Điều 159 LDN 2014 yêu cầu Thành viên HĐQT, thành viên BKS, GĐ hoặc TGĐ và người quản lý khác của công ty phải công khai hóa các lợi ích liên quan của mình để công ty và các cổ đông có thể giám sát, cụ thể phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty, bao gồm:

- Tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó;

- Tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần hoặc phần vốn góp trên 10% vốn điều lệ.

Việc kê khai như trên phải được thực hiện trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh lợi ích liên quan; việc sửa đổi, bổ sung phải được khai báo với công ty trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có sửa đổi, bổ sung tương ứng. Ngoài ra, phải được thông báo cho ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên và được niêm yết, lưu giữ tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Cổ đông, đại diện theo uỷ quyền của cổ đông, thành viên HĐQT, BKS, GĐ hoặc TGĐ có quyền xem xét nội dung kê khai bất cứ lúc nào nếu xét thấy cần thiết. Việc kê khai này là cần thiết để HĐQT, BKS và cổ đông có thể giám sát được những người quản lý trong công ty, kịp thời bảo vệ được quyền lợi của công ty và cổ đông.

Thành viên HĐQT, GĐ hoặc TGĐ nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để thực hiện công việc dưới mọi hình thức trong phạm vi công việc kinh doanh của công ty đều phải giải trình bản chất, nội dung của công việc đó trước HĐQT, BKS và chỉ được thực hiện khi được đa số thành viên

còn lại của HĐQT chấp thuận; nếu thực hiện mà không khai báo hoặc không được sự chấp thuận của HĐQT thì tất cả thu nhập có được từ hoạt động đó thuộc về công ty.

Điều 160 LDN 2014 quy định về nghĩa vụ của người quản lý công ty liên quan đến các giao dịch tư lợi như sau:

- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;

- Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông của công ty; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về các doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có phần vốn góp, cổ phần chi phối; thông báo này được niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty.

Thông tư 121/2012/TT-BTC nhắc lại Điều 119 và cụ thể hóa thêm nghĩa vụ này của người quản lý công ty tại Điều 23, cụ thể:

- Thành viên HĐQT, thành viên BKS, GĐ (TGĐ) điều hành, cán bộ quản lý khác và những người liên quan tới các thành viên này không được phép sử dụng những cơ hội kinh doanh có thể mang lại lợi ích cho công ty vì mục đích cá nhân; không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hay để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác.

- Thành viên HĐQT, thành viên BKS, GĐ (TGĐ) điều hành và cán bộ quản lý khác có nghĩa vụ thông báo cho HĐQT các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do CTĐC nắm quyền kiểm soát với chính thành viên đó hoặc với những người có liên quan tới thành viên đó theo quy định của pháp

luật. CTĐC phải thực hiện công bố thông tin về nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc nghị quyết HĐQT thông qua các giao dịch nêu trên trong thời hạn hai mươi bốn giờ trên trang thông tin điện tử của công ty và báo cáo UBCKNN.

Theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD thì Thành viên HĐQT và cán bộ quản lý cấp cao phải công khai cho HĐQT biết họ có lợi ích đáng kể nào trong bất kỳ một giao dịch hay vấn đề gì ảnh hưởng trực tiếp tới công ty hay không, cho dù là trực tiếp, gián tiếp hay thay mặt cho bên thứ ba [33, tr.20].

Điều 32 LCK đã quy định cụ thể những trường hợp phải chào mua công khai để các cổ đông và các chủ thể khác có thể giám sát.

LDN 2014 yêu cầu các giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận. Điều 162 Khoản 1 xác định hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận:

- Cổ đông, người đại diện uỷ quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;thấp hơn so với tỉ lệ trên 35% được quy định tại LDN 2005.

- Thành viên HĐQT, GĐ hoặc TGĐ và người có liên quan của họ; - Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 LDN 2014.

Khi thông qua các hợp đồng, giao dịch này, các thành viên hoặc cổ đông có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết. Đây là điều phù hợp với thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới. Thông tư 121/2012/TT-BTC nhắc lại quy định này tại Điều 23 Khoản 5, theo đó Thành viên HĐQT không được biểu quyết đối với các giao dịch mà thành viên đó hoặc người có liên quan đến thành viên đó tham gia, bao gồm các giao dịch mà lợi ích vật chất hay phi vật chất của thành viên HĐQT đó chưa được xác định.

Các giao dịch nêu trên phải được công bố trong Báo cáo thường niên của công ty.

LDN 2005 cũng quy định hậu quả pháp lý của việc giao dịch tư lợi không được thông qua theo đúng trình tự như trên và được tiếp tục kế thừa tại LDN 2014. Theo đó, Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được giao kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận theo quy định. Người đại diện theo pháp luật của công ty, cổ đông, thành viên HĐQT hoặc GĐ hoặc TGĐ có liên quan phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.

Thông tư 121/2012/TT-BTC cấm CTĐC không được cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các thành viên HĐQT, thành viên BKS, GĐ (TGĐ) điều hành, cán bộ quản lý khác và những người có liên quan tới thành viên nêu trên, trừ khi ĐHĐCĐ có quyết định khác. Và cấm CTĐC không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho các cổ đông và những người có liên quan.

Như vậy, pháp luật đã quy định khá chi tiết và cụ thể các bên có liên quan của công ty và cả chế độ, cách thức kiểm soát các giao dịch của công ty với các bên có liên quan phù hợp với các nguyên tắc quản trị công ty của OECD.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quản trị công ty đại chúng ở việt nam (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)