Nguyên tắc mở (xác định tinh thần) của hiến pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những nguyên tắc cơ bản xây dựng hiến pháp hoa kỳ (Trang 76 - 91)

Chương 2 : Những nguyên tắc cơ bản xây dựng hiến pháp Hoa Kỳ

9. Nguyên tắc mở (xác định tinh thần) của hiến pháp

Khi xây dựng một bản hiến pháp, người ta thấy một vấn đề có tính quy luật đó là dù được viết kỹ lưỡng đến đâu, bản hiến pháp cũng không bao giờ có thể đề cập hết được những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Và giả sử tồn tại một bản hiến pháp như vậy thì nó cũng sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời do sự biến đổi liên tục vốn là quy luật của cuộc sống. Vì vậy nếu muốn bản hiến pháp có một giá trị lâu dài, đứng vững trước những biến đổi của cuộc sống xã hội cần phải có một tầm nhìn khái quát khi xây dựng các quy phạm, vượt lên trên những vấn đề cụ thể nghĩa là phải xây dựng được một “tính mở” và một “tinh thần” cho bản hiến pháp để có thể tiếp nhận được những biến đổi của cuộc sống.

Các nhà lập hiến của nước Mỹ đã xây dựng tính mở cho bản hiến pháp thông qua 3 cách xây dựng quy phạm:

- Sử dụng loại quy phạm có tính chất chung, khái quát - Sử dụng loại quy phạm khoá

Các quy phạm có tính chất chung thường được sử dụng để diễn tả những chức năng, nhiệm vụ ở mức độ khái quát nhất cho các cơ quan của chính quyền. Nó giúp cho việc định hình bộ máy ở tầm vĩ mô, tạo tiền đề, cơ sở để xác định những thẩm quyền, chức năng cụ thể cho từng cơ quan trong bộ máy chính quyền. Có thể tìm thấy những quy định này rất dễ dàng trong bản hiến pháp:

“Mọi quyền hành lập pháp do bản hiến pháp này chấp thuận, sẽ trao cho một Quốc hội của Hiệp chủng quốc” khoản 1, điều I

“Quyền hành pháp sẽ được trao cho một vị Tổng thống Hiệp chủng quốc Mỹ châu” khoản 1, điều II

“Quyền tư pháp Hiệp chủng quốc sẽ được trao cho một Tối cao pháp viện” điều III, khoản 1

Các quy phạm khoá, ngược lại thường được sử dụng để trong những quy định cụ thể. Trong những trường hợp này, do tính chất phức tạp của hoạt động thực tiễn có thể có rất nhiều tình huống xảy ra mà khó có thể tiên liệu đầy đủ trước được, nên quy phạm khoá được đưa vào để đảm bảo không thể có những lỗ hổng trong bản hiến luật. Có thể xem xét những quy phạm khoá như sau:

“Quốc hội có quyền thu thuế.... làm ra mọi đạo luật cần thiết để thi hành các quyền lực ghi trên và mọi quyền lực khai thác mà Hiến pháp này trao cho Chính phủ Hiệp chủng quốc hoặc một bộ nào, một nhân viên nào của chính phủ” khoản 8, điều I

“Không một tiểu bang nào có quyền, nếu không có sự thoả thuận của Quốc hội, thu thuế về các sự nhập cảng và xuất cảng, ngoài thứ thuế tối cần thiết ... , và mọi đạo luật về sự đánh thuế sẽ phải đệ trình cho Quốc hội tái thẩm và kiểm soát” khoản 10, điều I

“Tổng thống sẽ có quyền đề cử theo ý kiến và với sự chấp thuận của Thượng viện bổ nhiệm các đại sứ, các sứ thần và các lãnh sự, các vị chánh án Tối cao pháp viện, và mọi công chức khác của Hiệp chủng quốc mà sự bổ nhiệm không được trù định trong hiến pháp này theo một thể thức khác, và sự bổ nhiệm này sẽ được quy định bằng một đạo luật” khoản 2, điều II

Bên cạnh những quy phạm tạo ra tính mở cho bản hiến pháp, còn một cái mà người ta gọi là “tinh thần” của hiến pháp cũng có tác dụng bổ xung để giải quyết những vấn đề mà bản hiến pháp không có quy định cụ thể. “Tinh thần” của hiến pháp được xác định bằng cách tổng hợp từ những yếu tố như: Phân tích, so sánh và đối chiếu các quy phạm chung; Phân tích nội hàm của các khái niệm dựa trên cơ sở của các điều kiện lịch sử xã hội cụ thể; Vận dụng phương pháp của áp dụng luật tương tự... và thông qua đó rút ra nhận định về quan điểm hiến pháp đồng thời đưa ra cách xử lý đối với những tình huống mới chưa được quy định trong hiến pháp. Cái gọi là “tinh thần” của bản hiến pháp thực chất không hề được đề cập trong bản hiến pháp hay được các nhà lập hiến nhắc đến. Bởi vậy, đến ngày nay người ta cũng không rõ là các nhà lập hiến thực sự ý thức về cái gọi là “Tinh thần” của hiến pháp hay không. Tuy nhiên , sau hàng trăm năm bản hiến pháp đi vào thực tiễn cuộc sống, rõ ràng có tồn tại một “tinh thần” như vậy qua thực tiễn xét xử của Toà án. Hàng loạt các vụ án lớn đã được xử lý dựa trên những căn cứ không có quy định cụ thể trong hiến pháp và chỉ được xác định theo phương pháp trên.

Lần đầu tiên người ta nghe và để ý tới vấn đề này là vụ Mabury kháng Madison do Chánh án Tối cao pháp viện John Marshall xử. Ông Marshall đã biện luận rằng mục 13 của Đạo luật tư pháp đã trao cho Toà án thẩm quyền thụ lý vụ án nhưng điều III hiến pháp Mỹ không có quy định, như vậy đạo luật Tư pháp dường như đã quy định thẩm quyền cho Toà án tối cao liên bang, vì vậy đã trái với hiến pháp và Toà án tối cao liên bang không thể giữ nguyên một đạo luật trái với hiến pháp.

Sau vụ án này rất nhiều vụ án khác cũng được giải quyết bằng “tinh thần” hiến pháp. Một vụ gần đây khá nổi tiếng là vụ Watergate với Tổng thống Nixon dưới thời ông Warren Burger là Chánh án Tối cao pháp viện Liên bang. Ông Warren đã viết: “Việc cản trở một đặc quyền hoàn toàn nhưng không đủ tiêu chuẩn cần phải coi là một nghĩa vụ hiến pháp căn bản của ngành tư pháp để bảo vệ công lý trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự – mặc dù có thể mâu thuẫn với chức năng của Toà án theo quy định tại điều 3 hiến pháp”. Ông viết tiếp “Một yêu cầu chính đáng của Tổng thống về việc giữ bí mật với các việc thông tin liên lạc của văn phòng Tổng thống, về bản chất mang tính nguyên tắc chung, nhưng yêu cầu của hiến pháp về việc đưa ra bằng chứng có liên quan trong một vụ án hình sự lại là trường hợp cụ thể và đặc biệt quan trọng trong việc xét xử một vụ án hình sự cụ thể của ngành tư pháp. Nếu không tiếp cận được những sự thật cụ thể, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ hoàn toàn thất bại. Lợi ích chung của Tổng thống trong việc giữ bí mật thông tin sẽ không bị mất đi do việc tiết lộ một số lượng hạn chế các cuộc đàm thoại đã nói ở trên để làm căn cứ cho một vụ án hình sự đang chờ xét xử”1

.

Tinh thần của bản hiến pháp không chỉ được thấy qua sự vận dụng của ngành tư pháp trong việc xử lý các vụ án. Người ta còn thấy nó ngay trong ngành hành pháp

trong việc quy định thẩm quyền của Tổng thống. Điều II khoản 2 hiến pháp Hoa kỳ quy định:

“Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh lục quân và hải quân Hiệp chủng quốc và dân quân của các tiểu bang được triệu tập để phục vụ Hiệp chủng quốc”

Trong quy định này ghi rõ Tổng thống chỉ là tư lệnh lục quân và hải quân, nhưng ngày nay Tổng thống lại kiêm thêm cả Tư lệnh lực lượng không quân khi lực lượng này hình thành và phát triển. Điều đặc biệt là Tổng thống nghiễm nhiên được hưởng quyền này mà hiến pháp không quy định cũng như chưa hề có một tu chính án nào đề cập đến vấn đề này. Đây chính là sự biểu hiện rõ nhất của việc áp dụng “tinh thần” của bản hiến pháp. Vào thời kỳ bản hiến pháp ra đời, quân đội chưa có không quân vì vậy quy định “Tổng thống sẽ là tư lệnh lục quân và hải quân” cần phải được hiểu là tư lệnh của toàn bộ các lực lượng vũ trang. Và đã là tư lệnh các lực lượng vũ trang thì sau này khi hình thành một lực lượng vũ trang mới, lực lượng không quân hay bất kỳ một lực lượng nào khác, thì Tổng thống vẫn đương nhiên có quyền trở thành tư lệnh.

Cuối cùng, các nhà lập hiến thấy rằng, cho dù bản hiến pháp có hoàn hảo đến đâu, các quy phạm được xây dựng thông minh, khéo léo đến mức nào thì nó cũng vẫn chỉ là sản phẩm chủ quan của con người trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định. Các nhà lập hiến đã phải lường đến trường hợp những ý tưởng mà vào thời điểm của họ có thể là thông thái nhưng đến thời con cháu sẽ chỉ là lỗi thời. Bởi vậy, để bản Hiến pháp có thể trường tồn với thời gian, các nhà lập hiến đã đưa ra một khả năng để các thế hệ sau này có thể sửa chữa tất cả những gì bất cập mà thế hệ đi trước để lại. Đó chính là quy phạm về sửa đổi hiến pháp quy định tại điều 5 của Hiến pháp Hoa kỳ:

“Quốc hội, trong trường hợp khi 2/3 số thành viên của cả hai viện cho là cần thiết, sẽ đề nghị các tu chính cho bản hiến pháp này, hoặc theo lời yêu cầu của các cơ quan lập pháp của 2/3 các tiểu bang sẽ triệu tập một hội nghị để đề nghị tu chính án đó. Trong trường hợp nào cũng vậy, các tu chính án đó sẽ có hiệu lực về mọi phương diện, như là một phần của bản hiến pháp này, khi đã được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của 3/4 các tiểu bang này hoặc khi đã được phê chuẩn bởi hội nghị của 3/4 các tiểu bang, tuỳ theo thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị.”

CHƢƠNG 3: SỰ BIẾN CHẤT CỦA MỘT SỐ NGUYÊN TẮC LẬP HIẾN TRONG THỰC TIỄN CHÍNH TRỊ HOA KỲ

1. Sự xuất hiện các đảng phái cũng nhƣ chế độ lƣỡng đảng và tác động của chúng đối với một số nguyên tắc lập hiến.

Có thể thấy rằng, bản hiến pháp Mỹ được xây dựng vào thời kỳ mà các Đảng chính trị chưa xuất đầu lộ diện, chưa thể hiện vai trò và ý nghĩa lớn lao trong đời sống chính trị. Một số các nguyên tắc chính trị mà các nhà lập hiến Mỹ đã xây dựng trong bản hiến pháp mặc dù hết sức thông minh nhưng đã không thể đứng vững và chúng đã bị biến dạng, méo mó dưới sự tác động của một loại thế lực chính trị mới xuất hiện, đó là hệ thống Đảng chính trị.

Phần trình bày dưới đây sẽ tóm tắt về sự hình thành các đảng chính trị của Mỹ cũng như sự tạo thành chế độ lưỡng đảng cầm quyền và sự biến đổi của một số các nguyên tắc lập hiến dưới tác động của hệ thống đảng chính trị.

Sự xuất hiện của các đảng phái chính trị ở Mỹ

Ở Mỹ, đảng phái chính trị là một bộ phận hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị. “Đảng chính trị (được định nghĩa) là một nhóm cá nhân, được tổ chức lại nhằm giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử để điều hành chính phủ và quyết định chính sách công cộng”1. Tức là đảng phái không chỉ là sự gắn thêm vào chính

quyền một cách đơn thuần mà còn có một vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới đời sống chính trị từ sự tổ chức đến sự vận hành của toàn bộ hệ thống chính trị.

Mặc dù vậy, Hiến pháp của nước Mỹ không hề có một từ nào đề cập tới đảng phái chính trị. Ngay cả những nhà sáng lập nước Mỹ như George Washington cũng không ủng hộ sự xuất hiện của các đảng phái, vì cho rằng: “Nước Mỹ có thể bị chia rẽ bởi những ảnh hưởng tai hại của tư tưởng bè phái và đảng phái là mối đe doạ sự đoàn kết dân tộc”, hay Thomas Jefferson cũng có tư tưởng chỉ trích đảng phái qua lời tuyên bố: “Nếu có đảng mới tới được thiên đàng, tôi thà không đến đó còn hơn”1.

Tuy nhiên, trong xã hội tư bản, khi nguyên tắc dân chủ đã được tất cả mọi người thừa nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản để tổ chức một chế độ và sự xung đột về lợi ích là một tất yếu tồn tại, thì nhu cầu về nắm quyền lực chính trị và thông qua việc kiểm soát bộ máy nhà nước để bảo vệ lợi ích, sớm muộn cũng dẫn đến sự liên kết những người có cùng quan tâm hay có cùng lợi ích. Đảng phái trở thành nơi tập trung những tư tưởng của những cá nhân có chung chí hướng, lợi ích đồng thời cũng là giải pháp để khắc phục sự mênh mông, hỗn tạp, rối rắm của tư tưởng quần chúng trong một xã hội dân chủ. Do vậy sự xuất hiện và tồn tại của các đảng đảng phái là một tất yếu lịch sử không thể cưỡng lại được.

Ngay sau Hội nghị lập hiến tại Philadelphia, bất chấp sự phản đối của những nhà sáng lập và cũng là những Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ như George Washington, John Adam về đảng phái chính trị, các phe phái đã liên kết với nhau giành quyền chi phối nhà nước mà găy gắt nhất là nắm giữ cương vị Tổng thống.

Những người tán thành chủ trương thành lập Liên bang do Alexander Haminton, bộ trưởng Tài chính dưới thời Washington đứng đầu. Nhóm này chủ trương thiết lập một chính phủ trung ương mạnh. Họ đồng thời cũng là những thương gia, chủ ngân hàng và các địa chủ bảo thủ, do vậy họ quan tâm tới các nguồn lợi về ngân hàng, tài chính và thương mại. Phái này lập nên Đảng chính trị quốc gia sau này là Đảng cộng hoà. Đối lập với phái liên bang là phái chủ trương chống chủ nghĩa liên bang do ông Thomas Jeffeson đứng đầu. Ông đã tổ chức một liên hiệp mang tên Đảng Cộng hoà - Dân chủ hay còn gọi là đảng của những người cộng hoà-dân chủ. Người ta gọi đảng này là đảng của những người tiểu nông, tập hợp phần lớn những tiểu chủ của các đồn điền ở các bang miền trung-tây, các công nhân ở các thành thị mới xây dựng và các nô lệ da đen ở miền nam.

Như vậy, ngay trong những năm 90 của thế kỷ XVIII, ở Mỹ đã xuất hiện đảng phái và các đảng song song tồn tại trong nền chính trị Hoa kỳ và cũng là những đảng chính trị ra đời sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên sự tồn tại của hai đảng này chỉ trong một thời gian ngắn, đến cuộc bầu cử năm 1800, đảng theo chủ nghĩa liên bang thất thế mở ra một thời kỳ nắm quyền của đảng Cộng hoà-Dân chủ. Đảng này đã liên tiếp thắng cử trong 7 nhiệm kỳ liên tiếp bầu cử tổng thống. Thời gian này được gọi là “Kỷ nguyên thiện cảm” (The era of good feeling). Đến năm 1824, Đảng Cộng hoà - Dân chủ có sự bất đồng về lợi ích trong nội bộ đã phân chia thành hai phái chống đỗi lẫn nhau dẫn đến sự ra đời của hai đảng : Đảng Whigs đại diện cho các chủ ngân hàng, nhà buôn, chủ đồn điền miền nam và Đảng Dân chủ đại diện cho quyền lợi của quần chúng bình dân. Đến năm 1950, “Vấn đề nô lệ” ở Mỹ làm cho các đảng phái chính trị suy yếu biểu hiện ở chỗ đảng Dân chủ bị chia rẽ, đảng Whigs bị sụp đổ. Tuy nhiên, những người thuộc đảng Whigs cũ và những người thuộc đảng Dân chủ ly khai họp nhau lại tuyên bố thành lập Đảng Cộng hoà với

chủ trương chống lại chế độ nô lệ. Đảng Cộng hoà trở thành đảng đại diện cho khu vực miền bắc và miền tây, còn đảng Dân chủ đại diện cho chế độ nô lệ miền nam. Hai đảng này chính là hai đảng Cộng hoà và Dân chủ tồn tại cho đến ngày nay.

Cũng cần thấy rằng, ở Mỹ không chỉ có hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hoà, mà song song tồn tại rất nhiều đảng nhỏ và rất nhiều lần các đảng này tham gia ứng cử tổng thống, chỉ có điều chưa một lần trúng cử. Có thể chia các đảng nhỏ thành hai loại chủ yếu: Loại thứ nhất, là những đảng thành lập xuất phát từ lợi ích kinh tế, họ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những nguyên tắc cơ bản xây dựng hiến pháp hoa kỳ (Trang 76 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)